Hát bội nhìn qua lăng kính trẻ

Thứ Bảy, 27/01/2018, 08:59
“Vẽ về hát bội” sẽ có triển lãm đầu tiên vào ngày 1-2 tại TP Hồ Chí Minh. Loại hình nghệ thuật truyền thống vốn bị công chúng thờ ơ (đặc biệt là thanh thiếu niên) trở nên hấp dẫn lạ kỳ qua lăng kính hiện đại, trẻ trung.


“Vẽ về hát bội” là dự án dài hơi do hai bạn trẻ 9x Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang khởi xướng. Hai bạn trẻ này là con cháu nghệ sĩ hát bội? Hay là người rất yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này? Câu trả lời là không. Cũng như phần đông khán giả, họ không thích hát bội.

Mở tivi, thấy các nghệ nhân mặt mày vẽ đủ sắc màu, mũ mão cân đai sặc sỡ, múa may theo tiếng kèn, tiếng trống là họ đã vội vã chuyển kênh. Ngồi xem chỉ thêm buồn ngủ vì không hiểu nghệ nhân đang hát gì, điệu bộ thì ước lệ khó hiểu. Phần nữa, như phần đông người trẻ mơ mộng, nhìn những bộ mặt hóa trang xanh đỏ đủ kiểu, Liên và Quang thú thật cứ thấy rờn rợn, sờ sợ sao ấy.

Đầu tháng 10 -2017, hai bạn trẻ đến dự talk show “Xây chầu hát bội” (do Tổ chức “Đối thoại văn hóa cộng đồng CCD” thực hiện). Không hiểu về hát bội nên đây là dịp để họ tìm hiểu thêm về nó. Liên và Quang còn là họa sĩ minh họa sách. Không bằng lòng với những hình ảnh có phần lai tạp, ảnh hưởng văn hóa nước ngoài, họ cố gắng tìm tòi các họa tiết xưa cổ, hình vẽ truyền thống để vẽ tranh minh họa thuần Việt hơn. Talk show này là cơ hội cho họ học hỏi. Khách mời talk show là NSND Đinh Bằng Phi – một đại thụ trong làng hát bội.

Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang là người khởi xướng dự án “Vẽ về hát bội”.

“Tui theo nghiệp hát bội nhưng cả nhà ngăn cấm dữ dội. Trước đây gia đình có một người cô mê tuồng và trốn đi. Cả nhà bắt cô lại, kêu thầy về cúng, đuổi con ma hát bội ra khỏi người. Rồi họ nhốt cô trong cái rọ treo dưới kênh nước chảy xiết để trục ma. Đến tối, cả nhà không hay nước lên. Cô chết tức tưởi vậy nhưng ông bà vẫn khăng khăng con mình chết là do con ma hát bội bắt đi. Tui mê hát bội lắm mà phải trốn chui trốn nhủi theo đoàn hát.

Thời đó, nhiều người thích nghe hát, đêm nào rạp cũng sáng đèn. Giờ tui sắp gần đất xa trời nhưng cả đời hát tuồng, ba má chưa một làn coi con mình diễn ra làm sao, con cháu thì không có ai theo nghiệp…”. Nghe những lời tâm sự day dứt của người nghệ sĩ già, ở đâu đó dưới khán phòng bật lên tiếng nấc. Liên và Quang nhìn nhau ngậm ngùi. Quang kể, “mình vẫn nhớ nhất câu nói cuối cùng đầy tuyệt vọng của bác Đinh Bằng Phi khi kết thúc buổi tọa đàm: “Hát bội rồi sẽ chết thôi, không cách gì cứu nổi!”.

Quang không hiểu tại sao bác lại bi quan cùng cực đến thế. Hóa ra, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh dù biểu diễn miễn phí tất cả suất diễn nhưng khán giả vẫn lèo tèo, thậm chí không muốn nói là rạp vắng tanh. Khán giả quay lưng nên đời sống nghệ sĩ tuồng vô cùng khó khăn, khốn đốn. Họ chỉ còn trông chờ vào đồng lương ít ỏi và những buổi người ta mời gánh về hát cúng đình, miếu. Nhưng tiền cát xê bọt bèo không đủ nuôi miệng buộc họ phải chạy vạy đủ cách bằng nghề khác để mưu sinh.

Lời kết luận cay đắng ẩn chứa bao nỗi xót xa, nghẹn ngào của NSND Đinh Bằng Phi thúc giục Liên và Quang phải làm cái gì đó. Nhìn ngắm những chiếc mặt nạ tuồng được bác Đinh Bằng Phi giới thiệu, thuyết trình trong talk show, hai họa sĩ trẻ vô cùng ấn tượng. Họ không ngờ chúng đẹp đến thế, thể hiện rõ ràng tính cách hiền – dữ, thiện – ác của mỗi nhân vật. Cảm giác đáng sợ, ám ảnh xưa kia bay biến đi đâu mất. Và họ biết, từ đây mình phải làm gì.

Liên và Quang lập nhóm “Vẽ về hát bội” trên Facebook và kêu gọi thêm nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng chí hướng tham gia. Đến nay dự án đã quy tụ hơn 40 họa sĩ, nhà thiết kế, đồ họa… từ Bắc vào Nam và cả Việt kiều Canada, Anh... Nơi gặp gỡ của họ là Facebook và email. Lúc đầu, nhóm chỉ vẽ lại mặt nạ hoặc chân dung nhân vật Quan Công, Đổng Trác, Khương Linh Tá…

Dần dần họ biến tấu, sáng tạo theo cách riêng nhằm thể hiện cái nhìn của thế hệ mình về nghệ thuật hát bội. Đó là vẽ lại các trích đoạn, phân cảnh, nhân vật theo cảm nghĩ riêng của mỗi người, thể hiện thông điệp cụ thể trong từng bức tranh như cảnh “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá”, nội tâm giằng xé đau đớn của Đào Tam Xuân nghe tin chồng chết…

Hơn 1 tháng miệt mài làm việc, 44 tác phẩm gồm đủ loại hình như tranh màu bột, bút sắt, chì, sơn dầu, màu nước, digital… ra đời. Ngoài tranh, một số thành viên khác còn thể hiện tình yêu hát bội qua phim hoạt hình, truyện tranh với nét vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu và gần gũi với mọi đối tượng người xem. Dù cách tân, phóng tác theo xu hướng hội họa hiện đại nhưng điều bất biến trong các tác phẩm này là mặt nạ nhân vật.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhóm “Vẽ về hát bội”.

Để bổ sung thiếu sót về hát bội, tránh lẫn lộn mặt nạ của nhân vật này sang nhân vật khác, nhóm mời NSND Đinh Bằng Phi cố vấn chuyên môn. Tuổi cao sức yếu, nói năng khó khăn nhưng quá vui mừng trước sự quan tâm, ủng hộ của lớp trẻ với nghiệp xướng ca mà mình đã dành cả đời phụng sự, ông giới thiệu nhóm với học trò xuất sắc của mình - NSƯT Hữu Danh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần bắt đầu vẽ, nhóm được NSƯT Hữu Danh giảng giải, hỗ trợ nhiệt tình.

Quang tâm sự: “Khâu khó khăn nhất với bọn em là tìm tài liệu. Tài liệu chữ thì nhiều nhưng hình vẽ, tranh ảnh thì lại không được bao nhiêu. Có cuốn chỉ lưu hành nội bộ nên bọn em rất vất vả để tìm kiếm. Ngoài ra, do không am hiểu, nên chuyện vẽ sai, vẽ xong cả tuần liền phải bỏ là chuyện hiển nhiên”. Liên cho biết thêm: “Cũng nhờ đọc tài liệu về hát bội nhiều, tụi em không thấy hát bội khó hiểu nữa mà thấy đây là loại hình nghệ thuật rất thú vị. Mỗi lần có các suất diễn mới là bọn em lại rủ nhau đi coi”.

Trẻ, đi nhiều nên Liên và các bạn trong nhóm luôn chạnh lòng khi thấy nước bạn như Thái Lan, Campuchia, Philippines… có những loại hình nghệ thuật độc đáo trở thành di sản văn hóa mời gọi du khách gần xa. Riêng Việt Nam, ngoài chèo, cải lương, đờn ca tài tử… thì hát bội là nghệ thuật truyền thống có kiểu ước lệ sân khấu rất đặc sắc nhưng nó lại sống ngắc ngoải, có nguy cơ biến mất. “Cánh cửa” của họa sĩ Hoàng Giang có lẽ là bức gây nhiều ám ảnh nhất.

Một nghệ nhân đã hóa trang mặt nhưng vẫn mặc nguyên bộ đồ trắng. Một mình ông ngồi lặng im trong góc tối như chờ đợi một điều gì. Hình hài tiều tụy ấy lờ mờ hiện ra trong vệt sáng yếu ớt hắt từ cánh cửa hé mở. Người đời lãng quên ông như lãng quên sân khấu hát bội.

Chính điều đó khiến nhóm càng quyết tâm đem dự án đến gần với công chúng, để công chúng nhìn thấy nét đẹp của hát bội, tiếp tục kế thừa, phát triển nó. Hoàn thành tác phẩm nào, nhóm đem triển lãm online ngay trên chính Fanpage “Vẽ về hát bội”. Nhằm lan tỏa ý nghĩa của dự án, trưởng nhóm Nhựt Nguyễn xúi cả nhóm đem tranh triển lãm offline rồi chạy vạy khắp nơi để lo kinh phí, địa điểm, khách mời… Buổi triển lãm sẽ có NSƯT Hữu Danh tham gia với vai trò diễn giả. Nhóm còn dự định in tác phẩm thành sách song ngữ Việt – Anh để giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng quốc tế về một loại hình nghệ thuật thú vị của Việt Nam.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.