Đạo diễn phim “Hà Nội 12 ngày đêm”:

Đó là bộ phim đầu tiên được thực hiện bởi kỹ thuật hiện đại

Thứ Năm, 15/01/2009, 11:30
Những ngày này cách đây 36 năm, quân và dân thủ đô đã làm nên một chiến thắng vĩ đại, đó là đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris mang lại hòa bình cho miền Bắc Việt Nam. Chiến thắng ấy được coi là huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, là trận "Điện Biên Phủ trên không".

Và 30 năm sau, những thế hệ trẻ lại được chứng kiến 12 ngày đêm đau thương mà cũng rất đỗi oanh liệt hào hùng ấy thông qua tác phẩm điện ảnh được làm công phu, hoành tráng nhất cho tới thời điểm đó - bộ phim "Hà Nội 12 ngày đêm". VNCA có dịp cùng đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc chia sẻ những ký ức không phai khi ông bắt tay vào thực hiện bộ phim này.

-Thưa đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc, khi nhận lời làm phim "Hà Nội 12 ngày đêm", ông đã ngoài 60 tuổi và đã... về hưu. Ông có ngần ngại khi mình được giao trọng trách nặng nề ấy bởi tâm lý, khi về hưu rồi, người ta muốn nghỉ ngơi và làm những việc nhẹ nhàng kiểu "vui là chính", trong khi "Hà Nội 12 ngày đêm" là phim đặt hàng của Nhà nước kèm theo rất nhiều sự kỳ vọng?

 + Tôi sinh năm 1934, cuộc đời tôi chứng kiến trọn vẹn 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Dù cuộc đời làm phim của tôi nay đây mai đó nhưng Hà Nội là nơi tôi sống phần lớn cuộc đời mình.

Khi Hà Nội gồng mình trong 12 ngày đêm khói lửa, tôi cũng là một trong những người được chứng kiến tận mắt. Cho đến bây giờ, tôi vẫn hình dung được không khí tang thương ngày ấy. Phố Khâm Thiên sau trận đánh chỉ còn là một đống đổ nát. Những chiếc xe tải chở quan tài chạy dọc trên phố...

Cả Hà Nội bao trùm nỗi đau đớn và cả nỗi lo lắng rằng "có khi đêm nay, phố cổ cũng bị đánh tan thì sao". Nhưng rồi, từ đau thương ấy, Hà Nội đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng. Là người làm phim chuyên nghiệp, tôi đã ấp ủ được làm một bộ phim về sự kiện lịch sử vĩ đại này. Khi được giao vai trò đạo diễn, trong tôi trào dâng niềm tự hào vì có cơ hội được tái hiện lại không khí hào hùng của Hà Nội những ngày tháng ấy.

 - Với bất kỳ đạo diễn nào, làm phim về đề tài chiến tranh chưa bao giờ là việc dễ dàng. "Hà Nội 12 ngày đêm" đã lập kỷ lục về thời gian làm phim ( 7 năm) cũng như chi phí phim (gần 8 tỉ đồng). Và theo tôi được biết, thời gian làm phim đằng đẵng ấy, không phải lúc nào cũng suôn sẻ ?

 + Riêng về mặt thời gian thì tôi phải xin "đính chính" là 5 năm (từ năm 1997 đến 2002) chứ không phải 7 năm như báo chí lâu nay từng nói. Thời gian làm một bộ phim phải tính từ lúc bắt đầu quay đến khi hoàn thành chứ không tính từ khi có kịch bản.

Vì có những kịch bản bị "ngâm" tới hàng chục năm mới thực hiện được. Bộ phim đã quay mất 1 năm rưỡi trong khi nếu thuê được máy bay MiG và 5 quả tên lửa thì chỉ mất 4 tháng. Ở thời điểm đó, tiền thuê 1 quả tên lửa là 80.000 USD. Chỉ riêng tiền thuê 5 quả tên lửa đó đã mất gần 6 tỉ đồng, gần hết số tiền được cấp làm phim.

Để tiết kiệm chi phí, tôi đã phải liên hệ với bên quân đội để đợi khi nào bộ đội tên lửa đi tập bắn thì xin quay "ké". Và để quay máy bay MiG cũng phải chờ khi quân đội chúng ta tập trận. Chúng tôi đã mất một năm chờ tới thời điểm đó. Khi quay, chúng tôi đã cùng lúc sử dụng tới 4 máy quay vì biết sẽ không có cơ hội lần thứ hai.

Trong cuộc họp xét duyệt tổng dự toán làm phim, tôi đã có 3 đề xuất: phim phải được làm bằng kỹ xảo máy tính, sử dụng âm thanh surroud (âm thanh vòm) và phim phải được in tráng bằng kỹ thuật hiện đại ở Trung Quốc.

Nhưng sau khi quay xong, chúng tôi phải đợi tới 2 năm 8 tháng để được cấp kinh phí hoàn thiện. Đó là lý do thời gian làm phim kéo dài như vậy. Nhưng tôi tự hào đó là phim đầu tiên của Việt Nam được thực hiện bởi kỹ thuật hiện đại.

 - Là người có nhiều thành công trong việc làm những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng như: "Đường về quê mẹ", "Nguyễn văn Trỗi" và sau này là "Hà Nội 12 ngày đêm", theo ông, điều gì quan trọng khi làm phim về đề tài này?

 + Tôi quan niệm, làm phim về chiến tranh nhưng không được căng thẳng, lên gân mà phải đi sâu vào tình cảm con người. Từ một trận đánh cụ thể, một nhân vật cụ thể để khái quát lên bản lĩnh của cả dân tộc, lý giải với bạn bè quốc tế cũng như thế hệ sau này rằng trong những giây phút khó khăn nhất, chúng ta đã chiến thắng như thế nào.

Trong bộ phim, tôi đã để một ngày không có tiếng súng - đó là ngày Noel. Đó cũng là ngày gặp gỡ của vợ chồng Tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân sau thời gian dài cách biệt.

Trên nền chiến tranh khốc liệt, xen giữa những sự kiện nóng bỏng là hình ảnh Hà Nội thanh bình giữa giai điệu "Suối mơ" của Văn Cao, giữa những cuộc chuyện trò của giới nghệ sĩ trong quán cà phê Lân nổi tiếng. Để họ hiểu, người Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung yêu hòa bình như thế nào. --PageBreak--

Những con người bình dị như Tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân, phi công lái máy bay Trần Đại, chỉ huy pháo cao xạ bảo vệ cầu Long Biên Nguyễn Thắng, nhà báo Ngân Hà, bác sĩ Thủy Tiên... đã gác lại những tình cảm riêng tư, những đau thương mất mát để dốc mình cho cuộc chiến. Đó chính là nguồn sức mạnh để quân dân Hà Nội chiến thắng.

 - "Hà Nội 12 ngày đêm" cũng là bộ phim được tham dự nhiều Liên hoan phim (LHP) quốc tế nhất. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm và đánh giá của bạn bè quốc tế về bộ phim?

+ Tới thời điểm này, phim đã tham dự 10 LHP Quốc tế. Tiêu biểu như năm 2003, phim tham dự LHP Cairô (Ai cập), LHP Fukuoka (Nhật Bản), LHP New Delhi (Ấn Độ); Năm 2004, phim tham dự LHP Locano (Thụy Sĩ), LHP Vesoul (Pháp), LHP Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Năm 2005 thì tham dự LHP Fair (Tehran - Iran) và LHP Laguna Terrenfe (Tây Ban Nha).

Tôi vẫn nhớ tại LHP Fukôka, ông Tadao Sato - Chủ tịch LHP và là Viện trưởng Viện Hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản khi ấy đã nói với tôi: "Phim Hà Nội 12 ngày đêm" là một bộ phim hay, một bộ phim trí tuệ. Tôi xem trong từng trường đoạn của phim, chiến tranh diễn ra rất ác liệt nhưng tôi vẫn cảm thấy người Việt Nam để hòa bình lên trên chiến tranh, để tình hữu nghị giữa các dân tộc trên sự hận thù dân tộc".

Còn tại LHP Lalaguna Terrenfe, đây là LHP về lịch sử đầu tiên trên thế giới. LHP có 3 ngày, ngày chiếu đầu tiên là những phim về Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngày thứ hai là về Chiến tranh thế giới thứ hai và ngày thứ ba là về Chiến tranh Việt Nam. Buổi chiếu phim đông kín khán giả. Tôi thật sự xúc động trước tình cảm yêu mến của bạn bè quốc tế.

 - Phim "Hà Nội 12 ngày đêm" cũng là phim đánh dấu sự "phối hợp tác chiến" giữa ông và con trai - phó đạo diễn kiêm quay phim chính Bùi Trung Hải. Khi quyết định giao cho con trai trọng trách ấy, ông có lo ngại vì chuyện này rất nhạy cảm?

 + Tôi sẽ không giao cho Hải nếu cảm thấy không tin tưởng. Hải tuy là con trai nhưng trong công việc là đồng nghiệp của tôi. Khả năng quay phim của Hải đã được đồng nghiệp thừa nhận qua một số phim trước, tiêu biểu như phim "Cỏ lau" (Đạo diễn Vương Đức).

Hải có thẩm mỹ tinh tế, thường đưa ra ý tưởng mới mẻ bên cạnh tư duy trải nghiệm của thế hệ làm phim lớn tuổi như tôi. Tôi cho rằng, sức sống mới trong nghệ thuật là điều hết sức cần thiết. Cũng có lúc tranh luận gay gắt nhưng chúng tôi đều thống nhất một phong cách: Làm nghệ thuật là phải tìm tòi sáng tạo liên tục và phải làm đến nơi đến chốn.

 - Không riêng gì bộ phim này mà nhiều phim của Việt Nam đều có chung một số phận: Tuy được khán giả quốc tế đánh giá cao nhưng lại không đạt doanh thu như mong muốn trên quê hương. Ông có buồn về điều này và tại sao lại có tình trạng như vậy?

 + Là người làm nghệ thuật, ai cũng muốn phim của mình được đông đảo khán giả biết tới. Nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi có 2 vấn đề chính, đó là điện ảnh Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ. Thiếu tính chuyên nghiệp trong nghệ thuật và kỹ thuật làm phim.

Thiếu tính đồng bộ ở khâu sản xuất và phát hành. Chúng ta chưa thực sự quan tâm tới khâu quảng cáo, phát hành. Đơn cử như phim "Hà Nội 12 ngày đêm" lỡ một số LHP quốc tế vì chúng ta chỉ có 2 bản phim, gửi được nơi này, lại mất nơi kia. Thậm chí, trong một LHP tại TP HCM, nhiều bạn bè của tôi còn gọi điện không biết có chiếu phim này...

 - Đã bước sang tuổi 75, điện ảnh có còn là điều ông quan tâm nhất hiện nay?

 + Tôi vẫn theo dõi từng bước đi của điện ảnh Việt Nam, thế giới và vẫn chờ cơ hội làm phim nếu thấy phù hợp. Thời gian qua, tôi vẫn bận rộn vì viết báo và chấm giải tại các LHP. Sắp tới, tôi sẽ phải vào Nha Trang tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc với cương vị giám khảo thể loại phim tài liệu.

-  Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe để hoàn thành những dự định của mình!

Thảo Duyên
.
.
.