Tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Thứ Ba, 21/06/2022, 08:06

Mặc dù đánh giá cao các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp (DN) để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch, thế nhưng nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn…

Gói hỗ trợ lãi suất 2% (có hiệu lực từ đầu tháng 1/2022) nhằm hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN, HTX, hộ kinh doanh, có khoản vay trong năm 2022 -2023, nguồn vốn của gói hỗ trợ này là 40.000 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn vốn với chi phí thấp giúp người dân, DN tái khởi động lại dây chuyền sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới... Tuy nhiên, đến nay nhiều DN lo lắng vì rất khó để tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất này. Bởi theo quy định của các tổ chức tín dụng, để tiếp cận gói hỗ trợ thì DN phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm...

Ông nguyễn Thanh Phong - Giám đốc công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng (quận Tân Phú) chia sẻ: “Sau 2 năm chống chọi với dịch, hiện giờ DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không có lãi nhưng không thể duy trì tình trạng này mãi. DN đang rất cần thêm nguồn vốn để đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất, dự trữ nguồn nguyên liệu để chủ động sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động… Cái khó là DN không có tài sản thế chấp, nên không thể vay được”.

thao go von.jpg -0
Các DN trong ngành lương thực, thực phẩm không dám nhận đơn hàng xuất khẩu do khó khăn về vốn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay DN trong ngành lương thực, thực phẩm đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất tăng cao với mức 20 - 30%, có loại vượt 40%, giá xăng dầu trong nước cũng tăng cao kỷ lục. Chi phí đầu vào tăng mạnh, nếu DN áp vào giá thành sản phẩm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua. Hiện ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng không bù đắp hết được và DN đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán. Nhiều DN ở Mỹ, châu Âu… đặt rất nhiều hàng thực phẩm nhưng DN không dám nhận đơn hàng. Bởi, đơn giá xuất khẩu không tăng, nhưng chi phí đầu vào biến động quá nhanh, DN lại thiếu vốn để mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất.

Nhiều DN cho rằng, mặc dù không đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ ưu đãi, nhưng nếu DN phương án kinh doanh tốt, tạo ra được dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng thì ngân hàng có thể xem xét phương án kinh doanh này của DN. Hoặc DN cần vay vốn để mua máy móc trang thiết bị, ngân hàng có thể thẩm định giá các thiết bị này và nhận thế chấp chính các thiết bị này… Nếu ngân hàng linh động thay đổi điều kiện, thì đó là cách để giúp DN dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Còn nếu cứ bám vào điều kiện DN phải có tài sản thế chấp, không có khoản nợ đọng, nợ xấu... thì đã loại đi một số DN có khả năng tiếp cận ngân hàng nhưng không thể tham gia được.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, nền kinh tế hiện đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, nhu cầu vốn của các DN rất lớn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới, đào tạo lao động, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất… Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng khiến nhu cầu vốn đối với DN rất lớn, trong khi DN nhỏ và vừa chiếm tới 97% và tiếp cận vốn vay của các DN này hiện nay rất khó. Do đó, HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giúp DN vay vốn cũng như hỗ trợ triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Thời gian qua, để giải “bài toán” vốn cho DN, ngành Ngân hàng cũng đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ DN như: Giảm chi phí cho DN thông qua việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay, triển khai trình kết nối ngân hàng – DN… Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, TP Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng. Gói hỗ trợ này không hỗ trợ đại trà, mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, DN cần tiếp cận vốn để phát triển sản xuất thì nguồn vốn ngân hàng không phải là duy nhất.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, từ trước đến giờ cứ thiếu vốn là DN lại nghĩ ngay đến ngân hàng. Nhưng nguồn vốn ngân hàng chỉ chiếm 47%, ngoài ra còn các nguồn khác như FDI, trái phiếu DN, cổ phiếu, đầu tư công... Tuy nhiên, để dễ dàng tiếp cận được các dòng vốn, thì DN lưu ý là cần công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị DN. Đồng thời, DN cũng thể hiện thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp…

Thúy Hà
.
.
.