Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững
Ông Alexander BÖHME, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, OECD cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động.
Chiều 19/9, diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã họp phiên toàn thể với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Mở đầu là phần trình bày của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV về động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới cho biết, từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn; với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống và động lực mới.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, nhu cầu và hành vi đầu tư, tiêu dùng đã thay đổi theo hướng tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, nhiều mô hình kinh doanh, xu hướng công nghệ mới phát triển nhanh hơn so với dự đoán. Từ đó, những xu thế vận động mới này có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung - dài hạn. Xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số.
Với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu; dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính hiệu quả và bền vững.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ 6 nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó, cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, qua đó thúc đẩy liên kết vùng. Tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…; qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị 6 nội dung nhằm phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm.
Cũng cho rằng, cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Đức kiến nghị, cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng; đồng thời cũng cần thêm các chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam thì đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI; đề nghị, cần có chính sách thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Quan tâm đến giáo dục, dạy nghề, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp Alexander BÖHMER cho biết OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay dự báo gặp khó khăn nên hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực năm 2022 đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. “Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động” - ông Alexander BÖHMER nhấn mạnh.
Sau phiên thảo luận, diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã Toạ đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” với các đại biểu tham gia toạ đàm gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức; Giám đốc khối nghiệp vụ kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư - khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckardt; Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright TS. Vũ Thành Tự Anh; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung.