Nâng tầm thương hiệu Việt, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 10/05/2022, 07:06

Sau hơn 2 năm dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) đang trong giai đoạn phục hồi, nỗ lực vượt qua khó khăn để vững vàng trên hành trình hội nhập quốc tế khẳng định thương hiệu Việt. Đến nay, nhiều thương hiệu Việt được xây dựng và phát triển trên nền tảng chất lượng, tiêu chuẩn đã chinh phục được người tiêu dùng tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Gia tăng giá trị cho sản phẩm và doanh nghiệp

Tại Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực. Trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, THQG của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỷ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới. Việt Nam là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị THQG đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Trong bối cảnh này, việc xây dựng THQG là một bệ phóng quan trọng để tăng hạng cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Trên thực tế, với sự hỗ trợ của Chương trình THQG Việt Nam, nhiều tập đoàn, DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và DN. Minh chứng cho thấy, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Năm 2020, nhóm sản phẩm chủ lực của Công ty CP Sữa TH tiếp tục được trao tặng danh hiệu THQG của Việt Nam. Trên nền tảng các sản phẩm đã được công nhận THQG, TH đã và đang tiến những bước đi vững chắc tại thị trường trong nước.

Ngoài các sản phẩm từ sữa, DN đã liên tục phát triển những sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Thực tế, không chỉ Công ty CP Sữa TH, nhiều thương hiệu khác sau khi được công nhận THQG đã vươn xa, vượt qua khỏi biên giới, định vị được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Như Viettel - Tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam nằm trong top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến…

Nâng tầm thương hiệu Việt, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp -0
Nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng cao của Việt Nam đã vượt biên giới, đến được các thị trường khó tính.

Bộ Công Thương cho biết, Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn và duy nhất của Chính phủ để xây dựng THQG thông qua thương hiệu hàng hóa và dịch vụ của DN Việt Nam. Khi DN Việt Nam được chọn và trao biểu trưng Vietnam Value (Thương hiệu quốc gia Việt Nam) mới là bước khởi đầu của chương trình. Sau đó, các bộ, ngành và thường trực là Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ DN quảng bá và xây dựng thương hiệu của họ trên thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ cũng như hỗ trợ thương hiệu của DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với trường hợp DN bị vi phạm hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đơn vị này có trách nhiệm bảo vệ những DN. Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam sẽ đứng đằng sau các THQG Việt Nam và đây là giá trị hết sức quan trọng.

Tăng cường quảng bá

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong suốt thời gian qua, Chương trình THQG Việt Nam mà đầu mối là Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trực tại nước ngoài, các hiệp hội cũng như DN Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam. Ngoài ra, những ý kiến đóng góp về tâm lý, sự nhận biết và thị hiếu của người Việt Nam tại nước ngoài cũng hết sức quan trọng. Do vậy, việc quảng bá thương hiệu của DN Việt Nam ở bất kỳ thời điểm nào cũng được coi trọng.

Đặc biệt, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi về địa chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra đứt gẫy chuỗi cung ứng, logistics cũng như nguồn cung hàng hóa. Do đó, Việt Nam cần mở rộng các thị trường để tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường. Mặt khác khi DN Việt Nam đã có thương hiệu sẽ đạt được lợi thế hơn và dễ chấp nhận hơn với các thị trường mới khi Việt Nam tiến hành mở rộng xuất khẩu.

Ngoài ra, "Khi DN đã xây dựng được thương hiệu, nhất là THQG gắn với 3 trụ cột của Chương trình mà đầu tiên phải gắn với chất lượng, năng lực, đổi mới, tiên phong.  Điều này hết sức quan trọng và khi DN đã đạt danh hiệu THQG Việt Nam, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại nước ngoài", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bà Lindsey M.Bier Marshall, Giáo sư Khoa Kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ cho biết, tiếp cận từ góc nhìn quốc tế đã giúp các DN nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa THQG và thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN trong sự phát triển, nâng tầm thương hiệu DN. Do vậy, khi một DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín, thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao và khi quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, qua 26 năm triển khai, Chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức thường niên và người tiêu dùng bình chọn cũng đã trở thành "bệ phóng" cho DN nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu DN.

Trước xu thế toàn cầu hóa, cộng đồng DN bước vào thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều thách thức cạnh tranh, chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao lại khoác thêm sứ mệnh mới. Đáng chú ý là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thông qua cam kết tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; khuyến khích DN đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và quốc tế... Qua đó, sản phẩm đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng được tín nhiệm trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever cho rằng, thương hiệu mạnh quốc gia sẽ tạo ra một cảm nhận tích cực cho người dân và cộng đồng quốc tế về đất nước đó.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030 được xác định là xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao; tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam; góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Giai đoạn này, chương trình xác định tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm; trong đó góp phần tăng giá trị THQG Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư..

Lưu Hiệp
.
.
.