“Đồng tâm hiệp lực” đẩy lùi COVID-19

Thứ Bảy, 31/07/2021, 11:57

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân, ở nhiều địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giải pháp chống dịch này bắt nguồn từ một sáng kiến của Anh quốc đề ra có tên “Circuit breaker lockdown” - phong tỏa kiểu ngắt mạch điện, thời gian thường ngắn khoảng 15 ngày đủ để người nhiễm bệnh hồi phục và chưa kịp lây sang người khác, góp phần giảm ca mắc mới duy trì trong mức kiểm soát được, tận dụng thời điểm vàng để củng cố, phục hồi bổ sung nguồn lực Y tế.

Trong bối cảnh toàn dân “đồng tâm hiệp lực” đẩy lùi dịch bệnh thì đâu đó vẫn tồn tại bất cập trong khu cách ly, cùng nỗi băn khoăn về khái niệm “hàng hóa thiết yếu” dần trở thành mối lo ngại của không ít người dân.

Mở “nút thắt” trong cách ly tập trung

Cách ly, giãn cách xã hội là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, thế nhưng cách truy vết thần tốc, đưa đi cách ly tập trung theo kiểu đã trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhiều người. Đau xót nhất là những hình ảnh trẻ em co ro trong bộ quần áo bảo hiểm rộng xùng xình bị đưa vào trại cách ly do bị “nghi nhiễm”, thiếu sự chăm sóc của gia đình. Thực trạng cho thấy trong khu cách ly đã trở thành ổ lây lan dịch nhiều nhất, có nhiều ca nhiễm nhất bởi theo thông tin chính thức của Bộ Y Tế về số lượng ca nhiễm tăng lên hàng ngày thì có khoảng 80 - 90% số ca là trong khu cách ly tập trung.

“Đồng tâm hiệp lực” đẩy lùi COVID-19 -0
 F0 cách ly tại nhà tuân thủ điều trị đúng kết hợp dinh dưỡng đủ sẽ nhanh phục hồi sức khỏe.

Từ đó, nổi cộm lên hệ lụy mang tên “lây nhiễm chéo” khiến F1 phút chốc trở thành F0, đây chính là “nút thắt” trong công tác cách ly tập trung cần được tháo gỡ. Nguyên nhân có thể là do rác thải sinh hoạt lẫn y tế bừa bãi không được xử lý an toàn gây ô nhiễm không khí, phòng vệ sinh chung dơ bẩn ủ sẵn mầm bệnh. Hơn nữa, không gian chật hẹp, chen chúc nhau, không đủ giường nằm, ít nhiều sẽ chạm mặt trong lúc sinh hoạt sẽ dẫn đến sự bất tiện, ức chế và khiến tâm lý người bị cách ly trở nên tồi tệ hơn.

Trong tình cảnh “căng như dây đàn”, để đạt được mục tiêu kép là: rà soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, giữ sạch địa bàn và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài vào. Mới đây, Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang đặc biệt nhấn mạnh:“đảm bảo các khu cách ly luôn trong tư thế chủ động, đạt chuẩn an toàn, vệ sinh hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy lây nhiễm chéo”.

Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm đầy tâm huyết, Ban lãnh đạo Tỉnh An Giang hàng giờ, hàng ngày làm việc không ngừng nghỉ “dốc lòng, dốc sức vì dân” để tìm ra cách ứng phó với dịch bệnh nhất là trong tình hình mới phải có những giải pháp mới để triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. “Tỉnh đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, cả trên tuyến biên giới và trong nội địa; huy động nhiều lực lượng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân trong phòng, chống dịch” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang nhận xét. Bên cạnh chống dịch, tỉnh còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Lúng túng trước khái niệm “hàng hóa thiết yếu”.

Đối với người dân lao động cuộc sống mùa dịch vốn đã lao đao, thời gian giãn cách xã hội khiến nhiều hoạt động mưu sinh đều tạm hoãn khiến họ thêm càng thêm khó khăn hơn. Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu” trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn do các địa phương tự quy định. Điều này gây khó khăn không chỉ đến một số doanh nghiệp gặp nhiêu khê trong quá trình vận chuyển hàng hoá mà còn làm đảo lộn cuộc sống người dân.

“Đồng tâm hiệp lực” đẩy lùi COVID-19 -0
Các phương tiện sẽ lưu thông trên “luồng xanh” giảm ùn tắc tại chốt kiểm dịch. 

Từ việc “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu” xôn xao dư luận, rồi đến mặt hàng gas hay xe chở tiền của ngân hàng cũng bị chặn tại chốt vào Hà Nội bởi “không thuộc diện mặt hàng thiết yếu”, mặt hàng bỉm bị chặn vì “không phải hàng thiết yếu” nên không được lưu thông trong mùa dịch đã tạo nên những băn khoăn đối với người tiêu dùng. Nhiều địa phương áp dụng “cứng nhắc” theo văn bản chỉ đạo hoặc “mỗi nơi hiểu một kiểu” dẫn đến việc tắc nghẽn, đứt đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa dẫn đến thiếu hụt trên thị trường đồng nghĩa lạm phát là điều khó tránh khỏi. Từ những bất cập đó, về phía Bộ Công thương sẽ sớm thống nhất ban hành danh mục hàng thiết yếu, cấp thẻ ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” sẽ góp phần tháo nút nghẽn trong bối cảnh hiện tại.

Hy vọng tới đây, với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc kết hợp cùng những phương án chống dịch khoa học, kịp thời cả nước sẽ nhanh chóng đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất cho đến khi mật độ vaccine được bao phủ rộng khắp. Mọi người dân hãy nêu cao khẩu hiệu “5K + vaccine” là vũ khí “chính quy tinh nhuệ” để chống dịch bền vững. Vừa chống giặc dịch, vừa đảm bảo đời sống người dân, chú trọng an sinh, tin rằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân trong tỉnh, cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại với mọi nhà.

Diệu Lam
.
.
.