Doanh nghiệp lại kêu trời vì... văn bản

Thứ Năm, 17/03/2016, 08:54
Chỉ sau 3 tháng có hiệu lực, Nghị định số 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp bởi thời gian có hiệu lực quá gấp và việc thay đổi trị giá tính thuế ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, ngày 16-3, Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn đề này, với kiến nghị lùi thực hiện các văn bản trên thêm 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Nhiều doanh nghiệp kêu ca về hai văn bản mới được ban hành.

Vấn đề thứ nhất được các doanh nghiệp kiến nghị là việc thực hiện Thông tư quá gấp gáp, ban hành vào 24-11-2015, sau đó 1 tháng đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2016), khiến các DN không kịp trở tay.

Thứ hai, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định trị giá tính thuế của hàng hóa là giá của cơ sở sản xuất bán ra, nhưng Nghị định lại quy định là giá cơ sở sản xuất bán ra cho công ty thương mại độc lập đầu tiên và Thông tư còn quy định rõ hơn là công ty thương mại đó không được nằm trong tổ chức công ty mẹ - công ty con. Điều này cùng với việc thuế suất thuế TTĐB đã tăng từ 50% lên 55% khiến các DN phát sinh thêm chi phí thuế rất lớn, bởi riêng việc thay đổi trị giá tính thuế đã khiến thuế đội lên 2 – 3%.

Chính cách hiểu khác nhau về trị giá tính thuế này đã phát sinh sự kiện Sabeco bị Kiểm toán Nhà nước truy thu 408 tỷ đồng thuế TTĐB rùm beng vào năm ngoái, và đến nay vẫn chưa ai chịu ai. Các DN cho rằng việc quy định của Nghị định và Thông tư trên là chưa thống nhất với quy định của luật hiện hành. Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia tài chính như ông Lê Văn Cơ, người có mặt tại hội thảo sáng 16-3. Được biết, tại kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 21-3 tới, nội dung về trị giá tính thuế này mới được đưa vào để Quốc hội xem xét thông qua. Việc văn bản hướng dẫn quy định trước luật là điều các DN thuộc VBA cho rằng “không nên”.

Một điểm khác cũng bị các DN phản ứng là việc quy định: “Giá làm căn cứ tính thuế không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”.

Các DN cho rằng, trước đây, mức trần được quy định là 10% thì các doanh nghiệp phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là đủ để có thể trang trải các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng... Giảm xuống mức hiện nay không thể đủ để DN thương mại hoạt động. Riêng đối với các cơ sở thương mại không thuộc hệ thống, DN sản xuất không thể quản được họ bán ra bao nhiêu để tính thuế, nhất là khi một trong những đặc thù của ngành đồ uống là giá bán ra thị trường sẽ thay đổi theo mùa, công ty phân phối không thể có một giá bán cố định cho các sản phẩm của mình.

Như vậy, nếu quy định mức chênh lệch giá 7% như trong Nghị định 108 sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế… Kiến nghị về việc quy định 7% của DN được nhiều chuyên gia tán đồng, cho rằng không thể thực thi.

Ông Lê Văn Cơ cho rằng riêng chuyện số lượng đại lý rất nhiều, ở nhiều khu vực khác nhau, hoạt động độc lập, có bộ máy riêng và chỉ có quan hệ với DN sản xuất theo hợp đồng kinh tế mà bắt anh sản xuất phải quản lý giá bán ra của anh này là hoàn toàn khó khăn, không thể thực hiện. Ông Cơ cho rằng, nếu Bộ Tài chính muốn quản lý để chuẩn giá thì trách nhiệm này phải thuộc về chi cục thuế các địa phương, chứ không thể đổ cho DN sản xuất.

Tuy có quan điểm cho rằng việc quy định trị giá tính thuế là giá bán ra của cơ sở thương mại là có lý do, bởi các DN sản xuất thường lập ra các DN thương mại 100% vốn của mình, bán với giá thấp hơn so với cơ sở thương mại ngoài hệ thống, nên nếu tính theo giá bán ra sẽ gây thất thoát thuế; nhưng bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho rằng, quy định trần 7% là không hợp lý.

Bà An cho rằng, quy định như vậy làm cho DN quyết toán thuế vẫn thấp thỏm không biết mình có rơi vào tình trạng trốn thuế hay không, bởi phải chờ cơ sở thương mại bán hàng rồi mới biết họ bán chênh 7%, 8% hay 4%, 5%. Dù vậy, bà An cho rằng các DN muốn kiến nghị lùi việc thực hiện văn bản thì phải có cơ sở. “Đã đi vào thực thi được 3 tháng thì phải có kết quả thực tiễn. Các DN phải chứng minh bằng con số mình tăng thuế bao nhiêu, doanh thu ảnh hưởng bao nhiêu, tiêu thụ ảnh hưởng bao nhiêu…”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị đã đồng hành chặt chẽ cùng các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các văn bản này cũng cho rằng, hiệp hội nên tiến một bước cao hơn trong kiến nghị, tức là đã thấy bất hợp lý rồi thì nên sửa ra sao. Việc phải có con số, minh chứng rõ ràng về các ảnh hưởng của văn bản cũng cần được các DN làm rõ để có sức nặng cho việc cơ quan ban hành chính sách cân nhắc điều chỉnh.

Vũ Hân
.
.
.