Chính sách kinh tế vĩ mô làm giảm tác động của dịch COVID-19

Thứ Sáu, 13/05/2022, 07:56

Ngày 12/5, tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả khả quan. Điều đáng mừng là quý I/2022, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Tại diễn đàn, trình bày kết quả phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS Cấn Văn Lực đã cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022-2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng, chống dịch; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraina.

Chính sách kinh tế vĩ mô làm giảm tác động của dịch COVID-19 -0
Toàn cảnh diễn đàn.

Chia sẻ đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào, cho rằng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của COVID-19, đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung. Với bối cảnh hiện nay, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn.

Dự báo về lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.  Có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: Lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm cần phải quyết liệt thực hiện một số giải pháp. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề trọng yếu: Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Cần đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân...

Phan Đức
.
.
.