Bài toán giữ chân người lao động sau Tết

Thứ Sáu, 21/01/2022, 08:13

Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thế nhưng với các doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, túi xách… giữ chân người lao động sau Tết là vấn đề rất cần được quan tâm.

Nhất là trong bối cảnh thị trường lao động vừa trải qua một năm 2021 đầy gam màu tối do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, việc thực hiện tốt chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi trong dịp Tết lần này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân, thu hút lao động đối với doanh nghiệp sau Tết.

Chưa tối đã lo sáng

Cả năm 2021, dù không phải dừng sản xuất ngày nào (kể cả thời điểm giãn cách xã hội) nhưng Công ty TNHH XNK Linh Hân (chuyên hàng may xuất khẩu) nhiều thời điểm cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Chia sẻ về những khó khăn, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc công ty cho hay, nhiều thời điểm công ty phải cố để duy trì việc làm cho hơn 2000 lao động. Đơn hàng ít, trong khi đó, hàng sản xuất xong cũng chưa thể xuất được do chính sách kiểm soát dịch của nhiều nước, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản nên có thời điểm khó khăn về tài chính, doanh nghiệp phải đi vay tiền để trả lương cho người lao động.

“Từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8 là khoảng thời gian rất khó khăn. Trong khi đó doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí khác để phòng chống dịch, xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ cho công nhân để giữ ổn định các phân xưởng. Thế nhưng vẫn có một số người lao động vì tâm lý e ngại dịch bệnh mà đã nghỉ việc khiến khi ổn định sản xuất cuối năm, công ty lúc nào cũng phải lo thiếu người. Nếu không có biện pháp tốt để giữ chân người lao động thì sợ ra Tết, lượng lao động hao hụt sẽ còn tăng lên, mà tuyển mới cũng không dễ”, ông Hùng chia sẻ. 

8-tinanhvieclam-16121067058101948879163.jpg -0
Doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp để giữ chân và thu hút người lao động sau Tết.

Theo ông Hùng, chính vì lo thiếu hụt lao động sau Tết nên ban giám đốc công ty đã quyết định giữ nguyên mức thưởng Tết Nguyên đán 1,5 tháng lương như năm trước. Đây là giải pháp cần thiết, mặc dù năm nay công ty gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ quyết định trước ngày nghỉ mỗi người lao động sẽ có thêm một phần quà là hiện vật để động viên. Sau Tết, công ty cũng sẽ chuẩn bị nguồn để lì xì năm mới cho từng người lao động. Mỗi công nhân khó khăn sẽ có thêm những phần quà hỗ trợ theo đề xuất của công đoàn công ty. Theo ông Hùng, chính sách lương, thưởng Tết và phúc lợi tốt sẽ góp phần giữ người lao động gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.

Là ngành thâm dụng lượng lớn lao động, thường xuyên phải đối mặt với biến động lao động sau Tết, các doanh nghiệp dệt may sẽ đối mặt với nỗi lo bài toán thiếu lao động sau Tết nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, nói rằng trong giai đoạn này cam kết đảm bảo việc làm, thu nhập là cách níu công nhân ở lại hiệu quả nhất. Những ngày đầu năm 2022, các nhà máy đã ký được đơn hàng lấp đầy đến hết quý III/2022. Thông tin này được công bố rộng rãi đến toàn bộ người lao động để họ an tâm, không lo thất nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may phải duy trì lương thưởng, không cắt giảm các khoản phúc lợi sẽ giúp công nhân tin tưởng vào tài chính vững chắc của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần có nhiều giải pháp

Theo khảo sát mới nhất về tình hình lao động việc làm của chuyên trang Việc làm tốt (vieclamtot.com.vn) thì có đến 22% người lao động sẽ nghỉ việc sau Tết nếu các chế độ thưởng Tết bị cắt giảm. Trong số những người được khảo sát thì nhóm có thâm niên thấp sẽ nghỉ nhiều nhất.

Con số này sẽ giảm một nửa trong trường hợp doanh nghiệp có trả thưởng dù không như kỳ vọng. Khoảng 37% người lao động nói rằng sẽ tiếp tục gắn bó nếu công ty xem xét tăng lương vào năm 2022. Khảo sát của đơn vị này cũng cho biết, nhóm lao động phổ thông, công nhân làm việc trong các nhà máy đặt nhiều kỳ vọng vào lương tháng 13. Để giữ chân nhân sự, doanh nghiệp cần dành một khoản thưởng nhất định cho người lao động. Đặc biệt nếu có kế hoạch tăng lương, doanh nghiệp cần thông báo sớm để tạo động lực cho họ quay lại sau kỳ nghỉ dài.

“Người lao động mong muốn sau Tết dịch bệnh được kiểm soát tốt ở nhà máy, tình hình kinh doanh của công ty phải tốt hơn, tăng lương, thêm một khoản thưởng bù đắp, có những khoản hỗ trợ khác ngoài lương như chỗ ở, bữa ăn ca chất lượng. Do đó, các công ty cần cân đối và sớm đưa ra gói phúc lợi để làm bền chặt hơn sự liên kết giữa lao động và nhà máy”, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt cho hay.

ld.jpg -0
Doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp để giữ chân và thu hút người lao động sau Tết.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện nay nỗi lo thiếu hụt lao động sau Tết đã đỡ hơn so với những năm trước kia bởi người lao động ít có tâm lý nhảy việc hơn. Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng sẽ khác và có tác động không nhỏ đến thị trường lao động sau Tết.

Ông Thành phân tích, hiện nay quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương mỗi khác, công nhân về quê ăn Tết xong có thể có người sẽ quay trở lại làm việc được đúng lịch, cũng sẽ có người không quay lại được đúng lịch. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn cần phải giải quyết nữa đó là tâm lý e ngại dịch bệnh của người lao động. Nếu nơi làm việc mà không kiểm soát tốt dịch bệnh thì cũng sẽ có tác động đến quyết định trở lại làm việc của một số lao động.

“Giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ chân là thu hút người lao động sau Tết là thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi. Đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc như chi phí đi lại, xét nghiệm COVID-19… Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động qua các sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động ở các tỉnh thành”, ông Thành cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.