Vì sao lao động thất nghiệp không muốn học nghề miễn phí?

Thứ Năm, 17/06/2021, 08:12
Đại dịch COVID-19 hoành hành, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm. Vậy nhưng hầu hết người lao động khi làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm, mà bỏ qua việc học nghề miễn phí để nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp...


Trước đây, mức hỗ trợ học nghề thấp là lý do để lý giải tình trạng trên, nhưng hiện nay khi mức hỗ trợ đã được tăng lên tình trạng này vẫn không có nhiều thay đổi.

Ngành nghề chưa phù hợp

Đầu cuối năm 2020, anh Trần Việt Anh (SN 1995, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) phục vụ khách sạn bị mất việc làm do hoạt động kinh doanh của khách sạn sụt giảm nghiêm trọng. Anh Việt Anh đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được cán bộ trung tâm tư vấn rằng một số nghề được hỗ trợ học miễn phí, nhưng anh Việt Anh cảm thấy không có nghề nào phù hợp với mình, nên vẫn quyết định chọn phương án hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp mà không học nghề.

“Danh mục nghề ít, chủ yếu là cắt may, đầu bếp… không có nghề nào phù hợp, thời gian đào tạo lại ngắn, nên tôi không lựa chọn học nghề miễn phí. Sau một thời gian tìm kiếm việc làm mới không tìm được chỗ làm phù hợp, tôi đã quyết định đến một trung tâm để học nghề cắt tóc. Vừa học vừa được thực hành luôn, sau này có thể làm thuê hoặc ra làm riêng vẫn được”, anh Việt Anh cho biết.

Đào tạo nghề cho lao động mất việc cần phù hợp với nhu cầu thực tế.

Với bề dày kinh nghiệm khi có nhiều năm làm việc ở một công ty sợi, nhưng vì lớp dạy nghề cho lao động thất nghiệp không phù hợp mà chị Nguyễn Thị Oanh (Hà Đông, Hà Nội) đã không thể theo học nghề. Chị Oanh cho biết, chị có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà chị phải chấp nhận nghỉ việc. Ban đầu đi làm hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, được cán bộ trung tâm tư vấn chị cũng có ý định học nghề miễn phí. Thế nhưng sau khi tìm hiểu chị đành chốt phương án nhận tiền trợ cấp và cố gắng tìm công việc mới.

“Ở công ty trước đây, tay nghề của tôi đạt bậc 4. Sau khi nghỉ việc, tôi cũng có nguyện vọng học tiếp để nâng cao tay nghề. Song, lớp dạy nghề cho lao động thất nghiệp chỉ đào tạo trình độ sơ cấp, nên tôi không thể tham gia để nâng cao trình độ”, chị Oanh chia sẻ.

Lý giải việc người mất việc ít quan tâm học nghề miễn phí, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, công tác đào tạo chưa hấp dẫn người lao động. Một số cơ sở đang dạy những nghề không phù hợp nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, với những người tay nghề cao, khi mất việc họ muốn học lớp trình độ tương đương trung cấp, cao đẳng thì các khóa đào tạo miễn phí không đáp ứng được.

Cần thay đổi phương pháp đào tạo

Để thu hút người học nghề, chính sách hỗ trợ học nghề từ ngày 15-5 đã có nhiều thay đổi. Lao động mất việc sẽ được tăng chi phí hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Với người học dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng mỗi khóa. 

Với người học 3-6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng một tháng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, việc chia hai gói học nghề như trên sẽ đáp ứng nhu cầu của người mất việc. Bởi đa số lao động phổ thông muốn quay trở lại thị trường trong thời gian ngắn.

Với gói học dưới 6 tháng sẽ đáp ứng được mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp cho người muốn đào tạo chuyên sâu. Thế nhưng thực tế, những thay đổi này vẫn không thu hút được người thất nghiệp mặn mà với học nghề. Bởi theo các chuyên gia về lao động, nguyên nhân chính dẫn tới thất nghiệp của người lao động hiện nay là do nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu cao hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia lao động việc làm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, người lao động không nên vì lợi ích trước mắt mà quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá, nếu không thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo, mở rộng danh mục nghề thì khó thu hút được lao động tham gia. Bà Hương cho rằng, mức hỗ trợ đã tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng nhưng thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên.

“Không chỉ vậy, tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề,... nên chưa hấp dẫn người lao động tham gia học nghề. Người lao động không học nghề thì khó thoát thất nghiệp, nhưng các chương trình đào tạo nghề cần thiết thực hơn, gắn với nhu cầu xã hội và đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề ở mức cao thì mới thu hút được người thất nghiệp tham gia học nghề”, TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân cũng cho rằng, hiện các nghề được đào tạo chỉ dừng ở mức sơ cấp. Trong khi chỉ cần một năm làm việc ở doanh nghiệp, kỹ năng nghề của công nhân được đánh giá cao hơn so với dạy nghề sơ cấp. Điều này khiến đào tạo nghề gần như không có tác dụng giúp lao động nâng cao trình độ.

“Các chương trình đào tạo nghề này cần liên kết trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp. Theo đó, thay vì học ở các trung tâm dạy nghề được chỉ định, người lao động sẽ đào tạo ở những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trên hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại. Sau khi hoàn thành khóa học, doanh nghiệp sẽ nhận những học viên đạt yêu cầu. Như thế những gì người lao động được học, đào tạo mới phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động”, ông Hùng cho biết.
Phan Hoạt
.
.
.