Thu xếp đủ vốn đầu tư các dự án điện trọng điểm

Thứ Hai, 15/02/2016, 09:37
Với tình trạng cung luôn phải đuổi theo cầu, việc đảm bảo vốn đầu tư điện luôn là một bài toán khó đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các Tập đoàn khác được giao đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh giá điện chưa đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoài nhà nước. Tuy nhiên, mới đây EVN cho biết đã cân đối đủ vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện của 2016.


Trong giai đoạn 2016 – 2020, mức tăng trưởng điện bình quân dự kiến sẽ đạt 10,5-11%/năm (tương ứng điện thương phẩm năm 2020 dự kiến đạt khoảng 234-240 tỷ kWh). Để đảm bảo nhu cầu đó, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 sẽ vào khoảng 262-270 tỷ kWh, trong đó các nhà máy điện thuộc EVN chiếm khoảng 35-40%. Theo tính toán, nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2020 của EVN là trên 600.000 tỷ đồng. 

Theo EVN, đến cuối năm 2015, tổng công suất nguồn điện toàn quốc là 38.800 MW, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 30 thế giới. Với trách nhiệm gánh vác chính việc đảm bảo các nguồn điện cho đất nước, hiện nguồn điện do EVN và các Tổng Công ty phát điện sở hữu vẫn chiếm 60,8% công suất toàn hệ thống. Tổng giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN giai đoạn 2011-2015 đạt trên 492.000 tỷ đồng (gấp 2,42 lần so với giai đoạn trước). Tổng công suất nguồn điện đã đưa vào phát điện là 9.852MW bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Cũng theo tập đoàn này, 5 năm qua đã thu xếp và giải ngân trên 320.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài. Ngay trong các năm khó khăn nhất về vốn 2011-2012, các dự án nguồn điện và lưới điện vẫn được đáp ứng đủ vốn thanh toán. Quan hệ với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế được duy trì tốt nên trong giai đoạn 2011-2015 đã ký kết vay vốn ODA đạt 4,8 tỷ USD.

Việc EVN kinh doanh có lãi mấy năm gần đây đã giảm bớt áp lực thu xếp vốn đầu tư điện.

Bước vào năm 2016, tổng công suất các nguồn điện dự kiến vào vận hành mới là 3.500MW. Tuy nhiên, miền Nam vẫn ở trong tình trạng thiếu điện và phải nhận gần 25% nhu cầu điện từ miền Bắc và miền Trung chuyển vào (dự kiến cả năm khoảng xấp xỉ 20 tỷ kWh). 

Do đó, vấn đề đảm bảo khí, than cho các nhà máy điện phía Nam hoạt động ổn định (nhất là Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1) và vận hành an toàn hệ thống truyền tải Bắc-Nam có tầm quan trọng đặc biệt đảm bảo điện cho miền Nam. 

Theo EVN, hiện Tập đoàn này đang tập trung thi công để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành các dự án nguồn điện cấp bách để cấp điện miền Nam đến năm 2020 như: nhiệt điện Duyên Hải 3, nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, nhiệt điện Vĩnh Tân 4, nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng. 

Đến cuối năm 2015 toàn bộ các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm đã được thu xếp đủ vốn để thực hiện trong các năm tới. Tổng giá trị các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết trong năm 2015 đạt 785 triệu USD, ngoài ra đang đàm phán và đã có cam kết khoảng 2 tỷ USD để chuẩn bị cho đầu tư xây dựng các năm sắp tới. 

Với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm tới là 6,5-7%/năm (năm 2016 đạt 6,7%), EVN dự báo nhu cầu điện năng có khả năng tăng trưởng nóng. 

Tuy nhiên, do sản lượng điện sản xuất của EVN hiện chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng nhu cầu điện và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn tới. 

Vì vậy, để đảm bảo cung ứng điện, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới cũng như khả năng sản xuất của các nhà máy điện ngoài EVN.

Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2016

Trong kế hoạch cho 2016, EVN cho biết sẽ hoàn thành duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) và Hồ sơ chọn địa điểm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và trình FS, Hồ sơ chọn địa điểm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Về các dự án nguồn điện thuộc EVN, dự kiến đưa vào phát điện 9 tổ máy công suất 2.534 MW, gồm: tổ máy 2, 3 – Thuỷ điện Lai Châu; tổ máy 2 – thuỷ điện Huội Quảng; tổ máy 1, 2 -  Thuỷ điện Trung Sơn; Thuỷ điện Sông Bung 2; Nhiệt điện Duyên Hải 3. - Khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng có nhiệm vụ đảm bảo tiến độ các dự án sẽ phát điện năm 2017 (gồm: Nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, Thuỷ điện Thác Mơ mở rộng) và các dự án cấp bách tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải. Tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư các dự án, gồm: Thuỷ điện tích năng Bắc Ái; Nhiệt điện Ô Môn 3,4; Thuỷ điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng. Về lưới điện, sẽ hoàn thành 351 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây 4.800km, tổng dung lượng trạm biến áp 21.890MVA và khởi công 338 công trình lưới điện 110-500kV.

Nam Phương
.
.
.