Tháo gỡ khó khăn cho mực xà khô xuất khẩu

Thứ Sáu, 13/05/2016, 10:11
Một ngày trung tuần tháng 5, dưới cái nắng chói chang, tại cảng cá An Hòa, xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) nhiều người phụ nữ vẫn đang cặm cụi với công việc phơi mực xà phục vụ xuất khẩu tại cơ sở của bà Phan Thị Tuyết. Bà Tuyết chia sẻ dù giá mực xà xuất khẩu đang xuống gần mức chạm đáy, song bà vẫn phải tiếp tục phơi khô số mực đã mua để ổn định công ăn việc làm cho lao động của cơ sở mình.

Theo bà Tuyết, mực xà chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, kế đó là Thái Lan qua đường tiểu ngạch. Mua bán mực xà xuất khẩu hơn 10 năm, vận chuyển hàng ngàn tấn mực ra Bắc để xuất sang Trung Quốc không gặp trở ngại nào. Song do tình trạng cá chết hàng loạt mới đây đã khiến các cơ quan chức năng siết chặt lại công tác vận chuyển thủy, hải sản nên vào ngày 5-5 vừa qua, khi chiếc xe chở hơn 21 tấn mực xà xuất khẩu của bà Tuyết đang trên đường vận chuyển ra cửa khẩu phía Bắc để xuất sang Trung Quốc, khi đến địa bàn một tỉnh khu vực Bắc miền Trung đã bị cơ quan chức năng “ách” lại do không có giấy kiểm nghiệm chất lượng; sau đó số mực xà xuất khẩu này đã bị giữ lại để cơ quan chức năng lấy mẫu đưa đi xét nghiệm…

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các thương lái xuất khẩu mặt hàng mực xà khô, ngày 12-5, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, đã đi khảo sát tại cảng cá An Hòa. Ông Tấn cho biết, tại tỉnh Quảng Nam có hơn 100 tàu câu mực công suất lớn với hàng ngàn ngư dân khai thác mực xà phục vụ xuất khẩu tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi chuyến ngư dân ra khơi câu mực loại này kéo dài từ 2-4 tháng, khi sản lượng đạt hơn 30 tấn thì mới trở về. 

“Nhiều năm nay, ngư dân Quảng Nam đánh bắt mực xà xuất khẩu cho Trung Quốc theo kiểu có cầu thì có cung, còn phía Trung Quốc mua loại mực này với mục đích gì thì mình không biết được. Cả nước, theo tôi biết được, chỉ có Quảng Nam và Quảng Ngãi là 2 địa phương có ngư dân đánh bắt loại mực xà này phục vụ xuất khẩu thôi. Do đó, nếu chúng tôi không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở xuất khẩu mực xà khô thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động và đời sống của ngư dân”, ông Tấn nói. 

Về việc xe chở mực xà xuất khẩu của bà Tuyết bị bắt, ông Tấn cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã liên lạc với Bộ Công Thương đề nghị yêu cầu Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế lấy mẫu mực đưa đi kiểm nghiệm; nếu xác định mực xuất khẩu này không có hóa chất độc hại gì thì phải “giải phóng” số hàng đã tạm giữ để doanh nghiệp xuất khẩu theo kế hoạch. 

Qua vụ việc này, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn đầy đủ cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua xuất khẩu mực xà tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi vận chuyển đi xuất khẩu; đồng thời có xác nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đảm bảo các loại giấy tờ cần thiết để việc xuất khẩu được thuận lợi.

Ngọc Thi
.
.
.