Lãi suất điều hành giảm, doanh nghiệp có vay được vốn giá rẻ?

Thứ Năm, 14/05/2020, 08:47
Trong hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp (DN) nói chung, câu chuyện thiếu vốn, lãi suất cao chưa bao giờ hết tính thời sự. Bởi vậy, từ ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần 2 trong vòng 2 tháng đã khơi lên nhiều kỳ vọng về dòng vốn giá rẻ đến với DN.

Hạ lãi suất một cách bền vững

Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 tháng, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành với nỗ lực giúp DN tiếp cận lãi suất rẻ hơn. 

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, “Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN cùng với việc quyết liệt chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay một cách bền vững, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế”.

Trần lãi suất tiền gửi thấp, lãi suất huy động khó giảm thêm.

Đánh giá về động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, “Việc giảm lãi suất điều hành sẽ phát tín hiệu cho thị trường về xu hướng của lãi suất, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ từng bước giảm lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra. Bên cạnh đó, thông qua giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…), NHNN sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này từ NHNN là không nhiều”. 

Đánh giá mức giảm lãi suất điều hành 0,5% của NHNN là phù hợp, chuyên gia kinh tế- TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mức giảm này vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ DN, cho thấy Chính phủ, NHNN vẫn muốn để dành dư địa cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết trong thời gian tới.

Lãi suất tiền gửi đồng loạt giảm

Sau quyết định của NHNN, ngày 13/5, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm ngay lãi suất tiền gửi. Cụ thể, tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, lãi suất không kỳ hạn đều ở mức 0,1%/năm, thấp hơn so với mức trần quy định và cũng thấp nhất trong hệ thống. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank cũng thấp hơn so với trần quy định, hiện là 4,1-4,25%/năm. 

Tại VietinBank và BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng là 4%/năm, lãi suất kỳ hạn 3-dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Trong khi đó, tại 

VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 3-5 tháng với số tiền dưới 300 triệu sẽ được hưởng lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5%/năm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng ở VPBank là 4,2%/năm, khi gửi tiền từ 3 tỷ trở lên. Lãi suất từ 6 tháng trở lên tại VPBank gần như không có sự thay đổi. 

Tương tự, tại ACB, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đã giảm xuống còn 4,1-4,25%/năm (tùy thuộc vào số tiền gửi); lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,25%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 6,3-6,6%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm so với trước đó. Hay tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng là 4,15-4,25%/năm, giảm 0,35-0,5 điểm phần trăm so với trước ngày 13/5. 

Còn tại OCB, không chỉ lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng giảm xuống tối đa 4,25%/năm mà một số kỳ hạn khác cũng thay đổi. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên giảm từ 7,5-7,6%/năm xuống còn 7,3-7,4%/năm;…

Mặc dù các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi, song giới chuyên gia cho rằng, trần lãi suất huy động hiện nay đã ở mức khá thấp và khó giảm thêm, vì việc giảm sâu lãi suất huy động có thể khiến dòng tiền chảy vào ngân hàng - vốn đang chậm lại - có nguy cơ hao hụt thêm. 

Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi của NHNN là cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi các DN, đặc biệt là DNNVV gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Do đó, hành động này sẽ có tác động tích cực, giúp DN nhanh chóng phục hồi khi được giảm lãi suất cho vay, giãn nợ... 

Đồng quan điểm, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các ngân hàng có thêm dòng tiền từ cơ quan điều hành, giúp ngân hàng thương mại mạnh tay hạ lãi suất và cho vay hơn. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, mức độ tác động thực sự tới nền kinh tế dù tích cực nhưng vẫn chưa thể nhiều như kỳ vọng. Bởi thực chất các mức lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay hiện đã ở mức thấp rồi, trong khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa đủ lớn. Do đó, để đánh giá tác động của động thái hạ lãi suất điều hành lần này, cần phải chờ thêm một thời gian nữa để xem độ “ngấm” của dòng vốn.

Hà An
.
.
.