Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động tháo gỡ khó khăn

Thứ Ba, 12/05/2020, 08:07
“Lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn như thế này, chúng ta càng phải tự chủ và càng phải hỗ trợ, đặc biệt xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bao tiêu thu mua lúa, sản xuất theo kế hoạch mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ đang khuyến khích.”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đề xuất.


Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ cho biết: Sau một tháng giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều gặp khó khăn. Vì trong thời gian dừng xuất khẩu gạo, các đối tác đã tranh thủ mua gạo từ các nước khác để dự trữ. Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường, hàng hóa của các doanh nghiệp kẹt lại ở các cảng đều đã được thông quan.

“Ví dụ như Malaysia, Philippines và một số nước khác họ đã tranh thủ mua gạo trong thời gian chúng ta tạm dừng xuất khẩu gạo. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong thời gian này gặp nhiều khó khăn, kể cả hợp đồng đã ký nhưng tiến độ cũng bị giãn ra và chậm lại vì đầu ra bị ảnh hưởng”, ông Phạm Thái Bình nói. 

Cần thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng đối với gạo xuất khẩu. Ảnh: CTV

Các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng chung nên sau thời gian giãn cách xã hội đã cố gắng liên lạc với đối tác, tìm khách hàng để có đầu ra cho xuất khẩu. 

Theo ông Phạm Thái Bình, muốn xuất khẩu thì phải theo chuỗi cung ứng, khách hàng, thị trường truyền thống. Đầu năm 2020, gạo có đầu ra xuất khẩu gạo tương đối tốt nhưng vì có sự chủ quan trong nước đã làm đứt gãy nguồn cung xuất khẩu. Vì vậy khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trở lại đã mất cơ hội, kể cả những cái đã cố gắng từ các chuỗi cung ứng đã xây dựng từ trước. Trong thời gian ngắn, việc xuất khẩu sẽ khó phục hồi như trước.

Theo ông, trong các ngành hàng, quan trọng nhất là phải phục hồi lại chuỗi liên kết kể cả trong sản xuất trong nước. Doanh nghiệp muốn xây dựng đầu ra thì phải có đầu vào cho tốt, chất lượng hàng hóa nhất, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Ngành gạo, nhu cầu của thế giới về ngắn hạn thì có thể ảnh hưởng nhưng về lâu dài thì gạo vẫn có nhu cầu. 

“Lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn như thế này, chúng ta càng phải tự chủ và càng phải hỗ trợ, đặc biệt xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bao tiêu thu mua lúa, sản xuất theo kế hoạch mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ đang khuyến khích. Chúng ta nên tăng cường cho doanh nghiệp có vốn để làm các chuỗi này, đây cũng là giải pháp bền vững nhất để khắc phục tình trạng này và phát triển cho thời gian sau”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng đề xuất.

Ông Lê Hữu Có, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Thuận An Giang (công ty sản xuất bột cá, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho rằng, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Năng suất sản xuất giảm 50%. Đây là dấu hiệu của ngành chăn nuôi đang bị tác động mạnh từ dịch COVID-19. Thời gian tới, để doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại, Chính phủ cần có nhiều hơn nữa các cơ chế hỗ trợ, từ vốn vay cho đến các chính sách bình ổn sản xuất.

Còn ông Trịnh Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú (doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, đóng tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) cho rằng, trước khi đợi Chính phủ hỗ trợ mỗi doanh nghiệp phải tự tìm cho mình một hướng đi riêng và từng bước tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Theo ông Phú chia sẻ, giữa lúc thị trường lúa gạo Việt Nam đang bị bão hòa, bởi ai cũng có thể kinh doanh, xuất khẩu gạo, thì công ty quyết định đi theo hướng kinh doanh gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng không chỉ để xuất khẩu mà còn tiêu thụ nội địa.

“Công ty đã đầu tư 142,9 tỷ đồng để xây dựng kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa gạo với quy mô 56.480m2, sản xuất 62.720 tấn/năm; trong đó, công ty tiến hành liên kết với bà con nông dân để sản xuất các giống lúa hữu cơ, có hàm lượng dinh dưỡng cao theo một quy trình riêng, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… Chính vì thế, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường” – ông Phú chia sẻ.

Ông Phan Hoàng Duy, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất nhưng giảm năng xuất vì đầu ra gặp khó khăn. Các thị trường châu Mỹ, châu Âu… vẫn chưa hồi phục vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

“Cái khó của doanh nghiệp là bị hạn chế đầu ra, buộc phải giảm công suất hoạt động, gánh nhiều chi phí. Trước mắt, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng và Chính phủ hỗ trợ về tài chính, vốn vay để hồi phục các hoạt động sản xuất, xuất khẩu”, ông Phan Hoàng Duy nói. 

Một khó khăn, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn liên quan đến việc kiểm soát mã số mã vạch. Doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu thì phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để có được giấy xác nhận này, doanh nghiệp phải mất nhiều ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá. 

“Việc này, rất tốn thời gian. Hàng hóa xuất khẩu đi nhiều quốc gia, nhiều mã hàng hóa nên việc này gây phiền toái, tốn kém cho doanh nghiệp. Đây cũng là một rào cản thủ tục hành chính”, ông Phan Hoàng Duy nói. Mã số mã vạch nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước in trên bao bì sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhập khẩu, không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm, thông tin về chất lượng sản phẩm mà là thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu sở hữu sản phẩm, mã sản phẩm cụ thể.

Như Anh – Trần Lĩnh
.
.
.