Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:23
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Song thực tế, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của các DN vẫn còn nhiều vướng mắc cần nhanh chóng được tháo gỡ.

Đại diện Công ty May Gia Huy (Bình Chánh) cho biết, Công văn 860/BHXH-BT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm mục đích là hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID -19. Nhưng thực tế, điều kiện quy định trong công văn này quá khó để DN được hưởng hỗ trợ này. 

Cụ thể, quy định DN được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, nếu có từ 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội nghỉ việc hoặc thiệt hại trên 50% tổng số giá trị tài sản (không kể giá trị tài sản là đất) do dịch bệnh. 

Trong khi đó, Gia Huy chủ yếu may gia công lại cho các DN lớn để làm hàng xuất khẩu. Khi dịch bùng phát, công ty cũng rơi vào tình cảnh đơn hàng giảm sút, 40% công nhân thất nghiệp. Nhưng, tính đến phương án hồi phục khi dịch bệnh đi qua, nên công ty đã xoay xở tìm kiếm các đơn hàng cho công nhân may bỏ các chợ, cửa hàng... mục đích để giữ chân người lao động. 

Các doanh nghiệp chèo chống bằng cách tìm việc làm để giữ chân lao động trong giai đoạn dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Như vậy, nếu áp dụng với những điều kiện trong nội dung của Công văn 860/BHXH-BT thì công ty không được hưởng hỗ trợ, mặc dù công ty cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.

Nhiều DN cho rằng, trong giai đoạn khó khăn bởi dịch COVID-19, các DN cũng đã chèo chống bằng cách tìm việc làm để giữ chân lao động, thì Công văn 860/BHXH-BT vô tình đẩy người lao động vào chỗ mất việc, không khuyến khích được các DN cố gắng vực dậy sau dịch. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho rằng: Hầu hết các DN trong Hội đã phản hồi là không thực hiện được nội dung Công văn 860/BHXH-BT. Bởi, chỉ cần cắt giảm 20% lao động thì DN có nguy cơ gần như đã "chết lâm sàng".

Ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vietfarm (đường Vòng Lâm Viên, TP Đà Lạt) cho biết, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể, kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đặc thù, Công ty TNHH Vietfarm gần như không thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Theo ông Nguyễn Đông Hải, để tiếp cận được những ưu đãi, hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì điều kiện là người lao động của doanh nghiệp đó phải bị mất việc, quy định này chỉ phù hợp với doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghiệp. 

Ông Hải phân tích, với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, khi xảy ra dịch bệnh, không có đơn hàng, họ có thể cho người lao động nghỉ việc ngay, khi nào có đơn hàng sẽ cho công nhân làm việc trở lại và chỉ mất thời gian rất ngắn là có được sản phẩm đưa ra thị trường. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp như Công ty TNHH Vietfarm, trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, nông sản làm ra không bán được, một lượng lớn phải đổ bỏ, không có doanh thu nhưng không thể cho người lao động nghỉ việc mà vẫn phải duy trì sản xuất để khi hết dịch, thị trường bình ổn trở lại là có sản phẩm đưa ra tiêu thụ ngay.

Theo ông Hải, từ khi nhập giống về cho tới khi được thu hoạch ít nhất phải mất từ 4-6 tháng. Nếu không duy trì sản xuất ngay cả trong thời gian xảy ra dịch bệnh dù phải đổ bỏ sản phẩm thì khi hết dịch, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sẽ không có sản phẩm để bán. 

“Do người lao động tại công ty không bị mất việc trong thời gian xảy ra dịch bệnh nên dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được hỗ trợ của Nhà nước về chính sách vay vốn trả lương cho công nhân, người lao động không được hỗ trợ tiền, không được miễn giảm tiền bảo hiểm...”, ông Nguyễn Đông Hải cho biết.

Ông Hải kiến nghị: “Phần lớn các doanh nghiệp của Đà Lạt - Lâm Đồng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đặc thù nên Chính phủ cần có những chính sách phù hợp với đối tượng doanh nghiệp này để doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần hạ lãi suất và tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để tái đầu tư sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay!..”.

Trong khi đó, ông Phan Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thử Thách Việt, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại TP Đà Lạt cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về tài chính. Để doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh COVID-19, ông Chung kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cho doanh nghiệp lữ hành được vay thêm vốn dựa trên ngân sách ký quỹ cũng như tài sản công ty. Nhà nước cần hỗ trợ tối đa chi phí xúc tiến quảng bá du lịch trên từng thị trường để công ty sớm khôi phục sau khi hết dịch. 

Bệnh cạnh đó, ông Phan Văn Chung cũng kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ giảm thuế VAT 3 tháng sau khi doanh nghiệp phục hồi lại tình hình kinh doanh, đồng thời hỗ trợ các gói đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự, để tạo đà cho hoạt động kinh doanh sau khi hết dịch bệnh COVID-19...

Đánh giá “sức khỏe” của DN trong những tháng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, có đến 61% DN cho biết gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố, 28% DN cho rằng quy trình, thủ tục phức tạp, 14% DN đánh giá cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình, 9% DN không giữ được người lao động để hoạt động. Việc DN chứng minh thiệt hại do COVID-19 chính là “rào cản” khiến quá trình triển khai các gói hỗ trợ kéo dài. Ngay cả khi DN đáp ứng điều kiện của các ngân hàng thì số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của DN...

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng trên thực tế phần lớn DN chưa hấp thụ được nhiều những chính sách hỗ trợ. Vì vậy, các DN rất cần được các cơ quan chức năng tháo gỡ những “rào cản” để DN có động lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thúy Hà - Khắc Lịch
.
.
.