Doanh nghiệp công bố thông tin gian dối: Xử lý bằng cách nào?

Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:55
Có một thực tế hiện nay là nhiều thông tin DN công bố đang “có vấn đề”, điều này không những gây sai lệch trong quyết định cho nhà đầu tư, mà còn làm méo mó thị trường, giảm tính minh bạch của nền kinh tế.

Đã qua rồi thời kỳ nhà đầu tư mua “cổ”, “chứng” theo bầy đàn; bây giờ, nhà đầu tư “xuống tiền” dựa vào thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), trong đó, những thông tin mà DN công bố trở thành cẩm nang đầu tư. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là nhiều thông tin DN công bố đang “có vấn đề”, điều này không những gây sai lệch trong quyết định cho nhà đầu tư, mà còn làm méo mó thị trường, giảm tính minh bạch của nền kinh tế.

Làm đẹp thông tin để trục lợi

Tại buổi tọa đàm về chất lượng công bố thông tin của các DN trên TTCK, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, thời gian qua, chất lượng và tính tuân thủ về công bố thông tin (CBTT) của các DN đã tiến bộ rất nhiều so với thời gian trước.

Cơ quan chức năng và nhà đầu tư phải cùng giám sát thông tin DN.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBCKNN thừa nhận, mặc dù khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ, chặt chẽ, nhưng quá trình thực thi thì vẫn còn nhiều vấn đề. Cụ thể, theo đánh giá độc lập bên ngoài (ví dụ như Vietstock), số DN đáp ứng theo tiêu chuẩn ở năm 2018 tăng gấp đôi so với 2017.

Ở mặt chưa tốt, Số DN vi phạm CBTT vẫn còn nhiều. Năm 2018, UBCK ban hành gần 400 quyết định xử phạt, hơn 50% là vi phạm CBTT. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề. So sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của chúng ta ở mức thấp nhất.

Song, có một thực tế là hiện nay, khi một số DN công bố thông tin, “người trong nghề” nhìn qua là thấy “có vấn đề”, nhưng quy trình pháp luật rà soát lại thì không bắt bẻ được. Bình luận về thực trạng này, với tư cách là người quan sát thị trường, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Quản trị công chứng Úc (CMA Australia) chia ra thành CBTT về tài chính và thông tin phi tài chính. Về CBTT tài chính, hiện nay trên thị trường có khá nhiều bất cập, từ việc công bố, chất lượng thông tin đến chính bản thân hệ thống về chuẩn mực kế toán.

Xét về chuẩn mực kế toán, Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia đang đi đường riêng, không theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, DN niêm yết gặp hạn chế trong việc CBTT tài chính. Chất lượng báo tài chính theo đó có thể bị ảnh hưởng. Ông Long dẫn một con số thống kê không chính thức, thị trường chứng khoán Mỹ hằng năm có trung bình 300 trường hợp bị UBCK yêu cầu phải trình bày lại báo cáo tài chính. Ở Việt Nam chưa có trường hợp nào như vậy vì rất khó để cơ quan quản lý giám sát chất lượng công bố.

Nguyên nhân là Việt Nam có nhiều “room” nên DN dựa vào để CBTT theo một định hướng nào đó. Còn với CBTT phi tài chính là báo cáo thường niên hoặc báo cáo bất thường, theo ông Long, DN thường hướng tới chuyện làm cho đẹp hơn, vì vậy, tính minh bạch, độc lập chưa cao.

“Việc CBTT tương lai, như cáo bạch và thông tin dự báo để thị trường dựa vào đánh giá đều chưa được bên nào kiểm chứng, mà chỉ dựa trên thái độ tình nguyện của DN. Hiện Việt Nam cũng chưa có quy định khuyến khích DN minh bạch trong vấn đề này”, ông Long chia sẻ.

Từ phía công ty kiểm toán, ông Trần Đình Cường - TGĐ Ernst & Young (E&Y) lại cho biết quá trình kiểm toán cho thấy có những DN báo cáo tài chính nhiều năm không có vấn đề nhưng cuối cùng vẫn có vấn đề, khi quay ngược lại vấn đề phát sinh từ nhiều năm trước.

“Thứ nhất, tính tuân thủ tự giác của các DN Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung. Một số DN lập các báo cáo vì quy định như thế, thay vì nghĩ thấu đáo là nhà đầu tư cần có những gì, trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư phải báo cáo như thế nào. Thứ hai, các quy định của chúng ta rất chặt chẽ nhưng dù chặt chẽ đến đâu vẫn có lỗ hổng, không có quy định nào ngay lập tức hạn chế được tất cả hành vi sai trái. 

Bên cạnh đó, quy định của Việt Nam không đồng nhất, UBCK có thể quy định thế này nhưng Bộ Tư pháp có thể hiểu theo cách khác. Báo cáo mà vận theo quy định pháp luật khác nhau lại khác nhau. Chủ DN không làm công tâm và trách nhiệm dẫn đến việc cung cấp thông tin không kịp thời. Chưa kể có những trường hợp vì mục đích không trong sáng, các chủ DN cố tình gian lận thì rất khó cho các đơn vị kiểm toán phát hiện vì kiểm toán chỉ dựa trên chứng từ tài liệu. Về cơ bản điều quan trọng là tính tự giác và tuân thủ pháp luật”, ông Cường nói.

Giám sát chặt, mạnh tay xử phạt

Đề cập đến đạo đức nghề nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho rằng một số DN có thể chấp nhận mất uy tín, phát triển không bền vững nhưng kết quả cuối cùng là huy động được vốn.

Hơn nữa, chế tài chưa đủ mạnh, dù mức phạt gần đây rất cao 7-8 tỷ đồng, nhưng con số đấy so với việc DN có thể thu về cả trăm tỷ nhờ gian dối thì không thấm vào đâu, nên DN chấp nhận làm sai để được đạt mục đích. Bởi vậy, theo ông Hưng, nên chăng cần có yêu cầu tăng cường chất lượng CBTT chặt chẽ hơn đối với nhóm DN VN30 hay VN50.

Những DN nào vi phạm nặng thì có thể nghiên cứu đưa ra khỏi nhóm. “Khi chúng ta bồi dưỡng nhóm đầu thì sẽ có DN khác đi theo, giống như chúng ta trước đây kêu gọi niêm yết”, ông Hưng nói. Ngoài ra, ông Hưng khuyến nghị thêm, cần đưa ra các chế tài xử phạt phải nặng hơn trong các văn bản pháp luật sắp tới, như cấm huy động lần tiếp theo, cấm hành nghề, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiền.

“Cuối cùng, chúng ta phải có “cái gậy” vì “cà rốt” người ta có thể thay thế bởi những thứ khác tốt hơn, nên chắc chắn phải có “cây gậy”, Chủ tịch SSI nhấn mạnh.

Cũng góp ý về các giải pháp, ông Phan Lê Thành Long cho rằng sự giám sát từ thị trường nói chung là quan trong nhất, đặc biệt là nhà đầu tư. Khi bị thị trường giám sát, tức là DN bị đánh vào lợi ích, khi đó mới có ý thức làm đúng luật. Còn ông Trần Đình Cường cho rằng UBCK cần có thêm những vai trò lớn hơn đối với thị trường và có những phản ứng nhanh, kịp thời hơn. UBCK càng tăng cường kiểm tra giám sát thì phần nào sẽ giảm được nỗ lực không tốt của các chủ thể tham gia.

Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý, ông Trần Văn Dũng đề xuất để minh bạch thị trường cần giải pháp hình quả mít (nhiều góc độ). Trong các giải pháp đó, cơ quan quản lý có trách nhiệm lớn là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và tổng thể hơn. Cùng với đó, nâng cao vai trò kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm. “Tới đây các hình thức xử phạt sẽ tăng lên nhiều không chỉ tập thể mà cả cá nhân. Việc xử lý hình sự cũng sẽ mạnh hơn”, ông Dũng cho biết. 

Hà An
.
.
.