Doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu, bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng

Chủ Nhật, 10/11/2019, 05:53
Bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng với cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam ước tính xuất siêu trên 7 tỷ USD, trong đó tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.


Trước những tín hiệu tích cực, khả quan của hoạt động xuất khẩu, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng với TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.                                 

PV: Thưa ông, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Để đạt được kết quả này, theo ông là nhờ đâu?

TS. Lê Huy Khôi. 

TS. Lê Huy Khôi: Tôi cho rằng để đạt được kết quả trên, thứ nhất là do đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ đã tạo ra được một thị trường lớn cho hàng hoá và dịch vụ. Đặc biệt là công tác hội nhập và ngoại giao. Do vậy, chúng ta bị tác động ít bởi các biến cố của kinh tế thế giới trong thời gian qua. Thứ hai, bản thân năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam cũng ngày càng tốt hơn.

PV: Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung dự báo sẽ còn diễn biến khó lường và tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Vậy, theo ông, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để cạnh tranh và xuất khẩu bền vững?

TS. Lê Huy Khôi: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp đặc biệt cần phòng ngừa với các biện pháp kỹ thuật mà cả 2 quốc gia này có thể và sẽ áp dụng để bảo vệ cho doanh nghiệp và thị trường của họ.

PV: Điểm sáng của thời gian qua là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của khu vực kinh tế trong nước. Ông có thể nói cụ thể hơn về khu vực này với những đóng góp của doanh nghiệp Việt trong bức tranh xuất khẩu?

TS. Lê Huy Khôi: Trong “bức tranh” xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay, điểm đáng chú ý hơn cả là bước chuyển biến khá rõ ở khối doanh nghiệp trong nước so với khối doanh nghiệp FDI. 

Điều này được thể hiện qua những con số, như tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,9%). Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,4%). 

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018 (14,96%), khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.

Kết quả trên thể hiện rõ ràng nền tảng về thể chế, hạ tầng kỹ thuật mà Nhà nước đã tạo cho doanh nghiệp trong nước, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đã ý thức và đầu tư kinh doanh theo hướng có chiến lược dài hạn… Tôi cho rằng, đây là những yếu tố cơ bản để có được kết quả này.

PV: Thưa ông, những phương án, giải pháp của Bộ Công Thương trong thời gian tới để đẩy lùi những rủi ro và đối mặt với thách thức là gì?

TS. Lê Huy Khôi: Trước diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh… đặc biệt là những vấn đề về thương mại và thị trường như: chiến tranh thương mại, gian lận thương mại, rào cản thương mại, xuất xứ hàng hoá. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Vụ, Cục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp quy, tăng cường kiểm tra, giám sát và tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin...

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...

Theo đó, những giải pháp hữu hiệu cho tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2019 và năm 2010 cần đặc biệt nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.

PV: Đến nay, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 194,3 tỷ USD, theo ông với diễn biến như hiện nay mục tiêu xuất khẩu 263 tỉ USD trong năm 2019 có đạt được không?

TS. Lê Huy Khôi: Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính tới hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 427,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 210 tỷ USD, tăng 7,8%. 10 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN...

Trong những tháng cuối năm 2019, dự báo, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa sẽ có một số yếu tố thuận lợi. Cụ thể như: xuất khẩu các mặt hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông, thủy sản… thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ, Tết tăng cao. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Mỹ được dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới khi mới đây, theo quyết định sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện là 0 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó ở mức 1,37 - 2,39 USD/kg. Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.

Xuất khẩu 10 tháng qua đạt mức tăng trưởng 7,4% tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 (tăng tương ứng 15,3% và 21,8%) nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng XK tăng 7% - 8% trong năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 82,5% mục tiêu cả năm. Điều này cho thấy nỗ lực không nhỏ trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 7,05 tỷ USD, cao hơn con số 6,83 tỷ USD của cả năm 2018. Với diễn biến này, nhiều khả năng năm 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam và nền kinh tế đang có sự chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu trong những năm gần đây.

Hơn nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất. Trong khi đó, đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định... dự báo cũng sẽ tiếp tục được khởi sắc cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới. Do vậy, dự báo cả năm 2019 xuất khẩu có thể đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng từ 7 - 7,5% so với năm 2018.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.