Mồ mả nằm trong khu dân cư và câu chuyện quy hoạch nghĩa trang ở Hà Nội

Những ngôi mộ cổ xen kẽ với nhà dân [Bài 1]

Thứ Năm, 20/04/2023, 09:00

Ngay giữa Thủ đô, tại phố Giáp Nhị, phố Nguyễn Khang… thuộc các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy vẫn còn những ngôi mộ nằm trong khu dân cư đông đúc. Mộ ngay ở lối đi, sát cửa nhà, thậm chí có ngôi còn tọa lạc cả trong khuôn viên nhà. Người sống và người đã khuất “sát vách”, “chuyện trò” hàng ngày... Việc này đã tồn tại nhiều năm nay, nên người dân sống ở đây đã quen với cái tên “phố nghĩa địa” hay “phố bụi”.Phố Giáp Nhị thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), một con phố nhỏ với nhiều ngõ ngách quanh co, nổi tiếng là phố có nhiều ngôi mộ nhất Thủ đô. Cứ đi vài bước lại thấy một ngôi mộ nằm xen kẽ nhà dân.

Vô tư trà đá, bia hơi cạnh các ngôi mộ

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc ngõ 88 phố Giáp Nhị, có nhiều ngôi mộ sừng sững trước cửa nhà dân, dù ngay cạnh đó có khu mộ đã được quy hoạch. Người dân nơi đây đã quen với việc sống chung bên cạnh những ngôi mộ nên không ai cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, những ngôi mộ này được người dân truyền tai nhau đã có hàng trăm năm.

Chia sẻ về nguồn gốc của những ngôi mộ hàng trăm năm tuổi, chị Nguyễn Hường (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) cho biết, những ngôi mộ cổ này đã có cách đây cả trăm năm, thuộc sở hữu của nhiều dòng họ khác nhau. Phố Giáp Nhị có nhiều ngôi mộ cổ, nằm khắp đường đi, xen kẽ những nhà dân.

Những ngôi mộ cổ xen kẽ với nhà dân [Bài 1] -0
Khu mộ nằm sát nhà dân trên phố Giáp Nhị.

"Các ngôi mộ nằm xen lẫn trong diện tích đất sinh hoạt của người dân. Khoảng cách từ những ngôi mộ đến nhà vài bước chân", chị Hường nói. Theo quan sát của phóng viên, ngay bản thân chị Hường cũng mở một hàng nước ngay cổng hai ngôi mộ. Hàng ngày, ngoài lúc bán nước cho người dân khu phố, chị lại quét dọn, nhổ cỏ chăm sóc hai phần mộ này như mộ của người thân trong gia đình.

Một chủ cửa hàng làm đẹp nằm giữa hai ngôi mộ trên phố Giáp Nhị chia sẻ: "Những ngôi mộ trước cửa nhà tôi đều là mộ tổ. Nghe các cụ trong xóm kể, đa phần các mộ có từ rất lâu, thậm chí còn không biết rõ nó có từ bao giờ. Lúc mới về đây, nhiều lúc thấy ớn lạnh, song theo thời gian, giờ cũng quen. Hiện nay, việc trở thành "hàng xóm" của những ngôi mộ có từ hàng trăm năm nay với người dân tuyến phố Giáp Nhị là hết sức bình thường”. Nằm ngay đầu ngách 38 ngõ 88 Giáp Nhị, chị Thu Trang mở quán bia hơi trước nhà, ngay cạnh một ngôi mộ cổ. Chị kể, đây là ngôi mộ đã có từ lâu đời nên gia đình không muốn di dời.

"Thời điểm mới mở quán cũng có nhiều người e ngại vì vị trí của ngôi mộ. Nhưng tôi quan niệm rằng mình không làm gì sai thì chẳng sợ gì cả", chị Trang bộc bạch. Thậm chí trong khuôn viên gia đình anh Bùi Ngọc T. có tới hai ngôi mộ cổ. Anh T. cho biết, hai ngôi mộ bên trong nhà đều là của tổ tiên dòng họ, đã tồn tại từ rất lâu đời. "Trước kia, cả phố này là nghĩa trang nên việc mộ nằm xen kẽ nhà dân không có gì lạ", anh T. bày tỏ. Theo người dân, những ngôi mộ cổ này đều có mối quan hệ với dòng họ trong gia đình nên ai cũng trân trọng, nhiều gia đình thường tổ chức lau dọn, thắp hương cho các ngôi mộ cạnh nhà vào dịp mùng Một hay ngày Rằm.

Hơn 30 năm sống giữa các ngôi mộ

Không riêng gì ở phố Giáp Nhị, mà ở gần cuối ngõ 95 Cầu Giấy hay hướng đi khác là cuối đường một con ngách nhỏ ngõ 445 phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy-Hà Nội) là một nghĩa trang có diện tích hàng trăm mét vuông với rất nhiều ngôi mộ lớn, nhỏ nằm xen kẽ với nhau. Trước đây, những ngôi mộ này nằm trên một khu đất trống cách xa nhà ở của dân cư.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, đô thị hóa khiến khoảng cách này ngày càng được rút ngắn và hiện chỉ có thể tính bằng những bước chân. Là người lạ ghé thăm nơi này vào một chiều trời âm u, lất phất mưa, chúng tôi cũng cảm thấy hơi “ngại ngùng”. Thế nhưng, với chị N, anh H, là người dân sống hơn 30 ở đây lại luôn cảm thấy rất bình thường. Nhà của anh chị là ngôi nhà mái tôn, hình chữ L, lọt thỏm gần cuối ngách.

“Hàng xóm” xung quanh là hơn chục ngôi mộ mới, cũ xen kẽ. Quan sát kỹ sẽ thấy, đối diện cửa chính của ngôi nhà là 3-4 khu mộ cổ, phía bên trái ngôi nhà là sát nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ của các dòng họ, phía bên phải có một cửa sổ, nếu mở ra không khéo là chạm vào bia của khu mộ họ Bùi (trong số này có mộ của người vừa mất năm 2022).

Nhầm tưởng chúng tôi là người dân đi mua nhà, anh H chia sẻ: “Trong ngách này hầu hết nhà đều có sổ đỏ rồi, nhưng không mấy ai bán nhà đâu. Nếu có bán dù đất sát nghĩa trang cũng không có giá rẻ”. Khi thấy chúng tôi hỏi việc gia đình anh sống giữa các khu mộ có thấy bất tiện không?

Anh H thẳng thắn: “Nhà tôi 3 đời sống ở đây rồi, có gì mà bất tiện. Giờ người ta còn không có nhà mà ở, nên mình có mảnh đất cắm dùi là may mắn lắm rồi. Tôi cũng chưa có ý định chuyển đi đâu. Sống bên cạnh các cụ chịu khó thắp hương, các cụ còn phù hộ cho ý chứ”.  Chỉ sâu vào trong ngách anh H bảo: “ Trong kia còn hai nhà nằm sát nghĩa trang hơn nhà tôi, mà họ chưa từng có ý định bán”.

Hà Nội trước kia chỉ bao gồm 4 quận nội thành rồi cứ mở rộng dần, vành đai 2, 3 và giờ là vành đai 4. Khi phát triển rộng ra, các làng truyền thống trước kia sẽ nằm vào đất đô thị. Mà mỗi làng xã, dòng họ đều có nghĩa trang riêng. Chuyên gia quy hoạch cho biết trong quá trình đô thị hóa, tất cả đô thị lớn của nước ta gặp trường hợp nghĩa trang nằm trong khu đô thị mở rộng.

Điều này là đương nhiên và ở các đô thị như Tokyo, Paris... cũng có tình trạng tương tự. Nhưng nước bạn có văn hóa trong xây dựng từ trước nên nghĩa trang có hàng lối, có cảnh quan, nghĩa trang trở thành nơi sinh hoạt văn hóa và tâm linh. Ở Việt Nam, có những nghĩa trang lớn được quy hoạch hàng lối, ngăn nắp, nhưng cũng còn rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ không hàng lối, cũng không thống nhất về kích cỡ các ngôi mộ. Trong những nghĩa trang nhỏ này cũng có mộ tổ, mộ danh nhân, mộ vô chủ...       

Huyền Yến
.
.
.