Do đâu các cơ sở thu mua phế liệu chưa được di dời ra khỏi khu dân cư?

Thứ Hai, 30/08/2021, 07:29

Thị xã Hương Thủy là nơi tập trung các vựa thu mua phế liệu nhiều nhất ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở này đều hoạt động tự phát, kéo theo nhiều tác động tiêu cực về môi trường; phòng chống cháy, nổ; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và làm mất mỹ quan đô thị...

Sáng 29/8, chúng tôi đến phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, địa bàn tập trung hàng chục điểm thu mua phế liệu quy mô lớn, được xác định là “điểm nóng” về cháy, nổ trong mùa nắng nóng, ảnh hưởng đến môi trường và gây nhếch nhác trong khu dân cư kéo dài dai dẳng.

Ông Nguyễn Th., một hộ dân sống ở phường Thủy Châu, bức xúc: “Các cơ sở thu mua phế liệu ở trong khu dân cư gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nhất là tình trạng phế liệu sau khi được mua về, một số cơ sở tập kết tràn ra cả đường đi, ảnh hưởng đến giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt nhiều gia đình có trẻ con, do mùi rác tấn công không thể chịu nổi, có nhiều hôm phải đưa con đến nơi khác lánh nạn”.

Do đâu các cơ sở thu mua phế liệu chưa được di dời ra khỏi khu dân cư? -0
 Cơ sở thu mua phế liệu Thủy Cường nằm sát trạm Y tế phường Thủy Châu.

Đáng nói, không chỉ nằm sát nhà dân, có điểm kinh doanh phế liệu còn nằm cạnh trạm Y tế phường khiến việc khám chữa bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ, như điểm kinh doanh phế liệu Thủy Cường là một ví dụ điển hình. Nằm cách Trạm Y tế phường Thủy Châu chừng 50m, hàng ngày, rất nhiều xe cộ vào ra chở phế liệu án ngữ ngay lối vào trạm Y tế. Máy thổi nhựa của cơ sở Thủy Cường thường xuyên “tra tấn” người dân xung quanh và bệnh nhân bởi tiếng ồn, mùi hôi của phế liệu.

Có mặt tại cơ sở thu mua phế liệu này, theo ghi nhận, do không đủ mặt bằng chứa phế liệu, chủ kinh doanh còn tập kết rất nhiều “rác” phế liệu tràn ra hai bên đường giao thông công cộng, lấn cả hàng rào trạm Y tế phường, có nơi “rác” phế liệu chỉ còn cách phòng khám bệnh vài bước chân. Theo y, bác sĩ ở trạm Y tế phường Thủy Châu, tiếng ồn từ máy móc, xe cộ chở phế liệu ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là các hoạt động nghiệp vụ như nghe khám tim, phổi… “Mỗi lần đến khám bệnh hay lấy thuốc tại trạm Y tế phường, nhiều bệnh nhân không chịu nổi bởi tiếng ồn và ô nhiễm từ cơ sở thu mua phế liệu này”, một bệnh nhân nói.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Khải, chủ cơ sở thu mua phế liệu Thủy Cường nói rằng, cơ sở của gia đình ông đã tồn tại hơn 30 năm nay. Trước đây dân cư trong khu vực này còn ít nhưng nay thì quá đông đúc. Ông Khải cũng thừa nhận, người dân đã nhiều lần phản ứng nhưng do chưa có chỗ để di dời nên ông chưa biết xoay xở thế nào…

Bên cạnh cơ sở thu mua phế liệu Thủy Cường, hàng chục cơ sở thu mua phế liệu khác tại phường Thủy Châu cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao về an toàn cháy, nổ; ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông do việc tập kết phế liệu tràn ra đường.

Theo Công an thị xã Hương Thủy, đã có nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu đã xảy ra hỏa hoạn. Như vụ cháy hồi giữa tháng 6/2021, tại cơ sở thu mua phế liệu Hiệp Xí (số 604 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy). Cơ sở này nằm trong khu dân cư, cạnh tuyến QL1A. Tại thời điểm cháy, dù trời đang mưa, nhưng do bên trong kho hàng chứa nhiều phế liệu dễ cháy nên đám cháy nhanh chóng lan rộng. Vụ cháy khiến người dân trong khu vực bàng hoàng, lo sợ lửa cháy lan… Nhiều người dân cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họ đều kiến nghị, chính quyền sớm di dời các cơ sở phế liệu ra khỏi dân cư để người dân an tâm sinh sống.

Ông Trần Văn Phấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Châu nói rằng, trên địa bàn phường hiện có 25 hộ thu mua phế liệu với quy mô lớn tồn tại trong khu dân cư từ sau ngày giải phóng đến nay, có nguy cơ cháy, nổ rất lớn và ô nhiễm môi trường. Nguyện vọng của địa phương là muốn di dời các cơ sở này đến điểm tập trung. Trong quá trình lấy ý kiến của các chủ cơ sở thu mua cơ sở phế liệu họ đều đồng tình về việc di dời ra khỏi khu dân cư, nhằm tránh gây những phiền toái và nguy hiểm…

Trước thực trạng đó, từ năm 2016, UBND thị xã Hương Thủy giao UBND phường Thủy Châu làm chủ đầu tư dự án khu hạ tầng kỹ thuật diện tích 1,7ha để di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn, với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng. Thế nhưng hơn 2 năm nay, dự án đã hoàn thành nhưng các cơ sở kinh doanh phế liệu chưa thể chuyển đến khu quy hoạch tập trung. Nguyên nhân là do căn cứ Luật Đất đai, các cá nhân, doanh nghiệp đều có thể tham gia đấu giá ở khu quy hoạch này. Nếu người nào trúng đấu giá đất thì đương nhiên họ có quyền sử dụng đất. Trong khi đó, mục đích ban đầu của dự án này lập ra để di dời các cơ sở chuyên kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm của phường Thủy Châu…

Liên quan đến vướng mắc này, ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy trao đổi: “Chúng tôi đã nhiều lần họp và kiến nghị với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh cho các hộ cơ sở thu mua phế liệu ở phường Thủy Châu vào tham gia đấu giá để di dời càng nhanh càng tốt. Thị xã cũng rất mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành liên quan cùng với thị xã Hương Thủy sớm giải quyết dứt điểm, để di dời các cơ sở phế liệu gây ô nhiễm môi trường và nguy có cháy nổ cao trong khu dân cư”.

Hải Lan
.
.
.