Chủ đầu tư “quên” thiết kế lề đường, hàng chục hộ dân bị lấn đất lúa

Chủ Nhật, 08/09/2024, 08:34

Quá trình thực hiện dự án phân lô, bán nền Thịnh Trị 1, 2, 3 tại xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra một sự việc hi hữu khi đơn vị thi công tự ý lấn chiếm đất trồng lúa của người dân để xây dựng đường giao thông.

Đến nay, đã 3 năm trôi qua, dự án cũng đã hoàn thành việc đấu giá thu tiền sử đụng đất, song quyền lợi hợp pháp của người dân bị lấn đất vẫn chưa được xử lý, đền bù thoả đáng, khiến nhiều người bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang, huyện Đông Sơn xác nhận, thông tin phản ánh trên của người dân là đúng thực tế. Chính quyền địa phương xã Đông Quang cũng đã nhiều lần báo cáo sự việc trên lên UBND huyện Đông Sơn xem xét, giải quyết nhưng do phải chờ UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt lại quy hoạch sử dụng đất nên huyện chưa có cơ sở để đền bù cho người dân.

20240826_103308-1725759613127.jpg
Đơn vị thi công đổ đất làm đường tràn ra ruộng lúa của người dân.

Là người có quyền lợi liên quan bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Trọng Vân (SN 1960), trú tại thôn 2, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn cho biết: Gia đình ông có thửa đất nông nghiệp trồng lúa nước tại xứ Đồng Cửa, xã Đông Quang, diện tích hơn 3.000m2. Thực hiện dự án Khu dân cư Thịnh Trị 1,2,3 xã Đông Quang, năm 2022, UBND huyện Đông Sơn đã thu hồi phần lớn diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông. Theo đó, gia đình ông Vân đã được chủ đầu tư dự án đền bù và hỗ trợ số tiền hơn 400 triệu đồng. Còn lại 111m2 (dài khoảng 50m, rộng khoảng 2m), Nhà nước không thu hồi hết, gia đình cũng bỏ hoang vì diện tích nhỏ hẹp, khó canh tác. Mặc dù diện tích đất còn lại chưa thu hồi, đền bù, hỗ trợ thoả đáng nhưng khi thực hiện dự án, đơn vị thi công đã lấn chiếm toàn bộ diện tích đất trên để làm đường giao thông, ông Vân cho biết thêm.

Tương tự, anh Lê Duy Huy (SN 1988), trú tại thôn 3, xã Đông Quang là người đang sử dụng đất đai của bố đẻ là ông Lê Duy Thìn (SN 1946, đã mất), cũng cho hay: Gia đình anh có thửa đất trồng lúa, diện tích gần 4.000m2 tại xứ đồng Mang Mang, xã Đông Quang. Năm 2022, thực hiện dự án Khu dân cư Thịnh Trị 1,2,3 thửa đất của gia đình anh bị Nhà nước thu hồi 1.470m2 và đền bù, hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng. Số diện tích còn lại 2.500m2, gia đình tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đường trong khu dự án, đơn vị thi công đã lấn chiếm thêm khoảng 100m2 đất của gia đình anh mà chưa đền bù, hỗ trợ. Anh Huy cho biết thêm, mặc dù gia đình anh và những hộ dân bị lấn chiếm đất đã nhiều lần phản ánh sự việc lên xã, huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù, hỗ trợ phần diện tích bị lấn chiếm. Anh Huy kiến nghị chủ đầu tư dự án, khi thực hiện kiểm đếm đền bù cần tính toán diện tích đất của người dân đã lấn chiếm và phải tính toán, hỗ trợ 6 vụ mùa cho người dân kể từ khi bị lấn chiếm đất nông nghiệp.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại dự án Khu dân cư Thịnh Trị 1, 2, 3 thì bắt gặp bà Hồ Thị Vinh (SN 1963), xã Đông Quang đang lội ruộng nhặt nhạnh những viên đá từ con đường mới mở tràn xuống ruộng lúa của gia đình. Bà Vinh cho hay, thửa ruộng gia đình bà có hơn 3.000m2, khi làm dự án bị thu hồi hơn 1.000m2, diện tích còn lại gia đình vẫn cấy lúa. Thế nhưng, khi lúa đang thời kỳ phát triển thì đơn vị thi công ngang nhiên đổ đất lấn tràn ra cả lúa...

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Minh, cán bộ địa chính xã Đông Quang cho biết: Dự án Khu dân cư Thịnh trị 1,2,3 có 2 trục đường giao thông, ảnh hưởng thêm đất sản xuất nông nghiệp của 13 hộ dân trên địa bàn, đến nay đã xử lý được 3 hộ, còn 10 hộ vẫn chưa đền bù xong. Theo ông Minh, thiết kế trục đường liên xã có chiều rộng 10,5m, khi thu hồi đất làm dự án, chủ đầu tư mới thu hồi phần đất làm lòng đường (10,5m), họ không tính đến mái taluy của chân đường (lề đường 2m). Do đó, quá trình thi công, nhà thầu đã làm lấn ra đất nông nghiệp của người dân để làm phần mái taluy và chân đường. Theo văn bản xác định mốc giới của huyện Đông Sơn thì có 10 hộ dân bị ảnh hưởng diện tích đất nông nghiệp. “Từ khi mới triển khai dự án chúng tôi đã phát hiện, báo cáo lên UBND huyện, đề nghị huyện tiến hành thu hồi luôn phần đất còn thiếu nhưng dự án lại không nằm trong kế hoạch thu hồi đất của tỉnh duyệt thời điểm đó. Do vậy, phải đợi đến khi UBND tỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất mới thu hồi được, lấy đó làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ…”, ông Minh cho biết thêm.

Ông Đồng Văn Long, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn (chủ đầu tư dự án) cho biết: Ban quản lý dự án đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá bổ sung quy hoạch sử dụng đất để làm căn cứ thu hồi đất và chi trả bồi thường cho các hộ dân. Theo ông Long, tổng số diện tích đất nông nghiệp phải chi trả bồi thường thêm cho dự án là khoảng 1.200m2. Nguyên nhân sự việc trên được xác định là lỗi trong quá trình thiết kế, chỉ trích đo phần lòng đường, chưa tính toán phần lề đường, quá trình thi công phải mở mái taluy đường nên phải lấn ra đất ruộng của người dân.

Trần Thắng
.
.
.