“Vô tư” xây nhà trên đất của người khác

Thứ Ba, 09/08/2016, 08:50
Một khu đất đã có chủ sở hữu hợp pháp nhưng nhiều người dân vẫn “vô tư” nhảy dù để xây nhà trái phép cho thuê. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã nhiều lần gửi thông báo cho những người vi phạm yêu cầu tự dỡ bỏ nhưng họ cố tình không chấp hành.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng vi phạm lại tái diễn như thách thức chính quyền địa phương.

Từ việc cướp đất dẫn đến bị truy tố

Theo bản kết luận điều tra vụ án của cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, ông Nguyễn Tài Tùng (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ông Lê Tiến Ngọ (ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) làm hợp đồng chuyển nhượng 9.360m² đất tại khu đồng Hoa Cả, xã Thanh Liệt cho vợ chồng bà Phạm Thị Hảo (ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hai công trình xây dựng không phép ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.

Sau khi mua diện tích đất trên, bà Hảo đã đổ đất, san lấp, cải tạo khu đất và thuê người trồng, chăm sóc 4.800 cây cảnh trên diện tích đất trên, trong đó có 4.300 cây xanh và 500 cây lộc vừng. Khi bà Hảo mua và sở hữu hợp pháp mảnh đất này, chính quyền địa phương và người dân khu vực đều biết rõ cũng không xảy ra tranh chấp gì.

Do điều kiện và hoàn cảnh gia đình nên bà Hảo không thường xuyên trực tiếp chăm sóc, quản lý khu đất mà chỉ thông qua những người được thuê để trông giữ cây cối. Ông Tùng đã nảy sinh ý định chiếm đoạt toàn bộ diện tích đất đã chuyển nhượng cho bà Hảo nên tìm người hợp tác để xin cấp “sổ đỏ” đối với toàn bộ diện tích đất mà trước đó đã chuyển nhượng cho bà Hảo.  

Khoảng tháng 4-2011, Nguyễn Thiên Bắc (33 tuổi, ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư TĐG (viết tắt là Công ty TĐG) đã ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng với ông Tùng về việc liên doanh, liên kết xây biệt thự nhà vườn trên khu đất của bà Hảo với nội dung: “Công ty TĐG sẽ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài cho mảnh đất trên. Sau khi hoàn thành, ông Tùng có nghĩa vụ chuyển cho Công ty TĐG 50% diện tích đất, tương đương 4.680m²”.

Sau đó, Bắc và ông Tùng tiếp tục ký một phụ lục hợp đồng có nội dung: “Công ty TĐG được toàn quyền chia lô, thửa, tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, huy động vốn đối với nhà đầu tư thứ cấp trên phần diện tích mà Công ty TĐG được quyền quản lý”.

Ngay sau khi ký phụ lục hợp đồng, Bắc đã triển khai dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn trên diện tích đất trên. Khi tiến hành triển khai xây dựng, do khu đất trên có rất nhiều cây cảnh có giá trị do chủ sở hữu hợp pháp là bà Hảo quản lý và sử dụng, Bắc chỉ đạo cấp dưới trực tiếp giám sát việc chặt cây. Còn Bắc thuê máy xúc về san lấp mặt bằng, phá hủy trái pháp luật 1.232 gốc cây cảnh.

Nhận được tin báo về hành vi hủy hoại tài sản xảy ra tại khu đất nhà bà Hảo, cơ quan Công an đã tạm giữ phương tiện mà Bắc và đồng bọn thuê để phá vườn cây trái phép, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ hàng rào tôn mà Bắc và đồng bọn thuê người quây trái pháp luật quanh khu đất trên. Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của bị can Bắc và bị can Tùng đã cấu thành tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Hồ sơ vụ án này sau đó đã được chuyển tới Viện Kiểm sát cùng cấp để truy tố bị can Bắc, bị can Tùng và những đối tượng liên quan. Viện KSND TP Hà Nội khẳng định: “Bị can Tùng và bị can Bắc biết rõ khu đất trên đã chuyển nhượng cho bà Hảo và thuộc quyền quản lý, sử dụng của bà Hảo từ năm 2002, nhưng hai bị can vẫn hợp tác với nhau để chặt phá vườn cây nhằm chiếm đoạt khu đất này”.

Đến việc xây nhà trên đất của người khác

Trong thời gian khu đất hoang hóa của bà Hảo đang được chính quyền địa phương quản lý về mặt hành chính thì nhiều người dân đã lợi dụng sự buông lỏng quản lý của gia đình bà Hảo và chính quyền địa phương để nhảy dù vào xây nhà cấp 4 rồi dựng tường bao quanh để ở và cho thuê.

Nhận được trình báo của gia đình bà Hảo về sự việc này, UBND xã Thanh Liệt đến hiện trường kiểm tra và sau đó đã nhiều lần thông báo bằng văn bản đến từng hộ vi phạm yêu cầu tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất không phải của mình. Do các hộ vi phạm không chịu tháo dỡ nên UBND xã Thanh Liệt đã tiến hành cưỡng chế, trả lại nguyên trạng cho khu đất. Nhưng chỉ một thời gian sau, việc xây nhà trái phép trên khu đất này lại tái diễn và tồn tại từ nhiều năm qua cho đến nay.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Đặng Đình Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, việc một số hộ dân “nhảy dù” vào khu đất không phải của mình để xây nhà ở là có thật. Khi UBND xã gửi thông báo yêu cầu cưỡng chế và thông báo thời gian cưỡng chế, một số hộ vi phạm chống đối bằng cách cố tình không đến hiện trường.

Với tinh thần kiên quyết và đúng pháp luật, UBND xã Thanh Liệt đã tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm. Nói là vậy, nhưng ông Phó Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận rằng, việc xử lý đối với các trường hợp rất khó khăn. Lý do vì lực lượng của xã mỏng lại quản lý địa bàn rộng, trong khi đó các trường hợp vi phạm luôn tìm cách đối phó với chính quyền địa phương.

Được biết, UBND xã Thanh Liệt đã báo cáo với UBND huyện Thanh Trì về những trường hợp xây dựng trái phép, vi phạm xây dựng trên địa bàn xã và đề nghị UBND huyện cho hướng xử lý. Tuy nhiên đến thời điểm này, UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa có quyết định nào để xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm.

Nguyễn Hưng
.
.
.