“Góc khuất” từ các dự án sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên - Kỳ 2

Thứ Năm, 22/11/2018, 10:29
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, một điểm chung của các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên là hiệu quả đầu tư không đạt như mong đợi. Trong khi đó, tài nguyên giao cho các doanh nghiệp bị bào mòn, đồng thời xuất hiện thêm các điểm nóng về an ninh nông thôn…


Cần hai chữ “trách nhiệm”

Vậy, vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với các dự án này như thế nào?

Thiếu kiểm tra, giám sát

Liên quan đến quá trình triển khai các dự án, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ rõ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh đã không kịp thời theo dõi, kiểm tra, giám sát việc đầu tư; không tổ chức đánh giá đầu tư để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Sở NN&PTNT, Sở TN&MT thiếu kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện dự án; thiếu giám sát việc quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp...

Thực tế này cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty Đỉnh Nghệ đã để mất gần cả trăm ha rừng và đất rừng của dự án. Vậy mà, công ty chỉ phát hiện, báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong lập biên bản xử lý hơn 9ha. Số diện tích bị phá còn lại, Công ty cũng như cơ quan chức năng không phát hiện?

Rừng tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông bị chặt phá, lấn chiếm tan hoang trong đó có phần buông lỏng quản lý, giám sát của cán bộ địa phương.

Trường hợp dự án của Công ty Thiên Sơn cũng không khác là mấy. Trong tổng số diện tích rừng bị mất hơn 123ha thì đơn vị này chỉ báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong lập biên bản, xử lý 5 vụ, với diện tích hơn 9,4ha. Thống kê của Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho thấy, diện tích rừng mà Công ty Thiên Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền xã Quảng Sơn không phát hiện xử lý là 114,3ha.

Tương tự, tháng 2-2008, Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn được thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079ha tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Trong đó, diện tích khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng là 507,7ha. 

Theo kết quả thanh tra mới đây, toàn bộ diện tích 507,7ha rừng đã bị mất trắng. Trong diện tích trên 571,3ha trồng cao su, điều và trồng rừng cũng bị người dân lấn chiếm phần lớn. 

Tuy nhiên, trong báo cáo của công ty cũng như chính quyền địa phương lại không thể hiện rừng bị mất như thế nào, đất đai bị lấn chiếm ra sao và tình trạng này diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng không hề bị phát hiện.

Tại sao chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong suốt một thời gian dài không phát hiện được những sự việc này? “Thực tế cho thấy, tình trạng suy giảm rừng ngoài các nguyên nhân chủ quan như chặt phá rừng, dân di cư tự do đốt phá rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy… thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan thiếu kiểm tra, giám sát giữ vai trò rất quan trọng. Chính sự buông lỏng này là một trong những nguyên nhân để xảy ra mất rừng và tài nguyên rừng”, kết luận Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Cần xử lý nghiêm

Từ thực tế diễn ra tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập trong công tác kiểm tra, rà soát hoạt động các dự án, phát hiện và xử lý triệt để vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Theo kết luận Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII, từ 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã để mất gần 70.000ha rừng tự nhiên, hàng triệu mét khối gỗ các loại, gây thất thoát hơn 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc công tác giao rừng để thực hiện các dự án buộc phải trồng rừng thay thế cũng hết sức lỏng lẻo, gây thất thu thêm hàng trăm tỷ đồng nữa…

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc giao dự án buộc phải trồng rừng thay thế. Theo đó, từ 2006 đến 2016 Đắk Lắk có quyết định thu hồi gần 3.868ha rừng để chuyển sang mục đích khác không phải lâm nghiệp nhưng các chủ đầu tư mới nộp tiền trồng rừng thay thể được hơn 52ha. 

Như vậy, còn hơn 3.815ha chưa trồng rừng thay thế, tương đương với số tiền hơn 317 tỷ đồng chưa thu là trái quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Đắk Lắk phải thu hồi số tiền còn thiếu này để trồng rừng thay thế theo đúng quy định…

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm trong việc ra quyết định thu hồi 3.815ha rừng tự nhiên từ các công ty lâm nghiệp thực hiện các dự án khác nhưng không trồng rừng thay thế. Xử lý cá nhân, tập thể liên quan vì đã không xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc mất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, suy giảm chất lượng rừng…

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vào cuộc điều tra, xử lý hành vi thiếu trách nhiệm đối với người đứng đầu các Công ty lâm nghiệp Cư Mlan, Rừng Xanh, Ea Hmơ, Ya Lốp vì đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước với số tiền hàng ngàn tỉ đồng…

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi có kết luận kiểm toán, Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người liên quan qua các thời kỳ. 

“Đến nay đã có 22 đơn vị đã có báo cáo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan. Các đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 15 tập thể, 72 cá nhân liên quan đến công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp từ 2002 đến 2017. Cụ thể kiểm điểm rút kinh nghiệm 9 tập thể, 41 cá nhân; kỷ luật khiển trách 6 tập thể và 31 cá nhân liên quan. Hiện Cơ quan Công an đang tiến hành xác minh dấu hiệu tội phạm, vi phạm tại các công ty lâm nghiệp theo yêu cầu của kiểm toán…”, ông Dương thông tin.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, để chấn chỉnh lại tình trạng buông lỏng công tác quản lý, thiếu giám sát trong việc quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng, chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tiến hành thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ, trong đó có nhiều người là Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch, Phó Chủ tịch; Bí thư, Phó Bí thư các huyện. 

Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án, bắt giữ hàng chục giám đốc, phó giám đốc của các công ty lâm nghiệp; các công ty, doanh nghiệp đến thực hiện dự án nông lâm nghiệp để xảy ra mất đất, mất rừng trên địa bàn.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đắk Nông khẳng định, ngoài những lãnh đạo thuộc quản lý của tỉnh vừa bị xử lý trách nhiệm thì sẽ có rất nhiều cán bộ thuộc quản lý cấp huyện, xã, sở ngành sẽ tiếp tục bị xử lý theo đúng quy định. 

“Việc xử lý nghiêm minh cán bộ là bất khả kháng nhưng đây là sự nghiệp chung. Nếu không làm nghiêm thì anh em cấp dưới người ta không phục, nhân dân sẽ không bằng lòng mà lòng dân là quan trọng nhất. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Việc xử lý này sẽ không có vùng cấm...”, ông Diễn nhấn mạnh.

Văn Thành
.
.
.