Trở lại bài “Khuất tất trong giải phóng mặt bằng ở phường Tây Tựu, Hà Nội”

Thứ Tư, 29/06/2016, 07:27
Trong khi tìm hiểu vụ việc liên quan đến việc chi trả bồi thường “nhầm” đối với hộ gia đình ông Bùi Trung Chức ở Đội 2, chúng tôi được biết quá trình giải phóng mặt bằng ở huyện Từ Liêm cũ có nhiều vấn đề dư luận đang bức xúc, trong đó có việc chuyển đổi vị trí đất dự án để biến đất công ích thành đất có thể giao cho người dân thiếu đất theo Nghị định 64/CP.
  • Bài 1: Được đền bù hơn 700 triệu đồng, chỉ nhận 50 triệu

  • Phù phép chuyển loại đất

    Ngày 20-10-2009, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Quyết định số 5416/QĐ-UBND thu hồi 15.2528m2 đất tại xã Tây Tựu, giao cho UBND huyện Từ Liêm để xây dựng Cụm Văn hóa thể thao (VHTT) Tây Tựu. Đất này do UBND xã Tây Tựu quản lý, các hộ dân đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

    Tại Quyết định số 5044/QĐ-UBND ngày 29-7-2009 do ông Nguyễn Cao Chí, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký đã xác định rõ nguồn gốc đất: “Tổng diện tích đất thực hiện dự án dự kiến 15.528m2. Trong đó đất nông nghiệp không giao theo Nghị định 64/CP do UBND xã quản lý là 15.115m2, đất chuyên dùng giao thông, thủy lợi (mương, đường) là 413 m2”. Chi phí dự kiến giải phóng mặt bằng là hơn 3,3 tỷ đồng.

    Dự án Cụm văn hóa thể thao Tây Tựu đã hoàn thành.

    Tuy nhiên, ngày 26-12-2011, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký Quyết định số 12315/QĐ-UBND chuyển vị trí đất dự án trên và đã biến đất công ích thành đất có thể giao cho các hộ thiếu đất theo Nghị định 64/CP. Cụ thể: “Chuyển 14.707,9m2 đất nông nghiệp công ích do UBND xã Tây Tựu quản lý thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Xây dựng Cụm VHTT Tây Tựu (trong đó có 4.189,8m2 đã được UBND huyện Từ Liêm thu hồi tại Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 25-01-2011) sang vị trí thuộc quỹ đất nông nghiệp không giao (đất vườn cây ao cá) do UBND xã Tây Tựu quản lý”. Lý do chuyển đổi cũng được ghi rõ trong quyết định là: “Để thực hiện cân đối đất nông nghiệp bổ sung cho 36 hộ gia đình thường trú tại xã Tây Tựu hiện đang thiếu đất theo phương án giao đất”.

    Do chuyển vị trí đất dự án nên chi phí giải phóng mặt bằng đã tăng từ hơn 3,3 tỷ đồng lên tới hơn 16 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên hơn 17,8 tỷ đồng khiến tổng mức đầu tư cho dự án lên tới hơn 29 tỷ đồng.

    Vậy là, chỉ với một quyết định chuyển đổi vị trí đất dự án của Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, mức chi phí cho giải phóng mặt bằng đã đội lên gấp hơn 5 lần. Trao đổi với đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm, chúng tôi được biết, UBND huyện Từ Liêm đã xin chủ trương chuyển đổi vị trí đất nhưng chưa được UBND TP Hà Nội chấp thuận.

    Cần làm rõ sai phạm để xử lý trách nhiệm

    Xã Tây Tựu hiện có tới hơn 900 hộ dân còn thiếu đất theo Nghị định 64/CP, thế nhưng chỉ có 36 hộ được nhận tiền đền bù. Và, điều đáng nói là trong số 36 hộ được nhận tiền thì nhiều hộ chỉ là người đứng tên nhận hộ tiền rồi được chia lại cho một vài chục triệu, tiền gốc trả lại những hộ lẽ ra chỉ được nhận bồi thường về hoa màu.

    Nhưng vì có Quyết định số 12315/QĐ-UBND nên các hộ dân này đã được đền bù một khoản lớn. Và cũng từ quyết định trên mà Nhà nước đã phải chi một khoản lớn cho đền bù giải phóng mặt bằng mà lẽ ra theo quyết định ban đầu thì mức chi phí chỉ hơn 3,3 tỷ đồng.

     Về việc này, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu khẳng định: “Chúng tôi làm theo quyết định của quận (Quyết định 12315/QĐ-UBND), chi trả cho đúng đối tượng, đúng người thiếu, đúng định mức giao theo Nghị định 64/CP”. Ông Việt cho biết, thực tế có nhiều hộ thừa đất lại không chịu giao đất cho hộ thiếu.

    Bởi thế, theo ông Việt, 36 hộ được “cân đối” phải “cảm ơn” phường mới đúng. Tuy nhiên, khi hỏi về những trường hợp có ký nhận tiền giải phóng mặt bằng nhưng thực tế chỉ nhận số tiền gọi là trả công để đứng tên, ông Việt bảo không biết việc đó và trả lời: “Hiện, cơ quan điều tra, Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ việc này nên phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”.

    Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc ban hành quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 15,4 tỷ đồng lên hơn 29 tỷ đồng chưa có Nghị quyết nào của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, những thông tin về các hộ dân được “cân đối” không được công khai cho người dân biết. Điển hình như trường hợp của hộ ông Bùi Trung Chức.

    Cả vợ chồng ông và con trai đều thừa nhận rằng không hề biết cụ thể mình thiếu bao nhiêu đất và được chi trả bao nhiêu tiền. Việc ký tiền chi trả thực hiện dự án chỉ là ký nhận thay. Và là khi giao tiền cho ông Hòa, ông Chức cũng không có giấy tờ ký nhận.

    Từ những năm 2011, 2012, UBND huyện Từ Liêm đã tạo cho mình một cơ chế đặc biệt để rút tiền từ ngân sách Nhà nước, đẩy mức chi phí giải phóng mặt bằng lên gấp hơn 5 lần. Vì sao trong số hơn 900 hộ dân thiếu đất theo Nghị định 64/CP thì chỉ có 36 hộ được cân đối? Vì sao chỉ có 36 trên tổng số hơn 900 hộ dân được cân đối đền bù đất theo Nghị định 64/CP?... Thêm nhiều câu hỏi chúng tôi đặt ra tới đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm và phường Tây Tựu, nhưng câu trả lời mà chúng tôi nhận được là: “Chờ kết quả điều tra của cơ quan điều tra”.

    Việt Hà – Trần Hằng
    .
    .
    .