Chịu cảnh “màn trời chiếu đất” vì hàng xóm kiện vô cớ

Thứ Hai, 21/05/2018, 08:13
Ngôi nhà bỗng dưng bị hàng xóm kiện nên việc thi công buộc phải dừng lại, khiến gia đình gồm 3 thế hệ ở thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) phải chịu cảnh màn trời chiếu đất…


Đang sống ổn định và khi nhà nước có chủ trương thu hồi một phần diện tích để làm đường, ông đã gương mẫu thực hiện. Nhưng trong lúc sửa chữa lại ngôi nhà thì bỗng dưng bị hàng xóm kiện nên việc thi công buộc phải dừng lại, khiến gia đình ông gồm 3 thế hệ ở thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) phải chịu cảnh màn trời chiếu đất…

Bỗng dưng bị đòi đất

Giá đất tại thị trấn Cái Rồng từ hơn 1 năm nay bỗng tăng chóng mặt. Tại khu 8 của thị trấn Cái Rồng trước đây dân cư thưa thớt, nhưng khi tuyến đường EC được nâng cấp, mở rộng, giá nhà đất được đẩy lên cao gấp cả chục lần…

Mặc dù đã sống yên ổn gần 30 năm nay, nhưng đến cuối năm 2017, gia đình ông Phạm Văn Cư giật mình khi nhà hàng xóm ở phía sau là ông Đỗ Hồng Xuân làm đơn kiện đòi lại đất đã cho mượn trước đó để làm công trình phụ!

Ông Phạm Văn Cư cho biết, gia đình mình đã mua lại đất của ông Đỗ Văn Đại từ năm 1991, với diện tích hơn 130m2. Cho đến năm 2016, khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường EC qua trước cửa, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm kê, xác định quyền sử dụng đất của gia đình ông Cư.

Cụ thể, thửa đất số 83 tờ bản đồ GPMB số 1 của gia đình ông Cư có diện tích trích đo là 133,8m2, bị thu hồi 42,3m2. Diện tích còn lại là 91,5m2, trong đó có 57m2 đất ở đô thị và 33,8m2 đất xây dựng công trình phụ và trồng cây lâu năm…

Vợ chồng ông Cư phải chịu cảnh màn trời chiếu đất do hàng xóm phát đơn kiện.

Nguồn gốc đất của gia đình ông Phạm Văn Cư cũng được xác định từ năm 2006, nhận chuyển nhượng 100m2 đất ở từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1444, mang tên Đỗ Văn Đại do UBND huyện Vân Đồn cấp ngày 8-5-2006, nhưng chưa làm hợp đồng chuyển nhượng và nghĩa vụ tài chính.

Còn diện tích chênh lệch 33,8m2, cũng được xác định gia đình ông Đại sử dụng từ năm 1991, khi cấp đất chưa kê khai hết diện tích nhưng ranh giới thửa đất không thay đổi, không tranh chấp với các hộ sử dụng liền kề. UBND thị trấn Cái Rồng khẳng định diện tích chênh lệch không do lấn chiếm và đến năm 2006, khi được ông Đại chuyển nhượng, gia đình ông Cư sử dụng ổn định từ đó đến nay.

Tạo tranh chấp để được hưởng lợi?

Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng Trịnh Văn Đoàn cho biết vợ chồng ông Cư cùng con cái và các cháu sống ổn định tại diện tích đất trên từ năm 1991. Đến khi Nhà nước có chủ trương thu hồi một phần diện tích để làm đường đã gương mẫu thực hiện, chấp nhận phá dỡ quá nửa diện tích ngôi nhà đang ở. Tuy nhiên đang trong lúc sửa chữa lại nhà thì phát sinh tranh chấp nên việc thi công buộc phải dừng lại. Do đó gia đình ông Cư đã phải ăn nhờ ở đậu gần 1 năm nay…

Nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất giữa 2 gia đình ông Xuân và ông Cư được chính quyền địa phương xác định là do cơ quan chức năng khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Xuân, đã vẽ không đúng với hiện trạng. Do đó ông Xuân “bám” vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình mình đòi ông Cư phải trả lại 48,3m2(!).

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Đoàn nếu cộng cả phần tranh chấp là hơn 48m2 thì tổng diện tích của nhà ông Xuân sẽ tăng lên từ 260m2 thành hơn 308m2. Diện tích đất tăng lên có thể xác định do lấn chiếm của gia đình bên cạnh hoặc là do việc đo vẽ không chính xác.

Cụ thể trong trường hợp này thì cả 2 gia đình đều sử dụng ổn định từ năm 1991 nên không phải do lấn chiếm, mà nguyên nhân là phải là do đo vẽ. Trong khi đó, quá trình xác minh nguồn gốc và hiện trạng, không chỉ chính quyền địa phương cùng rất nhiều người dân sinh sống xung quanh đều xác nhận tại diện tích đang phát sinh tranh chấp là khu vực công trình phụ của gia đình ông Cư đã được xây dựng từ năm 1991.

Mặc dù lấy lý do kiện gia đình ông Cư mượn đất của nhà mình, thế nhưng ông Xuân lại không đưa ra được bất cứ giấy tờ chứng minh. Khẳng định việc ông Đỗ Hồng Xuân kiện gia đình ông Cư là không có căn cứ, Chủ tịch thị trấn Cái Rồng còn chỉ rõ mục đích của ông Xuân tạo ra tranh chấp để diện tích đất của gia đình ông Cư không không đủ tái định cư tại chỗ thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ. Đến lúc đó nhà ông Xuân từ phía sau nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường.

Chính quyền địa phương đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng với hiện trạng, đồng thời tiến hành cấp phép cho gia đình ông Cư sửa chữa lại ngôi nhà để ổn định cuộc sống...

 Huyện đảo Vân Đồn chuẩn bị trở thành đặc khu kinh tế, đất đai bỗng nhiên có giá trị hơn thì dân cư bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn, tranh giành lợi ích. Do đó để tránh dẫn đến phức tạp, có thể dẫn đến mất trật tự an toàn xã hội, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình, giải quyết dứt điểm những vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

V.Huy
.
.
.