Nhìn lại bất cập từ các dự án BOT

Bài cuối: Có quản lý được chất lượng, giá thành và đấu thầu minh bạch?

Thứ Năm, 20/07/2017, 08:57
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo Bộ GTVT đã thông tin, hiện Bộ đã quyết toán xong 53 dự án BOT. Thế nhưng, kết quả tăng giảm thời gian thu phí cụ thể thế nào thì vẫn chưa được nêu.

Kéo theo đó, hàng loạt bất cập tại các trạm sẽ được khắc phục ra sao, tình trạng đổ “khó” cho dân, sự minh bạch của dự án có được thay đổi… Trước các vấn đề trên, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhật-Thứ trưởng Bộ GTVT.

PV: Thời gian qua, Bộ GTVT đã rà soát các dự án BOT, BT. Tính đến nay đã có 53 dự án được đưa vào quyết toán. Thứ trưởng có thể cho biết có bao nhiêu dự án sẽ rút ngắn và bao nhiêu dự án tăng thêm thời gian thu phí?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Thời gian qua Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo đẩy nhanh công tác quyết toán để xác định lại thời gian thu phí, công bố minh bạch số liệu để các chủ thể và người dân tham gia giám sát.

Trong số đó có 21 dự án đã thỏa thuận, quyết toán toàn bộ hoặc một phần gồm: 18 dự án BOT, 3 dự án BT. Bộ GTVT đã đàm phán và ký phụ lục hợp đồng các dự án này. Trong đó, 14 dự án BOT giảm được thời gian thu phí và 4 dự án BOT kéo dài thời gian thu phí. Các dự án cơ bản đều có chi phí đầu tư giảm nên đều giảm thời gian thu phí; tuy nhiên có 4 dự án thời gian thu phí kéo dài cơ bản do lưu lượng xe thực tế thấp hơn dự báo.

Theo kế hoạch sẽ còn 33 dự án BOT, BT hoàn thành xong trước 30-6-2017, đến nay Bộ GTVT và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã chấp thuận, thỏa thuận quyết toán toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư xây dựng 32 dự án và đã thẩm tra quyết toán xong 1 dự án, đang hoàn tất thủ tục để trình Bộ GTVT ký văn bản chấp thuận.

Như vậy, tổng số dự án đã thẩm tra quyết toán xong là 54 dự án. Trong số 33 dự án này, Bộ GTVT đã đàm phán và điều chỉnh hợp đồng được 5 dự án (QL19, QL91, đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk, đường Hồ Chí Minh (QL 14) đoạn Km1610 - Km1667+570, tỉnh Gia Lai, QL1 đoạn qua TP Phan Rang - Tháp Chàm).

Trong đó, 4 dự án giảm được thời gian thu phí và 1 dự án BOT QL91 kéo dài thời gian thu phí. Nguyên nhân thời gian thu phí các dự án kéo dài cơ bản do lưu lượng xe thực tế thấp hơn phương án tài chính hợp đồng dự án. Đối với 28 dự án BOT còn lại mới có giá trị quyết toán, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA, nhà đầu tư khẩn trương cập nhật giá trị quyết toán, tính toán lại thời gian thu phí, có trình Bộ GTVT đàm phán, ký điều chỉnh Phụ lục hợp đồng theo quy định. Sau khi xác định lại thời gian thu phí, Bộ GTVT sẽ công bố.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, nếu nói về khuyết điểm triển khai các dự án BOT thì đầu tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn lại hàng loạt dự án BOT, ông có đánh giá thế nào về mặt được và chưa được của các dự án này?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Để nói đến trách nhiệm, điều đầu tiên chúng ta cần xác định nguyên nhân của các tồn tại bất cập. Chúng tôi cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đầu tư BOT và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Có thể nói ngắn gọn về nguyên nhân khách quan là do quá trình triển khai đầu tư dự án theo hình thức PPP phức tạp hơn rất nhiều hình thức đầu tư công truyền thống; các dự án triển khai trong điều kiện rất cấp bách, đặc biệt là các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, vừa khai thác, vừa giải phóng mặt bằng và thi công…

Về vấn đề thu phí, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chỉ có 2 hình thức là thu phí lượt (hở) và thu phí theo chiều dài quãng đường sử dụng (kín). Đối với hình thức thu phí kín, người dân trả phí trên số km thực đi và đảm bảo công bằng nhưng chỉ áp dụng đối với đường cao tốc vì kiểm soát được sự ra - vào của các phương tiện.

Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí, trong khi đó những người đi quãng đường dài 40-50km ở khoảng giữa hai trạm thu phí thì vẫn không phải trả phí)…

Về chủ quan, bao gồm một số nguyên nhân chủ yếu như: Do tính chất mới và phức tạp của hình thức đầu tư này, các chủ thể tham gia đều chưa có kinh nghiệm; một số nhà đầu tư đã thực hiện chưa nghiêm các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình; năng lực các nhà đầu tư chưa cao; phê duyệt thiết kế, dự toán chưa chặt chẽ theo quy định pháp luật; quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đối tượng sử dụng đường (mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định phải thực hiện); quy định cho phép có thể đặt trạm ở cự ly nhỏ hơn 70km nhưng việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng và địa phương chưa đầy đủ; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiệu quả; công tác truyền thông chưa tốt dẫn đến hiểu sai về quy trình kiểm soát chi phí, giá thành; giá trị chính thức sẽ được tính toán lại căn cứ vào giá trị quyết toán thực tế được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; đồng thời, trong quá trình thu phí, căn cứ tình hình thực tế về lưu lượng giao thông, kiểm soát doanh thu…, sẽ được điều chỉnh lại thời gian thu phí để bảo đảm hợp lý.

Cá nhân tôi cho rằng, các dự án đã mang lại những lợi ích nhất định cho đa số người dân: toàn bộ người dân sử dụng xe thô sơ, xe máy được hưởng một dịch vụ tốt hơn nhưng không phải trả phí, người dân đi lại giữa 2 trạm thu phí hoàn toàn không phải trả phí; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, kinh tế phát triển

PV: Các dự án BOT vẫn còn tình trạng làm một tuyến đường xong mà cả 3 bên liên quan đều thấy mình thiệt. Trong đó, người dân bao gồm cả người sử dụng và người phải di dời đều không hài lòng; doanh nghiệp thì bảo phí cao; nhà đầu tư thì bảo đội vốn. Vậy theo Thứ trưởng, với những dự án BOT tiếp theo, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm gì, sẽ có thay đổi ra sao để đảm bảo tính minh bạch, hài hòa lợi ích các bên?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu điều chỉnh các Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP và định hướng việc xây dựng, ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Trước mắt, để khắc phục những khiếm khuyết, một số điều chỉnh về cơ chế dự kiến sẽ được đề xuất như: Không tiếp tục triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp và đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu để đảm bảo người dân có sự lựa chọn khi tham gia giao thông. Trường hợp dự án cấp thiết đầu tư theo hình thức đối tác công tư, phải lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải, doanh nghiệp và người dân thường xuyên qua lại trạm thu phí để đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai, vận hành dự án.

Quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán mới tổ chức đấu thầu, quy định chặt chẽ các tiêu chí về chất lượng và chế tài xử lý... trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng. Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường cao tốc quan trọng quốc gia, áp dụng thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường sử dụng) để đảm bảo công bằng, người dân có sự lựa chọn khi tham gia do tuyến đầu tư mới, đồng thời lựa chọn mức giá và lộ trình tăng giá phù hợp với sức chi trả của người dân...

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

* Theo Bộ GTVT, Dự án điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất là công trình BOT quốc lộ 1 tuyến tránh TP Thanh Hóa, giảm tới 20 năm 1 tháng. Một dự án khác là BOT nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn Tân Đệ - La Uyên) do Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư, có TMĐT ban đầu hơn 311 tỷ đồng, thời gian thu phí hơn 21 năm. Sau khi quyết toán, điều chỉnh thời gian thu phí còn 11 năm, giảm 9 năm 6 tháng. Dự án BOT cầu Cổ Chiên, tiến độ thực hiện vượt kế hoạch, không phải sử dụng lãi vay, không sử dụng chi phí dự phòng 25 đến 30%, cho nên đã giảm thời gian thu phí từ 16 năm xuống còn 10 năm…

* Trong số 19 dự án BOT đường bộ (công bố đầu năm 2017), có 6 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm 5 tháng. Trong đó, dự án cầu Mỹ Lợi (quốc lộ 50) tăng thời gian nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng); dự án cầu Yên Lệnh (quốc lộ 38) kéo dài 4 năm 3 tháng (từ 17 năm 1 tháng lên 21 năm 4 tháng); dự án quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long từ 16 năm 4 tháng lên 19 năm 4 tháng… Nguyên nhân các dự án này phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, nhất là dự án BOT cầu Mỹ Lợi và dự án BOT cầu Yên Lệnh. Cầu Mỹ Lợi nối tỉnh Long An với tỉnh Tiền Giang, TMĐT ban đầu 1.300 tỷ đồng, sau khi quyết toán, giảm xuống còn 1.071 tỷ đồng…

Đặng Nhật
.
.
.