Mượn oai hùm vi phạm tác quyền

Thứ Sáu, 27/09/2024, 09:34

Đến nay, đã tròn 20 năm kể từ ngày Công ước Berne có hiệu lực ở Việt Nam (26/10/2004). 20 năm ấy là cả một quá trình nỗ lực của nhiều cá nhân cũng như tổ chức để việc thực thi quyền tác giả ở nhiều lĩnh vực trở nên chuẩn mực hơn, công bằng hơn.

Và, cũng trong 20 năm đó, đã xuất hiện vài vụ phân xử đình đám liên quan tới tranh chấp, vi phạm quyền tác giả đủ để trở thành tham chiếu cho cách hành xử sau này giữa các bên liên quan trong một dự án văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập thực sự trong việc tôn trọng quyền tác giả mà phần lớn là do tập quán làm việc chưa được chuẩn chỉnh về pháp luật của người Việt. Một trong những tập quán xấu đó chính là “mượn oai hùm để cố tình vi phạm”.

Mượn oai hùm vi phạm tác quyền -0
Ảnh minh họa.

Sau mốc tham gia Công ước Berne, thật sự các tác giả Việt Nam, đặc biệt là tác giả âm nhạc, đã nhận được nhiều quyền lợi hơn từ tác phẩm của mình. Chuyện có một vài tác giả âm nhạc nhận được tác quyền tiền tỷ sau một quý thanh toán từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã không còn lạ lẫm nữa. Tùy theo số lượng và tính phổ cập, tác quyền của mỗi nhạc sĩ có thể nhận về khác nhau nhưng ít nhất cũng phải ở mức trung bình dăm ba triệu hằng tháng.

Song, đó mới chỉ là quyền tác giả đối với những nhạc sĩ sáng tác mà thôi. Các nhạc sĩ chuyển soạn, phối khí vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi và mấy năm gần đây, việc đấu tranh quyền lợi cho nhóm nhạc sĩ này cũng nóng lên nhiều, đặc biệt là đối với những nhạc sĩ chuyển soạn, phối khí cho dàn nhạc giao hưởng bởi công việc của họ phức tạp và đòi hỏi chiều sâu về chuyên môn nhất định, thời gian đầu tư cho mỗi tác phẩm rất lớn.

Trong bối cảnh VCPMC vẫn chưa thể khai thác mạnh mảng quyền tác giả chuyển soạn phối khí do các trở ngại khách quan thì các nhạc sĩ đã chủ động hơn trong quan hệ công việc với các nhà sản xuất chương trình. Nhiều chương trình, nhiều đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận dạng này với những nhạc sĩ phối khí, chuyển soạn, mà điển hình là chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi”. Nhưng, không ít chương trình đánh bài lờ, thậm chí còn chơi chiêu “mượn uy tín lãnh đạo Nhà nước, mượn danh chương trình phục vụ chính trị” để không chịu tôn trọng quyền tác giả dù ở các chương trình này, Nhà nước vẫn dự trù một phần ngân sách tuy không lớn cho quyền sở hữu trí tuệ.

Ví dụ điển hình là gần đây, một nhạc sĩ chuyển soạn, phối khí được xem là hàng đầu Việt Nam đã khổ sở “khoe” tin nhắn từ một ca sĩ đại ý rằng “sắp tới em phụng lệnh” đi phục vụ một lãnh đạo cấp cao ở châu Âu và có được yêu cầu hát 2 ca khúc về Hà Nội mà nhạc sĩ này đã chuyển soạn, phối khí cho dàn nhạc giao hưởng nên ban tổ chức nhờ cô “xin” tổng phổ của nhạc sĩ để sử dụng. Việc lợi dụng tên tuổi lãnh đạo, mục đích Nhà nước để tránh né trả tiền tác quyền như vậy thực sự gây tổn hại tới uy tín của Đảng, Nhà nước, uy tín lãnh đạo. Không lãnh đạo nào cổ xúy chuyện không tôn trọng quyền tác giả.

Hiện tượng như ví dụ trên là phổ biến hiện nay, nhất là khi xu hướng thưởng thức dàn nhạc giao hưởng đang lớn mạnh dần. Để xử lý triệt để hiện tượng này, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương cấp phép chương trình phải đưa ra quy định bắt buộc nhà tổ chức đảm bảo có chứng từ, hợp đồng cho thấy họ đã tuân thủ và đáp ứng đầy đủ quyền tác giả cả ở lĩnh vực sáng tác lẫn lĩnh vực phối khí, chuyển soạn trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn. Hiện nay, mới chỉ có yêu cầu về quyền tác giả sáng tác mà thôi và chính việc bỏ trống lĩnh vực quan trọng là chuyển soạn, phối khí trong quản lý nhà nước nên mới dẫn tới những nhập nhằng mượn danh để làm sai một cách ngang nhiên.

Văn Đoàn
.
.
.