Chao nghiêng phố xuân

Thứ Sáu, 20/01/2023, 14:18

Đế đô Thăng Long ngàn năm luôn sáng bừng âm hưởng của những mùa xuân lịch sử. Dù trải qua bao thăng trầm của các triều đại nhưng giai điệu mùa xuân luôn vang lên trong những chiến thắng chống quân xâm lược.

Khi hoàng thành Thăng Long mang tên Hà Nội (1831) những bản anh hùng ca của dân tộc càng thêm dạt dào bay bổng theo thời gian. Gò Đống Đa vẫn còn ghi dấu một mùa xuân vĩ đại khi Hoàng đế Quang Trung đánh tan quân nhà Thanh (năm 1789) chấm dứt nạn xâm lăng của ngàn năm Bắc thuộc. Nhạc sĩ Duy Quang đã từng viết: “Có một mùa xuân/ Không chỉ như những mùa xuân làm hồng sắc áo sắc hoa/ Mùa xuân ấy rực rỡ cờ đào lừng vang chiến thắng/ Cho hôm nay! Dải đất thiêng này chói ngời lịch sử/ Một hào khí Đống Đa” (Mùa xuân hội Đống Đa).

9-hình ảnh ngày giải phóng thủ đô.jpg -0
Hình ảnh ngày Giải phóng Thủ đô.

Trải qua bao cuộc bể dâu khi dân tộc lại phải chống thực dân Pháp sau khi giành được chính quyền (1945). Quân và dân Hà Nội luôn kiên cường chiến đấu. Một cuộc lên đường thần thánh với lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) do Bác Hồ phát động. Ngay trong những đêm Hà Nội cầm súng với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tại chiến khu đã viết ca khúc “Người Hà Nội”.

Bản nhạc xây dựng bức tranh hào sảng về những chiến sĩ Thủ đô anh dũng. Giai điệu mạnh mẽ kiêu hùng vang lên đúng vào ngày Tết Đinh Hợi (1947) sau lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng bào. Đó là mùa xuân lịch sử đánh dấu chín năm trường kỳ kháng chiến.

Ca khúc ngân vang lời hẹn ngày trở về chiến thắng của những người con Thủ đô. Nhịp điệu sống động và bát ngát với lời ca: “Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao/ Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề ước Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà/ Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời/ Hà Nội ầm ầm rung. Sông Hồng reo!/ Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng/ Bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên chiến sĩ ta ơi!/ Trời Hà Nội đỏ máu…”.

Sau chín năm gian khổ chiến đấu quân và dân ta đã đánh dấu mốc lịch sử huy hoàng sau khi đánh thắng thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ngày trở về đúng như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã hát. Ngày chiến thắng ấy vang lên nhịp điệu mùa xuân với những câu hát rạo rực của nhạc sĩ Văn Cao trong bài "Tiến về Hà Nội": “Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay những xuân đời mỉm cười vui hát lên/ Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần. Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về, Hà Nội bừng Tiến quân ca”.

Trong bài hát hình ảnh mùa xuân bừng sắc. Sinh thời nhạc sĩ Văn Cao kể ông viết bài này đúng vào một ngày mùa xuân năm 1949. Đây là một bài hát được sáng tác với cảm xúc dạt dào với chiến thắng. Những người con Thủ đô đã trở về trong hoan ca. Bài hát có tính dự báo không ngờ. Những hình ảnh niềm vui đón chào của người dân Hà Nội đã diễn ra đúng như trong bài hát đã viết trước đó 5 năm: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiếng về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố…”.

Và cũng từ đây hình ảnh Hà Nội trong thanh bình và dựng xây luôn được các nhạc sĩ thể hiện tình yêu thương mênh mông. Nhạc sĩ Hồ Bắc đã cất tiếng ca vang: “Hà Nội của tôi. Rồng đã bay lên bầu trời mùa xuân/ Đường phố thênh thang xôn xao những công trình. Hà Nội của tôi chung tay xây đắp cuộc đời” (Hà Nội của tôi). Những giai điệu mang dấu ấn lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội luôn được hồi ức.

Nhạc sĩ Trọng Đài trong “Bài ca tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội” đã nâng cánh những câu thơ của Nguyễn Khắc Phục bay bổng: “Bạn thân yêu ơi cho nghe chăng nhịp thời gian - Âm vang trống hội Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Thủ đô tươi mới phơi phới bay trên đôi cánh mùa xuân…”. Và đâu đó tình yêu luôn được ngợi ca với mùa xuân dân tộc, mùa xuân của Thủ đô yêu dấu. Hà Nội mãi mãi trẻ trung với câu hát: “Rồi một mùa xuân đến/ Đóa hồng xinh tươi đang hé nở/ Nhẹ nhàng tia nắng ấm, xua tan bóng đêm/ Nắng ấm mùa xuân em/ Qua đây cho anh tháng ngày yêu thương thiết tha/ Nghe nhịp con tim như hát ca” ("Hà Nội - tuổi xuân ca" - Nguyễn Tiến Mạnh).

1.jpg -0
Tượng nhạc sĩ Văn Cao.

Luôn còn đó là tình yêu Hà Nội với những cảm xúc lãng mạn cùng xuân. Hà Nội ngân vang sóng đàn huyền ảo: “Chao nghiêng phố xuân sóng đàn ai lựa/ Thầm thì khúc ru trầm/ Cổ Ngư lắng hồn xe ngựa/ Cành đào phai gió Nhật Tân” (Trọng Đài). Đặc biệt với những người con thành phố đi xa luôn ước muốn trở về trong tâm tưởng. Hà Nội của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là như thế qua bài “Hà Nội thầm hát trong tôi” với câu hát da diết: “Hà Nội trên cao mây trời lộng gió/ Dáng thanh thanh trong sáng hồn thơ/ Tôi thấy như hoa đào chớm nở/ Một mùa xuân trong sáng đợi chờ”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng đau đáu tâm trạng yêu thương Thủ đô. Sau giải phóng miền Nam ông trở về quê hương nhưng trong lòng lại đầy tâm trạng mong nhớ Hà Nội. Nhạc sĩ đã hát như ru lòng mình rằng: “Ôi chiều ba mươi tết, chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông vui chờ đón tân niên là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người/ Hà Nội ơi…” (Nhớ về Hà Nội). Đặc biệt với những người con dân phố đi làm kinh tế ở Lâm Đồng cũng được nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường thể hiện: “Trời rất xanh và nắng cũng rất xanh/ Suối Cam Ly ôm ấp quanh mình/ Những Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì và cả màu hoa Hà Nội, hoa tươi rói giữa mùa xuân” (Phương Nam - Một khoảng trời Hà Nội).

Mùa xuân luôn là biểu tượng sức sống của Hà Nội. Đó là những mùa xuân ngợi ca lịch sử và tình yêu thành phố ngàn năm. Không mùa xuân nào mà Hà Nội không có những bài hát mới. Một người con Thủ đô, nhạc sĩ Văn Ký đã bày tỏ tình yêu ấy bằng khúc ca “Hà Nội mùa xuân”. Ông đã viết tặng cho các bạn trẻ những giai điệu tha thiết: “Tặng anh một bài ca mới/ Trái tim em vời vợi nhớ thương/ Em đã gặp mùa xuân Hà Nội/ Hoa đào tươi nở trong nắng mới/ Em yêu anh thêm yêu Hà Nội/ Yêu anh em yêu cả cuộc đời Hà Nội mùa xuân”.

Còn ca khúc “Thành phố vào xuân” của nhạc sĩ Tân Huyền lại ghi dấu hình ảnh truyền thống đáng tự hào: “Mùa xuân trên thành phố yêu thương/ Gọi như chàng trai mang súng lên đường/ Vượt Trường Sơn trong mưa đèo gió núi/ Theo tiếng gọi mùa xuân đi gìn giữ quê hương”. Hay mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu lại say đắm với hiện thực mơ màng nhất: “Nghe vui xốn xang mùa xuân lại về trên phố phường Hà Nội/ Xanh biếc chồi non đẹp màu lá mới/ Ngọt ngào hương hoa thơm ngát cho đời” (Hà Nội vào xuân).

Đặc biệt: Hà Nội thường gắn bó cùng sắc hoa tươi thắm. Hoa ngát hương trong những khu vườn ngoại ô. Hoa tình yêu trong lòng người. Và những bông hoa lao động thủ đô luôn dào dạt sắc hương đời. Người dân Thủ đô lâu nay vẫn không thể quên những giai điệu nồng nàn của nhạc sĩ Văn Dung qua giai điệu xuân: “Em ơi! Nghe chăng mùa xuân tới/ Xanh tươi muôn hoa bay trong cánh chim bay trong tiếng ca ngọt ngào tình quê hương/ Say trong sắc hoa dịu dàng trong nắng xuân” (Những bông hoa trong vườn Bác).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lại có những lẵng hoa thơm ngát của riêng mình dâng lên Bác: “Khắp miền quê hoa thơm mang về đây dâng Người/ Thỏa lòng từ nay Bắc Nam vui chung mùa xuân mới” (Dâng Người tiếng hát mùa xuân). Riêng cung đàn của nhạc sĩ Ngọc Khuê rất đắm thắm với tình yêu lao động cùng mùa xuân. Đó là tình yêu của những cô gái làng lúa làng hoa. Họ say sưa với tình yêu mảnh đất ngàn năm nhưng lại đầy niềm vui và tinh thần lạc quan. Nhạc sĩ đã cất tiếng ca rất hứng khởi: “Lúa lên xanh thắm bên hoa em thơm ngát/ Hồ Tây ơi! Mùa xuân/ Tình ca đơm hoa từ lòng đất/ Đôi lứa tình yêu/ Mùa xuân/ Làng lúa/ Làng hoa/ Mùa xuân” (Mùa xuân - Làng lúa làng hoa).

Cảm xúc với những cung điệu xuân Hà Nội thật dạt dào và tràn đầy cảm hứng. Trên nền nhạc giao hưởng của ngàn năm Thăng Long-Hà Nội luôn bừng lên những giai điệu về tình yêu của người dân Thủ đô. Đội ngũ nhạc sĩ trẻ luôn là những niềm hy vọng sáng tạo trong tương lai. Hà Nội đang chờ đón những bài hát mới về mùa xuân. Những câu thơ của Bác chúc Tết năm nào đúng như nhạc sĩ Dân Huyền tâm sự ước mong ấy: “Bài thơ Bác năm xưa/ Nay chúng con đã chắp thêm vần. Xây nước non nhà tươi đẹp muôn đời vĩnh viễn mùa xuân” (Bên lăng Bác Hồ).

Bội Kỳ
.
.
.