An cư, lạc nghiệp cho người lao động

Thứ Sáu, 03/11/2023, 08:13

Theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2030 cả nước sẽ xây dựng khoảng 1.062.200 nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 428.000 căn hộ, và trong giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 634.200 căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp. Hàng triệu công nhân, người lao động thu nhập thấp vui mừng đón nhận và kỳ vọng sớm trở thành hiện thực.

Khảo sát về nhu cầu nhà ở của công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, hiện cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số này, có 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Trong 2 năm qua, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ nhà ở xã hội. Đây là một nỗ lực đáng mừng, nhưng vẫn là quá ít so với nhu cầu xã hội.

Như vậy, phần lớn công nhân, người lao động vẫn phải thuê nhà ở trong những khu nhà trọ do người dân tự xây với điều kiện sinh hoạt tạm bợ, chật chội, thiếu thốn, không đủ tiện nghi sinh hoạt và mất an ninh, an toàn, dẫn đến những thảm cảnh vô cùng đau xót như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua đã cướp đi sinh mệnh của 56 người mà đến hôm nay mỗi khi nhắc lại chúng ta lại thấy nhói lòng.

An cư, lạc nghiệp cho người lao động -0
Có nhà ở xã hội, người thu nhập thấp hi vọng có cuộc sống an cư.

Một triệu căn nhà ở xã hội với giá phải chăng sẽ hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà cho hàng triệu công nhân và người lao động có mức thu nhập thấp. "An cư", được hiểu là nơi cư trú an toàn mang tính ổn định lâu dài, còn "lạc nghiệp" có thể hình dung ra một cuộc sống yên ổn, sung túc. Đây là mục đích mà con người muôn đời hướng đến. Tuy nhiên, thực tế lại không giống như vậy, nói là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng đối tượng có thể tiếp cận và mua được lại không nghèo chút nào. Không hiếm gặp những khu nhà dành cho người thu nhập thấp, nhưng ô tô đỗ hết cả phần không gian công cộng, lấn sang cả sân chơi dành cho trẻ em. Một câu hỏi đặt ra: Ai là đối tượng có thể mua nhà ở thu nhập thấp? Làm thế nào để nhà đó không rơi vào tay người giàu?... Đó là những băn khoăn của không ít người dân.

Nhiều cơ chế, chính sách, quy định đã hạn chế người thu nhập thấp tiếp cận với nhà ở xã hội như việc phải có hàng chục loại giấy tờ xác nhận, chứng minh thu nhập, phương thức trả góp, rồi quy định người mua nhà ở xã hội chưa đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nhà đất nào khiến đa số lao động ngoại tỉnh không thể mua nhà vì đã có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ở quê. Bên cạnh đó, giá nhà ở xã hội tại các đô thị lớn quá cao khiến đối tượng thu nhập thấp khó lòng mua nổi, dù có được vay trả góp thì số tiền phải trả hàng tháng cũng hàng chục triệu đồng, nó nằm ngoài khả năng chi trả của họ. Dẫn đến nghịch lý người có tiền vẫn có cách để mua được nhà ở xã hội, còn người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không có tiền, khiến cho ước mơ có được một căn nhà ở xã hội thật xa vời.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV lần này sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi) để gỡ bỏ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, điều kiện, nguyên tắc, yêu cầu cho việc phát triển nhà ở xã hội. Nhiều người lao động nghèo kỳ vọng, thay vì Nhà nước xây rồi bán nhà ở xã hội, thì nay không bán nữa mà xây rồi cho thuê, thuê mua, mua trả góp với những chính sách ưu đãi sẽ giúp người lao động "an cư, lạc nghiệp" có lẽ là giải pháp thực tế hơn và cần phải có chế tài xử phạt với những trường hợp được mua nhà ở xã hội lại bán suất và người không thuộc diện mua nhà ở xã hội nhưng vẫn cố tình mua để trục lợi. Điều này sẽ góp phần đem một triệu căn nhà ở xã hội đến với người dân một cách hiệu quả và thực chất.

Đất nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Cơ cấu lao động diễn ra theo chiều hướng tăng tỉ lệ công nhân, nông dân "áo trắng cổ cồn". Để mục tiêu này trở thành hiện thực thì cần phải chăm lo tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nói chung và người thu nhập thấp nói riêng.

Tuy nhiên, ngoài sự quyết tâm của Chính phủ thì rất cần sự đồng hành mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động. Khi chất lượng sống tốt hơn thì hiệu quả lao động sẽ cao hơn, họ sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ doanh nghiệp. Điều này có lợi cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động, cũng là cách thể hiện và chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn đất nước đang tiến hành đổi mới, phát triển.

Cù Tất Dũng
.
.
.