Về sự "xuống dốc" của điện ảnh Việt Nam hôm nay: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Thứ Tư, 14/12/2011, 08:00
Đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, đã có sự nuối tiếc đến mức trách móc, giận hờn, đổ lỗi cho Nhà nước thiếu quan tâm, rằng: "Điện ảnh chúng tôi có tiêu chí, nhiệm vụ gì? Điện ảnh đang lúng túng vì chưa có sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và hình như Nhà nước không cần chúng tôi nữa?", thậm chí có nghệ sĩ còn nói vui rằng: "Nhà nước đang chạy theo "bồ trẻ" truyền hình mà bỏ rơi "vợ già" điện ảnh"… thì có nên không?...

Là người đã có hơn ba mươi năm gắn bó với ngành, từng làm công tác biên soạn và biên tập hai tập "Lịch sử Điện ảnh Việt Nam", lại được đọc, được xem nhiều phim tư liệu của các bậc "tiền bối", tôi hiểu được sự đóng góp to lớn mang tính lịch sử của Điện ảnh Việt Nam đối với công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Có thể nói rằng, trong các loại hình nghệ thuật của Việt Nam, thì điện ảnh là ngành đổ máu hy sinh nhiều nhất trên mọi trận tuyến chống kẻ thù (chỉ riêng phóng viên quay phim mặt trận đã có hàng trăm người hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ) và lưu lại được nhiều tư liệu chân thực nhất, sống động nhất cho lịch sử dân tộc, bây giờ và cả mai sau. Vì lẽ đó mà bây giờ, gần 60 năm qua, khi đất nước đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt mà ngành điện ảnh lại phải chịu cảnh "chạm đáy" thì ai mà chẳng xót xa, nuối tiếc? Nhưng nuối tiếc đến mức trách móc, giận hờn, đổ lỗi cho Nhà nước thiếu quan tâm, rằng: "Điện ảnh chúng tôi có tiêu chí, nhiệm vụ gì? Điện ảnh đang lúng túng vì chưa có sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và hình như Nhà nước không cần chúng tôi nữa?", thậm chí có nghệ sĩ còn nói vui rằng: "Nhà nước đang chạy theo "bồ trẻ" truyền hình mà bỏ rơi "vợ già" điện ảnh"… thì có nên không?

Phải công bằng mà nói rằng: Sự bức xúc của các nghệ sĩ là điều có thể cảm thông được. Vì thực tế ngành Điện ảnh Việt Nam hiện nay, như chúng ta đã biết, dù Nhà nước có cố gắng bao nhiêu thì so với yêu cầu của một loại hình nghệ thuật tiêu pha tốn kém như điện ảnh cũng chưa thấm vào đâu. Ngay cả những bộ phim về đề tài lịch sử Việt Nam, có phim dự trù đến vài trăm tỷ đồng (xấp xỉ 10 triệu đô la Mỹ) so với nhiều phim nước ngoài cũng còn là quá ít, như phim "Titanic", riêng tiền đóng con tàu đã hết 30 triệu đôla và cả bộ phim phải tốn gấp nhiều lần như thế.

Các nghệ sỹ trao đổi bên lề lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2009. Ảnh: Hoàng Trần Long.

Làm một bộ phim hoạt hình chi đến vài chục triệu đô cũng là chuyện bình thường. Hàn Quốc, muốn chấn hưng ngành điện ảnh, như mọi người đã biết, Nhà nước đã cùng một lúc chi nhiều chục triệu đô, cử hàng loạt các nhà điện ảnh trẻ sang Mỹ và một số nước có ngành điện ảnh phát triển để đào tạo nhân tài. Rồi Trung Quốc và nhiều nước khác cũng vậy. Nhưng đó là chuyện của các nước giàu có, còn ở Việt Nam cũng nên hiểu sự quan tâm của Nhà nước trong hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam.

Có lẽ phải như vậy, vì gần 60 năm qua, chưa kể từ khi điện ảnh ra đời, Nhà nước đã làm những gì để điện ảnh phát triển cho đến ngày nay. Chỉ nói riêng những năm gần đây, từ khi Việt Nam bước vào cơ chế thị trường, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc tìm ra mô hình nào, tổ chức nào để điện ảnh có điều kiện phát triển tốt nhất: Từ Cục Điện ảnh, Nhà nước đã cho thành lập Vụ Điện ảnh ở Bộ Văn hóa và Liên hiệp Điện ảnh trực tiếp quản lý các cơ sở điện ảnh khép kín từ khâu sản xuất đến phát hành phim. Và khi đó (cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước), đồng chí Nguyễn Thụ làm Cục trưởng Cục Điện ảnh rồi Tổng Giám đốc Liên hiệp Điện ảnh Việt Nam đã nhiều lần xin Nhà nước cho thành lập Tổng cục Điện ảnh, mô hình khép kín ngành điện ảnh như mô hình "Tập đoàn Điện ảnh Nhà nước" mà một số nghệ sĩ đã đề xuất gần đây. Nhưng rồi, không hiểu sao việc không thành, mà lại giải thể Liên hiệp Điện ảnh Việt Nam, bỏ Vụ Điện ảnh ở Bộ Văn hóa và trở lại thành lập Cục Điện ảnh như hiện nay. Tất cả sự thay đổi này không phải ai, không phải cấp trên nào, nhân danh Nhà nước áp đặt cho điện ảnh mà chính những nghệ sĩ điện ảnh, những nhà điện ảnh có chức có quyền đã tư vấn và yêu cầu Nhà nước làm như vậy. Đến nay, điện ảnh "chạm đáy", điện ảnh rệu rã, manh mún, mạnh ai nấy làm… v.v… thì chính các nghệ sĩ, đặc biệt là những người đã được Nhà nước dành cho sự quan tâm nhiều hơn ai hết lại lớn tiếng kêu rằng Nhà nước không quan tâm?

Như vậy là không công bằng. Thực tế đã chứng minh rằng: Sự tồn tại và phát triển của một ngành, nhất là ngành nghệ thuật là do chính những người quản lý và những thành viên của ngành ấy quyết định. Với mỗi ngành như vậy, Nhà nước là ai? Là chính họ.

Nói về sự "chạm đáy" của ngành điện ảnh hiện nay, NSND Nguyễn Khắc Lợi đã thẳng thắn cho rằng: "Chúng ta đã làm không hết sức hết tâm. Chính chúng ta đang hạ thấp chúng ta". Đạo diễn Phạm Lộc cũng chung ý nghĩ như vậy: "Lỗi tại điện ảnh thôi. Chúng ta quá quan liêu, nghệ sĩ thì quá chủ quan"…

Từ khi thế giới bùng nổ các phương tiện thông tin hiện đại, không có một nền điện ảnh nào trên thế giới không ít nhiều bị ảnh hưởng, thậm chí tan rã. Những thành lũy trụ cột của điện ảnh thế giới như điện ảnh Mỹ, Nga… cũng còn điêu đứng nói gì đến điện ảnh Việt Nam. Không phải Nhà nước không quan tâm mà vì một lý do thật đơn giản, thật rõ ràng ai cũng biết. Đó là điện ảnh đã hết vai trò độc tôn trên màn hình, khi có nhiều phương tiện khác nhanh hơn, hiện đại hơn, gần gũi với cuộc sống đời thường hơn và nhiều cái hơn khác… trong khi đó điện ảnh lại không chuyển mình kịp thì việc bị khủng hoảng, bế tắc, thậm chí tan rã là lẽ thường tình. Điện ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài khó khăn ấy.

TS Lưu Trọng Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh (người trực tiếp chỉ đạo ngành điện ảnh thực hiện Nghị định 48/CP - 7-1995 về cuộc chấn hưng điện ảnh lần thứ nhất với số tiền Nhà nước cho là 265 tỷ đồng) từng đưa ra nhận xét: "Điện ảnh Việt Nam lúc đó như một con gà công nghiệp vừa ra khỏi chuồng, ngô nghê kiếm ăn, gặp gì mổ nấy, hậu quả là gà bị ngắc ngoải vì trong diều chỉ toàn sỏi cát". Nhà báo Đinh Trọng Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí "Thế giới điện ảnh" - dù ở cơ quan Hội Điện ảnh Việt Nam, không được hưởng gì từ Nghị định 48/CP, khi nghe các nghệ sĩ điện ảnh kêu rằng Nhà nước không quan tâm, cũng thẳng thắn khẳng định rằng: "Nhà nước đã cho chúng ta 265 tỷ đồng cho cuộc chấn hưng lần thứ nhất với đầy đủ cơ sở vật chất. Và sau đó nhiều hãng phim với cơ sở hạ tầng khang trang, những trung tâm với máy móc đầy đủ và tiền kinh phí làm phim hàng năm. Vậy không thể nói là Nhà nước không quan tâm. Vấn đề ở đây là Nhà nước đầu tư không "trúng". Nơi đáng đầu tư nhất là con người thì chưa được đầu tư. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem lại chính mình, Nhà nước đầu tư nhiều nhưng phim chúng ta thì sao, càng ngày càng dở. Liệu chúng ta có xứng đáng với số tiền Nhà nước bỏ ra…?".

Còn đạo diễn Phạm Lộc, là một trong những người trực tiếp được hưởng sự "chấn hưng" điện ảnh như thế nào, được nhìn tận mắt, sờ tận tay những máy móc, phương tiện kỹ thuật được mua sắm bằng tiền của Nghị định 48/CP, cũng than thở rằng: "Nhìn lại cuộc chấn hưng, chúng ta còn lại được gì khi máy móc không sử dụng, hoen gỉ. Điện ảnh đang là sân chơi một chiều, có chi mà không có thu…".

Quả thật như vậy! Tiền Nhà nước chi ra để mua máy móc cho điện ảnh quá nhiều, nhưng không có hiệu quả, vì máy móc mua về thì "năm cha ba mẹ", cái của Đức, cái của Nga, cái của Trung Quốc, mà người sử dụng lại không có chuyên sâu về mỗi loại máy này. Có hãng phim mua một máy làm kỹ xảo rất nhiều tiền, nhưng chỉ làm được một cảnh trong một bộ phim đã thấy không đạt yêu cầu (có lẽ vì không biết tường tận kỹ thuật của máy). Thế rồi máy cứ xỉn dần, chẳng ai sờ đến nữa. Một hãng phim khác khi được tiền chi mua máy móc và xây nhà xưởng để máy thì mua máy về rồi mới làm nhà để máy. Làm xong nhà thì máy không đưa vào được, vì cửa nhỏ quá, độ cao của nhà quá thấp, máy kịch trần không đưa vào được. Có người hỏi: Sao không xây phòng để máy cao hơn, làm cửa rộng hơn? Thì được trả lời rằng: "Tiền chỉ có thế, thì làm như thế!".  Thật khôi hài hết mức!

Cho đến bây giờ, hằng năm, số tiền Nhà nước đầu tư cho điện ảnh làm phim, như mọi người đã biết, cũng không hề nhỏ. Có phim lịch sử dự toán lên đến hàng trăm tỷ đồng, còn những bộ phim đã hoàn thành, tác dụng với người xem như thế nào, mọi người đã rõ. Về mặt tinh thần, điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật được Nhà nước vinh danh nhiều nhất, ngoài số Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, nhiều giải thưởng Nhà nước và ngay đợt đầu đã có nghệ sĩ được phong danh hiệu cao quý nhất - Giải thưởng Hồ Chí Minh, và đợt tiếp theo có tới 3 nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật đầu tiên được Nhà nước và Quốc hội đồng ý cho lấy ngày 15/3 là Ngày Điện ảnh Việt Nam.

Chỉ bằng vào những thực tế đã nêu trên, thiết nghĩ, những ai biết tôn trọng lẽ phải và sự công bằng, minh bạch, đã thấy được Nhà nước luôn luôn quan tâm và chưa bao giờ quên điện ảnh. Chỉ có điều, mọi sự khó khăn, bất lực, thậm chí cả việc "chạm đáy" của Điện ảnh Việt Nam hiện nay, ngoài những yếu tố khách quan của lịch sử, thì trước hết, những nghệ sĩ, những người làm điện ảnh Việt Nam cũng nên làm được cái việc tiền nhân đã dạy là "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", như lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hồ Anh Tuấn trong cuộc tọa đàm về thực trạng Điện ảnh Việt Nam hiện nay và giải pháp tháo gỡ tháng 10/2011 vừa qua: "Điện ảnh có tự mình vực dậy không? Phim không hay có phải cốt lõi cũng ở con người? Tinh thần rệu rã cũng có phải chúng ta không còn động lực? Và cú sốc của ngành cũng như hàng loạt vụ đắp chiếu phim, đắp chiếu máy móc cũng là do cách quan liêu, do đặt người không có "tâm và tầm" vào vị trí chủ chốt? Và thiếu đoàn kết, manh mún, thân ai nấy lo, cũng chẳng phải do chúng ta cả đó sao?".                                                                                 

 11/2011

Đinh Tiếp
.
.
.