Thất thoát phim

Thứ Năm, 29/07/2021, 12:30
Phim “Cánh đồng hoang”: 4,8 triệu lượt xem; phim “Biệt động Sài Gòn”: 5,7 triệu lượt xem; phim “Mùa gió chướng”: 4 triệu lượt xem… Đó là những ví dụ về độ thu hút của các phim Việt Nam kinh điển đang được đăng tải trên kênh youtube “Phim hay điện ảnh”, một kênh phim có bản quyền được quản lý bởi Công ty BHD.


Từ chính kênh youtube này, ta có thể đặt một câu hỏi về việc quản lý các tài sản trí tuệ của một thời bao cấp và sự lãng phí do thiếu sự quản lý sát sao ở thời đại mạng xã hội này.

Với số lượt xem của các phim được liệt kê ở trên, doanh thu từ youtube thực tế không hẳn là lớn, dao động ở mức độ vài chục triệu đồng cho mỗi đầu phim. Song, với những tác phẩm điện ảnh đã qua thời (tức là không còn nhiều cơ hội khai thác doanh thu chiếu rạp), việc có thể mang lại vài ngàn USD từ youtube cũng là một con số đáng kể. Hơn nữa, doanh thu (nếu có) ấy cũng là một tài sản thuộc sở hữu của đơn vị sản xuất trước đây mà chủ yếu là các xưởng phim quốc doanh.

Có những phim như “Số đỏ” vẫn được đăng tải tràn lan trên youtube mà người đăng tải không hề có quyền quản trị loại tài sản trí tuệ này. Đây là một thực trạng đáng buồn khi đa phần các hãng phim quốc doanh gần như bỏ quên các tác phẩm mà mình đã sản xuất từ nhiều năm về trước hoặc hãng phim đã được giải thể, bán lại, sáp nhập v.v và vv...

Việc tìm kiếm một đơn vị chuyên nghiệp để quản trị phim giống như cách BHD đang được uỷ quyền với các phim kinh điển cúa Xưởng Phim truyện Việt Nam là một điều hiếm hoi. Bản thân hành động ''uỷ trị'' này cũng xuất phát từ chính đề xuất của BHD khi hãng phim tư nhân này cảm thấy nguồn phim kinh điển Việt Nam vẫn có giá trị khai thác và cần được khai thác một cách hợp pháp, hợp xu hướng thời đại. 

Giả sử BHD không có động thái đề nghị được cấp quyền quản trị, có lẽ không ai ở Xưởng Phim truyện Việt Nam nghĩ tới chuyện được xem là nhỏ nhặt này. Cơ bản, người ta có xu hướng quan tâm đến cái mới và cho rằng cái cũ đã lạc hậu, chẳng còn sức hút nào. Hơn nữa, tình trạng ''cha chung không ai khóc'' cũng là thứ đáng bàn, bởi một cuốn phim cũ sẽ được xem không phải là tài sản của riêng ai, trách nhiệm của riêng ai.

Có rất nhiều sản phẩm sáng tạo Việt của thời bao cấp đang bị bỏ phí như thế và để cho những cá nhân khai thác lậu trên mạng xã hội. Con số vài chục triệu doanh thu cho một đầu phim, một đầu nội dung là quá nhỏ, nhưng nếu nhân với số lượng trôi nổi thất thoát thì nó không nhỏ chút nào. Nên nhớ, những tác phẩm ấy từng được đầu tư bởi ngân sách Nhà nước và doanh thu của nó cũng chính là một thứ công sản thực thụ.

Nhu cầu tìm lại các phim cũ để xem thực tế rất cao. Nó đến từ những hoài niệm của một thế hệ. Nó cũng đến từ nhu cầu nghiên cứu của những người làm nghề sau này. Tiếc thay, nhu cầu này chưa được đánh giá đúng mức bởi chính những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, trong khi nhìn nhận của những đơn vị tư nhân chuyên nghiệp (như BHD) thì lại rất khác.

Việc BHD đang quản trị rất tốt kho phim Việt kinh điển mà họ được cấp quyền chắc chắn nên là một mẫu hình để những hãng phim quốc doanh nghiên cứu học hỏi. Trước thực trạng thị trường điện ảnh hiện nay chủ yếu được khai thác bởi các hãng phim tư nhân và sự góp mặt của hãng phim quốc doanh gần như là con số không, quản trị hoặc uỷ quyền quản trị kho nội dung của mình có lẽ nên là nhiệm vụ hàng đầu để tránh tình trạng thất thoát lợi ích từ những tác phẩm mà Nhà nước từng phải đầu tư rất nhiều.

Văn Đoàn
.
.
.