Sân khấu truyền thống đi về đâu?

Thứ Tư, 19/01/2005, 18:00

Hơn 20 năm trước, nghệ thuật sân khấu dân tộc đạt đến sự hưng thịnh cả về số lượng, chất lượng tác phẩm và khán giả, thì giờ đây, kịch trường lại phải đối mặt với cảnh đìu hiu. Những người tâm huyết với nghệ thuật sân khấu hết sức âu lo về sự mai một của nó bởi đây là tinh hoa văn hóa dân tộc đã tồn tại và phát triển theo bao biến thiên của lịch sử...

Nghệ thuật sân khấu dân tộc (NTSKDT) có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng sau Cách mạng Tháng Tám, các loại hình sân khấu mới được hình thành đầy đủ và mang tính chuyên nghiệp, gồm 7 kịch chủng: chèo, tuồng, cải lương, rối, xiếc, kịch dân ca, kịch nói. Không ai biết chính xác thời điểm ra đời của từng loại hình, nhưng chắc chắn chèo, tuồng có lịch sử lâu đời hơn cả với những vở diễn kinh điển: Quan Âm Thị Kính, Súy Vân (chèo), Nghêu-Sò-Ốc-Hến (tuồng)… Vào đời Lê đã hình thành bộ môn sân khấu nên Bộ luật Hồng Đức mới có điều khoản cấm con cái nhà quan lấy đào kép. Tuồng phát triển huy hoàng nhất vào thời Nguyễn, được coi như quốc kịch. Vua Minh Mạng trực tiếp chỉnh sửa nhiều vở, còn quan Thượng thư Đào Tấn cũng sáng tác tuồng. Được nhìn nhận là hiện đại, nhưng theo chân người Pháp, kịch nói cũng đã có từ khoảng 1910-1913, tức là trước cả cải lương và kịch dân ca.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi đất nước bề bộn bao vấn đề thời hậu chiến, sân khấu vụt bừng nở hàng loạt vở diễn nhanh chóng đi vào tâm thức khán giả như Nhân danh công lý (Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm), Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ), bộ ba chèo Bài ca giữ nước (Tào Mạt), đặc biệt là vở Đêm trắng (Lưu Quang Hà) tái hiện tình huống Bác Hồ phải ký án tử hình một cán bộ thoái hóa, làm tổn hại lòng tin của nhân dân với Đảng. Người xem tìm thấy ở sân khấu điều mình muốn nói và muốn nghe, là nơi giải thoát ẩn ức. Mang tính dự báo, sân khấu đã tạo nên sự giao cảm sâu sắc giữa người diễn và người xem trong từng vấn đề xã hội, trở thành ngọn nguồn sáng tạo cho những kịch phẩm đỉnh cao. Vì thế, dòng người tri âm nườm nượp đến với sân khấu.

Nhưng, khi giai đoạn kinh tế khó khăn qua đi thì lại là lúc NTSKDT bước vào cảnh gian nan trên con đường tìm đến người xem, dù đó là những vở kinh điển như Vũ Như Tô, Vụ án Lệ Chi Viên v.v… Dẫu thứ bảy hằng tuần, tại rạp Hồng Hà, Nhà hát tuồng Trung ương vẫn đều đặn diễn miễn phí những vở vốn rất được ưa chuộng: Nghêu–Sò–Ôc–Hến, An Tư công chúa, Nữ tướng Đào Tam Xuân v.v… mà người xem vẫn ơ hờ! Hầu hết các đơn vị NTSKDT đều phải nhường “thánh đường sân khấu” cho nhạc trẻ và hài kịch, để về các vùng miền xa xôi – nơi các phương tiện thông tin, giải trí còn hạn chế – mới tìm được tri âm.

Sự chen chân đến từng nhà của công nghệ thông tin, giải trí đã cho công chúng nhiều lựa chọn. Trong khi đó, cơ chế quản lý lỗi thời đã không kích thích sân khấu phát triển, cộng với nhiều yếu tố chủ quan đã chung tay “đẩy” khán giả xa rời loại hình nghệ thuật vốn được yêu mến hàng trăm năm.

Điều đầu tiên mà hầu như các đơn vị nghệ thuật đều lên tiếng là tình trạng thiếu kịch bản, dẫu hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu vẫn tổ chức các trại sáng tác ở cả hai miền. Thực ra, tác phẩm không ít, nhưng số sử dụng được chưa nhiều. Những vở diễn có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội ngày một vắng bóng. Việc khai thác đề tài lịch sử chưa có gì sáng tạo. Một số tài năng không bứt lên được chính mình. Số biên kịch được khẳng định đếm  trên đầu ngón tay: Xuân Yến, Văn Trọng Hùng, Lê Duy Hạnh (tuồng), Hoài Giao, Trần Đình Ngôn (chèo), Nguyễn Khắc Phục (kịch nói) v.v… nên đã có hội diễn mà tới vài vở diễn của các đoàn đều chung một tác giả, như thể tác giả tự thi kịch bản với… chính mình!

Nhưng cũng cần nói đến trình độ thẩm định kịch bản mới thật công bằng, khi có những vở diễn mang dấu ấn như Cát bụi (Triệu Huấn) mà NSƯT Xuân Huyền đưa đi rất nhiều đoàn đều bị từ chối. Cho đến khi Nhà hát Kịch Hà Nội “dũng cảm” dựng thì chỉ chưa đầy hai tháng công diễn đã thu khoảng 400 triệu. Hội Sân khấu Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội đã phải tổ chức tọa đàm về vở diễn!

Hoạt động đạo diễn cũng chưa tạo được cú hích cho sân khấu. Nhiều năm rồi mà dường như bao biến động bể dâu của xã hội chẳng mấy tác động vào sân khấu, nên mô típ xưa cũ vẫn in dấu. Ngoảnh đi ngoảnh lại, vẫn chỉ tên tuổi mấy đạo diễn gạo cội Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền và Lê Hùng v.v… chứ nào đã thấy lấp lánh tài năng trẻ chuẩn bị cho một chặng đường bứt phá?

Cơ chế thị trường khiến diễn viên phải đối mặt với không ít khó khăn. Không phải vở diễn nào cũng đông khán giả như: Quả báo, Khoảnh khắc mong manh,  Người đàn bà uống rượu... (Hữu Ước). Làm sao có thể yên tâm với nghề khi mỗi đêm diễn, vai chính chỉ được thù lao 30.000 đồng, còn vai phụ 10.000 - 20.000 đồng! Đấy là Trung ương, chứ ở địa phương, một đêm diễn chỉ từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/vai! Sự bươn chải buộc họ chấp nhận ước mơ đơn giản với những tác phẩm nghệ thuật không có gì cao cả và neo bớt trí tưởng tượng, sự bay bổng, yếu tố cần thiết khi lên sàn diễn, vào cái bến sinh tồn.

Đã vậy, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng chưa năng động tiếp thị giữa bối cảnh các phương tiện thông tin giải trí đã len lách từng nhà để tìm “thượng đế”. 

Những lý do trên cộng hưởng đã kéo khán giả xa rời NTSKDT. Nếu không sớm tìm ra hướng đi mới, khắc phục rào cản đang có, thì cứ đà này, sân khấu truyền thống sẽ đi về đâu? Việc thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng là xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ ra sao, khi những di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một dần?

Người trong cuộc nói gì?

Nghệ sĩ ưu tú Quốc Chiêm - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội:  “Trước hết, nghệ thuật phải là nghệ thuật”.

- Thưa ông, là một nghệ sĩ, đồng thời lại là người làm công tác quản lý, ông nghĩ gì về tình hình sân khấu truyền thống (SKTT) hiện nay?

- SKTT đang cần một tầm nhìn chiến lược để lưu giữ và phát triển. Cần khai thác những vở diễn kinh điển, các giai điệu ở các nghệ nhân, vùng miền, nhưng cũng phải sáng tạo cái mới. Xưa các cụ còn “bẻ làn nắn điệu”, tức là có cải biên, chứ đâu phải chèo là cứ cổ mãi!

- Vấn đề nan giải nhất của Nhà hát Chèo Hà Nội hiện có phải là kịch bản? Trở ngại này có phải là điều khó khắc phục không thưa ông?

- Các đơn vị nghệ thuật hiện đều ở tình trạng “ăn đong” kịch bản. Những người viết chèo xưa đều đã cao tuổi, còn lại mấy ai: Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, còn đa số viết kịch nói hoặc kịch bản văn học rồi chuyển thể. Mà, kịch bản phải được viết từ tâm hồn người sáng tác thì mới hay, mới có tính xã hội.

Chúng tôi vượt lên trở ngại bằng việc khai thác các vở, tích và điệu chèo cổ trong dân gian để dàn dựng những kịch bản ngắn. Hằng năm, Nhà hát vẫn dựng vở lớn và là đơn vị đi tiên phong về chèo hiện đại. Sự tìm tòi, thể nghiệm được thể hiện đồng bộ, từ trang phục, thiết kế đến âm nhạc và diễn xuất. Cải biên song vẫn giữ được cội nguồn dân tộc.

- Kéo gần hơn sự hiểu biết giữa người xem và nghệ sĩ là một tiêu chí và cách làm mới, rất hay của Nhà hát. Hiệu quả của nó thế nào thưa ông?

- Cứ trách khán giả chẳng đến xem chèo, nhưng không giới thiệu cái hay, cái đẹp của chèo và giải thích cụ thể thì làm sao người ta hiểu được. Để có khán giả trẻ, chúng tôi thấy rằng, cần cho học sinh tiếp cận với văn học dân gian để các em hiểu được cái hay cái đẹp của chèo. Vì thế, Nhà hát chèo Hà Nội đã phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng được một đĩa CD giới thiệu nghệ thuật chèo đưa về các trường. Bằng cách đó, Nhà hát đã đưa được chèo vào cả các tỉnh phía Nam.

- Nhà hát Chèo Hà Nội là một trong không nhiều đơn vị luôn tiên phong trong cải biên chèo, đồng thời, cũng luôn thu hút được khán giả trong bối cảnh SKTT vắng vẻ. Điều đó có phải là bí quyết không và ông có vui lòng cho bạn đọc biết thêm điều đó?

- Trước hết, nghệ thuật phải là nghệ thuật: tác phẩm hay và diễn viên giỏi. Trung tâm sân khấu là diễn viên, nên không có ngôi sao, không bao giờ có khách. Vai trò ngôi sao là quan trọng, nên để có được Xuân Hinh, Quốc Anh, Thu Huyền, Thúy Mùi… chúng tôi phải xây dựng cơ chế thu hút và đãi ngộ. Nghệ thuật mà đồng đều sẽ không có nhân tài. Trân trọng sao, nhưng cũng quý trọng diễn viên phụ và diễn viên múa. Nghệ sĩ đều có sở trường, sở đoản, quan trọng là phát huy được sở trường của họ. Để ngăn chặn “bệnh sao”, mỗi vai diễn chúng tôi thường có 2-3 diễn viên, thậm chí, giám đốc cũng có thể diễn thay!

Chúng tôi quan niệm khán giả là thượng đế nên phải tôn trọng họ từ câu hát, lớp diễn và cả ngoài đời. Tôi thường dặn dò diễn viên rằng: mỗi đêm diễn là một lần sáng tạo, không bao giờ được lặp lại. Dù diễn vở hay trích đoạn, đều phải cho người xem thưởng thức một đêm chèo thi vị: khán giả thích hài, chúng tôi diễn hài, thích hát dân ca được nghe dân ca. Bí quyết này cũng là học từ chiếu chèo của các cụ!

- Nhà hát chèo Hà Nội được nhìn nhận là đơn vị mạnh dạn về cách tiếp thị. Bạn đọc có thể tìm hiểu một chút về cách tiếp thị đó?

- Chúng tôi chủ động đi tìm khán giả. Tìm hiểu để biết tỉnh này, địa bàn này mỗi năm có bao nhiêu lễ hội, ở thời điểm nào. Hàng năm chúng tôi mở hội nghị khách hàng, để biết họ cần gì và không cần gì! Đặc biệt, tới đây Nhà hát sẽ có salon chèo, dành cho người yêu chèo có thu nhập cao, để hát những điệu chèo cổ theo lối hát mộc...

- Xin cảm ơn ông và chúc Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp tục thành công với phương thức năng động của mình!

Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Khiềm - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: “Quan trọng là tránh cơ chế bình quân”

- Thưa ông, trong bối cảnh có nhiều loại hình nghệ thuật nở rộ và công nghệ tiếp thị ngày càng hiện đại, nghệ thuật tuồng có còn được khán giả đón nhận như trước?

- Diễn tuồng ở Hà Nội vẫn có người xem, nhưng chỉ là vé mời, chứ bán thì… khó! Người xem muốn hướng tới cái mới lạ, trong khi tuồng phải đi theo định hướng với nhiệm vụ giữ gìn bản sắc, kế thừa và phát triển nghệ thuật mà cha ông đã xây dựng từ nhiều thế kỷ.

Ấn tượng ban đầu của khán giả là yếu tố quan trọng. Tuồng là bộ môn nghệ thuật mà khán giả phải hiểu mới xem được. Nhưng hiện khán giả chưa hiểu đã ngoảnh mặt thì làm sao thích được? Có những người giữ vai trò quyết định việc tổ chức biểu diễn của chúng tôi ở địa phương còn nghi ngờ hiệu quả của tuồng, thì đó còn là khó khăn của chúng tôi.

- Điều làm nên rào cản phát triển của nghệ thuật tuồng hiện nay là yếu tố đạo diễn, kịch bản hay diễn viên, thưa ông?

- Về đạo diễn chúng tôi không ngại lắm, tác giả mới quan trọng. Những người trụ lại với tuồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kịch bản thiếu nên tạo được tiết mục mới là khó. Chúng tôi phải phục hồi những vở diễn đã mấy chục năm để phục vụ khán giả. Tạo ngôi sao trên sân khấu là điều quan trọng để thu hút khán giả, nhưng sân khấu tuồng chưa có được vì cơ chế bình quân. Sự bất cập này khiến nghệ sĩ không tâm huyết với nghề và không phát huy được tài năng. Đã vậy, tạo nguồn ở tuồng rất khó khăn, vì ít gia đình cho con dấn thân vào môn nghệ thuật mà nói thì cao quý nhưng tương lai danh vọng hay kinh tế đâu có gì?

- Theo ông, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống này cần tăng cường sự đầu tư, cải tiến cơ chế quản lý hay một điều gì khác quan trọng hơn?

- Nghệ thuật muốn tồn tại phải có khán giả. Để khán giả trẻ hiểu và chấp nhận, phải đưa tuồng vào nhà trường, để trẻ hiểu cái hay của nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút người tài như học sinh học tuồng được học bổng và có biên chế. Các đơn vị nghệ thuật rất cần một cơ chế điều hành hoàn toàn mới để thúc đẩy phát triển cùng chế độ đãi ngộ nghệ sĩ và tạo khán giả, để nghệ thuật biểu diễn trở lại quy luật bình thường.

- Nhiều đơn vị nghệ thuật phía Nam đã thành công với phương thức ký hợp đồng mùa vụ để tránh gánh nặng quản lý cồng kềnh, ông có đồng ý với cách làm này?

- Với các bộ môn khác thì được, nhưng tuồng thì không! Rời bỏ môi trường mà không hoạt động sẽ bị mai một ngay. Theo tôi, để thúc đẩy phát triển, quan trọng là cần có chế độ phân phối lương hợp lý: người giỏi và người không giỏi phải có sự khác nhau.

- Xin cảm ơn ông

.
.
.