"Cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin"
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 3 vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; "Đừng nói một đường làm một nẻo, nói trống rỗng, không thấm vào tim, vào gan vào ruột mình biến thành hành động thì không phải là học Bác". Tổng Bí thư khẳng định: "Cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin". Đây là lời nhắn nhủ mà Tổng Bí thư muốn gửi đến đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên giữa việc học và hành, tức vừa phải học, vừa phải làm, làm những gì như đã nói.
Bác Hồ cuốc đất trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu |
Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là ở chỗ, nói luôn đi đôi với làm, dù việc lớn hay việc nhỏ, tự mình phải làm gương trước. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nạn đói vẫn đe dọa, với cương vị Chủ tịch nước, Bác kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi thực hành trước, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo…”. Trong thời điểm đó, Tiêu Văn - Trung tướng trong quân đội Tưởng Giới Thạch mời chiêu đãi Bác đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để cứu đói. Khi bác dự tiệc về, anh em báo cáo với Bác rằng phần gạo của Bác đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi. Vậy mà Bác vẫn quyết định “nhịn bù” một bữa vào ngày hôm sau.
“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Theo lời dạy của Bác, khi cán bộ không nêu gương thì tất yếu đạo đức xã hội sẽ xuống cấp và sự giả dối sẽ có dịp “lên ngôi”.
Quả thật gương mẫu là việc nói thì dễ, nhưng làm được là rất khó. Bởi vừa phải “làm gương” và vừa phải “làm mẫu”. Rất nhiều lãnh đạo hiện nay thiếu 1 trong 2 yếu tố trên, thậm chí, có người không chỉ vừa thiếu ý thức “làm gương” mà còn thiếu luôn khả năng “làm mẫu”.
Làm gương có thể giả tạo, qua mắt được mọi người bằng cách: Bề ngoài luôn tỏ ra niềm nở, chân tình với mọi người, đi xuống địa phương thì luôn nói tới tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, nhưng bản thân thì tiếp tay cho các đối tượng tham nhũng, cất nhắc, bổ nhiệm con cái vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, xây dựng “sân sau” để nhận thầu các dự án kiếm lời… Nhà cửa, xe sang thì mua giấu ở chỗ khác.
Làm mẫu thì buộc phải thật, không phải cứ xông ra trước, hô hào, dạy dỗ là đủ, mà khi làm mẫu, người cán bộ lãnh đạo phải bắt tay vào công việc, làm tốt hơn cả nhân viên của mình về cả mặt chuyên môn và hiệu quả mới được. Chứ không chỉ làm qua loa, làm chiếu lệ cho xong, rồi bảo “các đồng chí cứ thế mà làm theo” thì dẫn đến đổ vỡ và sai toàn hệ thống từ trên xuống dưới là điều hiển nhiên.
Thực tế cho thấy nhiều cán bộ lãnh đạo đã không làm theo đúng những gì mình nói, thậm chí còn nêu gương “giả” đã khiến người dân bức xúc. Có vị lãnh đạo nói rất hay, rất “thuộc bài”, nhưng đến đâu cũng một “bài” như thế; suốt cả nhiệm kỳ, vị này chẳng làm được việc gì đáng kể cho ngành, cho địa phương.
Trong thời điểm hiện tại, cán bộ, công chức học và làm theo Bác được hiểu một cách đơn giản là phải thực hiện dân chủ, khách quan, phải tôn trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; công tâm trong công việc, có trách nhiệm cao, quyết tâm làm việc, kể cả với việc mới, việc khó; nghiêm khắc với bản thân, dám công khai tài sản, thu nhập để nhân dân giám sát và dám đấu tranh mạnh mẽ để chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái, "tự diễn biến", ''tự chuyển hóa" mà ở đây là làm thật chứ không làm giả.
Trong lúc này, nhân dân luôn mong đợi, trông chờ vào việc nêu gương của cán bộ, đảng viên thông qua những việc làm ích nước, lợi dân mà mắt thấy, tai nghe và mọi người đều có thể học được, chứ không cần những việc làm quá cao xa. Quả thật nêu gương rất khó, nhưng cán bộ, đảng viên “Cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin”.
Không chỉ người dân mà công chức, viên chức Nhà nước cũng rất mong được nghe, được thấy những việc làm sống động, tận tụy với công việc của cán bộ lãnh đạo, của người đứng đầu. Bởi đây sẽ là những nhân tố tích cực, có sức lan tỏa mạnh và ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội.
“Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, chứ đừng để “Ở trên mà chẳng chính ngôi/ Để cho ở dưới chúng tôi hỗn hào”. Chuyện “gương mẫu” rất đời thường, ai cũng có thể làm được nhưng để thực sự luôn là người gương mẫu thì chẳng dễ chút nào.
Chưa có ai chỉ bằng “lời nói” mà trở thành gương mẫu. Xưa nay chỉ có những người qua hành động, lao vào công việc, lăn lưng ra làm mới trở thành gương mẫu.