Văn hóa - Nguồn lực và động lực

Thứ Năm, 15/04/2021, 08:42
Trong tuần qua, các hoạt động của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đều thể hiện quyết tâm xây dựng đất nước thông qua việc xác định các mục tiêu cơ bản và cụ thể.


Đó không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước đặt ra mà còn là tâm nguyện của quần chúng nhân dân, trong đó phải kể đến vấn đề văn hóa và con người. 

Trong bài phát biểu của mình, tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra 5 mục tiêu cụ thể. Trong đó, nguồn lực văn hóa con người (mục tiêu thứ 5) được nêu rõ: "Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…" (theo Báo Lao động).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc… Có lẽ phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa… Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 13, tr. 190). 

Trong quan niệm của Bác, văn hóa vừa là truyền thống, bản sắc, là khát vọng độc lập dân tộc vừa là nền tàng của tiến bộ phát triển. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta đã tiến hành các cuộc chiến tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, giành toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sinh mệnh của nhân dân, bảo vệ nền văn hóa được xây dựng từ cha ông. 

Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ văn hóa truyền thống trở thành một sản phẩm văn hóa.

Bước  sang thời kì đổi mới, những chính sách cải cách, đổi mới kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước ta cũng dựa trên tinh thần dân chủ, nhân văn như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: "Khơi dậy; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiếu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam" (Theo VOV.vn).

Như chúng ta đã biết, rất nhiều xung đột vũ trang trên thế giới bắt nguồn từ nguyên nhân liên quan đến lịch sử, dân tộc, đạo đức, truyền thống tôn giáo… cho thấy một sự phát triển thiếu bền vững. Bởi thế, trước nguy cơ bị hủy hoại các giá trị đạo đức, xâm phạm tới niềm tự hào dân tộc giữa các cộng đồng đã nảy sinh mâu thuẫn. 

Nhà nghiên cứu chính trị và chiến lược người Mỹ, Samuel Phillips Huntington (ông từng là Chủ tịch Hội Khoa học chính trị Mỹ) cho rằng: "Chiến tranh lạnh kết thúc trở đi sẽ không còn là hệ tư tưởng, cũng không còn là nguyên nhân kinh tế mà nguồn gốc quan trọng nhất chia rẽ các dân tộc, các quốc gia sẽ là các xung đột về văn hóa" (theo Tạp chí Cộng sản).

Sự đầu tư cho văn hóa, con người không chỉ góp phần tạo sự ổn định chính trị, xã hội mà chính bản thân lĩnh vực này cũng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Một ví dụ cụ thể, các ngành công nghiệp văn hóa ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Ở Việt Nam, tuy còn mới mẻ nhưng công nghiệp văn hóa đã được xác định bằng tầm nhìn chiến lược. 

Trong báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa" (theo Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 130). Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2015 các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp khoảng 8,039 tỷ USD, chiếm gần 2,68% GDP cả nước (theo Tạp chí Tuyên giáo).

Các giá trị văn hóa truyền thống cần được gìn giữ, gạn lọc làm điểm tựa cho văn hóa đương đại.

Từ những cơ sở lý luận và con số thực tế vừa nêu trên, chúng ta có thể nhận diện nguồn lực văn hóa ở những điểm:

1. Nguồn lực văn hóa nếu được phát huy tốt sẽ đóng góp vào các hoạt động xã hội với tinh thần tự giác. Nhìn vào những hoạt động như: cây ATM gạo, tặng khẩu trang trên đường hay góp thực phẩm cứu trợ người dân vùng lũ… chúng ta tự hỏi tất cả những điều đó xuất phát từ đâu? Đằng sau tấm lòng nhân ái phải là một nền tảng văn hóa từ truyền thống, từ sự đồng lòng qua các cuộc chiến tranh; tinh thần sáng tạo trong thời kì đổi mới… Chính những giá trị thẩm mỹ nhân văn của lịch sử, của văn học nghệ thuật, từ các phóng sự báo chí… đã góp phần hình thành sự cảm thông, chia sẻ trân trọng trong mỗi con người. "Nghĩa đồng bào" vừa là nét đẹp, vừa là một nguồn lực được phát huy mạnh mẽ trước những khó khăn, thách thức…

2. Nguồn lực văn hóa không chỉ là sức mạnh tự cường, giúp thanh lọc tâm hồn mà còn góp phần ổn định chính trị. Các giá trị tinh thần như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, độc lập tự chủ… cũng chính là nét đẹp được kế thừa, được phát huy mang giá trị văn hóa lịch sử. Điều này trở thành một "sức đề kháng" đặc biệt, một sức mạnh bảo vệ tư tưởng, tình cảm con người Việt Nam trước những mưu đồ của các thế lực thù địch… Trên mặt trận an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn nước, sử dụng các vũ khí sinh thái, khủng bố, dịch bệnh, di cư tự do, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… các giá trị văn hóa tốt đẹp ẩn chứa trong nhân cách sẽ tạo ra sự đoàn kết, chung lòng, cùng khắc phục và vượt qua để giúp xã hội ổn định và phát triển.

3. Thiết nghĩ, khoa học, công nghệ có thể giúp tăng năng suất lao động, giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, đem lại lợi nhuận lớn; công nghệ phát triển có thể đem lại tiện ích giúp chúng ta, giảm  bớt những hệ lụy phiền phức. Tuy nhiên, tất cả những lợi ích đó cuối cùng cũng chỉ để giúp con người dư dả về vật chất, sức lực, thời gian để sống có chất lượng, có trách nhiệm với đất nước, với quê hương, với bản thân… 

Hay nói cách khác, để sống có văn hóa hơn bởi văn hóa chính là chất lượng sống của con người, mọi sự phát triển cũng đều nhằm nâng cao chất lượng sống ấy: "Mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững, đó là phát triển con người, tăng trưởng kinh tế cũng là để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về vật chất và tinh thần của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng. Hiểu theo nghĩa này, phát triển văn hóa chính là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là một trụ cột của phát triển bền vững" (theo GS Ngô Thắng Lợi, Tạp chí Cộng sản).

Văn hóa là động lực, nguồn lực; văn hóa là ngành công nghiệp đem lại nguồn thu nhưng cũng là giá trị cốt lõi của quốc gia, dân tộc. Bởi thế văn hóa vừa là một sự nghiệp cần liên tục được bồi đắp, kiến tạo nhưng cũng cần trở thành thói quen, thành ý thức thường trực trong suy nghĩ của mỗi người. Để trở thành một quốc gia hùng cường có nền văn hóa rực rỡ trước hết phải bắt đầu từ cách sống có chất lượng văn hóa của mỗi người. 

Sống văn minh, nhân ái, sống có kiến thức khoa học, có sự lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng là cách góp một phần nhỏ bé của mình vào di sản chung của dân tộc, vào tài sản văn hóa tinh thần của đất nước. Phải chăng, đó là cách mỗi người dân tự nâng tầm cuộc sống cho mình bằng một nguồn lực sẵn có, bằng một động lực mạnh mẽ, quyết liệt nhất.

Lâm Việt
.
.
.