Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

Thứ Hai, 09/10/2017, 08:20
Nhiều người cho rằng, sở dĩ tình trạng vi phạm quyền của nghệ sĩ biểu diễn tràn lan như vậy là vì lâu nay ở Việt Nam hiện mới có 2 tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan đến âm nhạc là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) - quản lý quyền của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Chưa có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn...


Tràn lan vi phạm

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện chúng ta có khoảng 15.000 người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn âm nhạc. Điều đó cho thấy sự sôi động và nhộn nhịp của thị trường này. Sự phát triển như vũ bão của đời sống âm nhạc, bên cạnh việc gia tăng một số lượng lớn ca sĩ cũng kéo theo không ít bát nháo, lùm xùm. Tình trạng "xài chùa" ca khúc, quỵt tiền cát xê hay sử dụng hình ảnh ca sĩ, nghệ sĩ vào mục đích thương mại không xin phép vẫn thường xuyên diễn ra. Trong đó, tình trạng sử dụng ca khúc không xin phép ca sĩ phổ biến và tràn lan nhất hiện nay.

Tháng 6 - 2016, ca sĩ Thanh Duy đã lên tiếng tố cáo chương trình chung khảo phía Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã sử dụng ca khúc độc quyền "Tonight" của anh để biểu diễn mà không xin phép. Nhạc sĩ Phạm Trần Phương cũng không tránh khỏi bức xúc khi gameshow "Bạn có thực tài" đã tự ý sử dụng ca khúc "00.00" của anh khi chưa nhận được sự đồng ý của anh.

Cách đây không lâu, ca sĩ Thái Thùy Linh đã tuyên bố trên một tờ báo là sẽ khởi kiện các đơn vị sử dụng CD "Bộ đội" mà không có sự chấp thuận của cô cũng như không trả thù lao cho cô. Điều đáng nói là mặc dù Thái Thùy Linh tuyên bố như vậy nhưng dường như không một đơn vị nào... quan tâm. Trên các website âm nhạc vẫn nhan nhản CD này. Nhạc sĩ Giáng Son cũng đã từng bức xúc khi ca khúc "Thu cạn" bị xài chùa trong chương trình "Sao Mai điểm hẹn 2011"...

Không chỉ sản phẩm âm nhạc của ca sĩ bị sử dụng không phép tràn lan, hình ảnh của ca sĩ, nghệ sĩ cũng bị tự ý đem ra sử dụng khiến họ vô cùng bức xúc. Mới đây, vợ chồng nghệ sĩ Mỹ Linh - Anh Quân rất khó chịu khi một website mạo danh và lấy hình ảnh vợ chồng nghệ sĩ này để quảng cáo cho thuốc chống... ngáy.

Theo đó, website này đã có một bài viết nói về loại dược phẩm này mà vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh tin dùng theo cách là sử dụng lời kể của ca sĩ Mỹ Linh. Điều khiến vợ chồng nghệ sĩ này bức xúc vì cả Mỹ Linh và Anh Quân đều không cung cấp hình ảnh, thông tin cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào để quảng cáo sản phẩm.

Ca sĩ Mỹ Tâm (bên phải) là một trong số ít ca sĩ tuyên chiến với nạn xài chùa ca khúc.

Trước đó, MC, diễn viên Đan Lê đã quyết tâm kiện một công ty chăm sóc sắc đẹp tại Hà Nội đã dùng hình ảnh cô mà không xin phép và còn thách thức cô nhiều lần. Chuyện những nghệ sĩ bị những sử dụng hình ảnh không xin phép thì nhiều vô cùng. Hoa hậu Phạm Hương bị một đơn vị kinh doanh thuốc trị hôi nách lấy làm hình ảnh đại diện, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh thì chế ảnh vì mục đích bán sim điện thoại, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị lấy ảnh để quảng cáo cho hiệu cắt tóc...

Nhiều người cho rằng, sở dĩ tình trạng vi phạm quyền của nghệ sĩ biểu diễn tràn lan như vậy là vì lâu nay ở Việt Nam hiện mới có 2 tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan đến âm nhạc là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) - quản lý quyền của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Chưa có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn.

Tùy từng vụ việc cụ thể mà nghệ sĩ quyết định xử lý vụ việc của mình như thế nào. Có rất ít người như ca sĩ Mỹ Tâm đã quyết định kiện một số đơn vị sử dụng giọng hát của cô để kinh doanh sinh lời mà không trả tiền thù lao.

Được biết, Mỹ Tâm thuê một công ty luật đại diện và cuối cùng, cô cũng thu về được khoảng 1 tỷ đồng. Cũng không nhiều người sử dụng cơ quan thẩm quyền đòi quyền lợi cho mình như diễn viên Đan Lê. Phần lớn các nghệ sĩ lên tiếng rồi cũng xuê xoa cho qua bởi dẫu có thắng kiện thì cũng mất khá nhiều thời gian, công sức.

Chính vì vậy, sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) do NSND Thanh Hoa làm Chủ tịch thực sự là một tin vui với các nghệ sĩ. Tất cả các nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hoặc Việt kiều được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam đều có thể trở thành hội viên. Nghệ sĩ là hội viên sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế với số tiền thu từ các đơn vị trong nước như Đài truyền hình, Đài phát thanh, khách sạn, vũ trường, các website âm nhạc thông qua hợp đồng cấp phép biểu diễn hoặc việc sử dụng sản phẩm của họ.

Phía APPA cho rằng, thật ra, đối với nghệ sĩ hiện nay vấn đề nổi cộm là quyền dân sự, chứ không hẳn là quyền nghề nghiệp. Ví dụ như quyền tự do cá nhân liên quan đến vấn đề riêng tư, đến bí mật cá nhân, quyền được phát ngôn hay từ chối phát ngôn... Sự ra đời của APPA cùng với sự hoàn thiện các hệ thống pháp luật khác liên quan đến tác quyền hy vọng sẽ góp phần khiến cho môi trường nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp và lành mạnh hơn.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam: Hệ thống tổ chức đại diện quyền tác giả còn chưa đầy đủ và thiếu chuyên nghiệp

Trong những năm gần đây, chúng ta tiếp tục hội nhập thương mại giữa Việt Nam và các khối đa phương, chính vì thế quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu trí tuệ là một trong những điều kiện bắt buộc. Để từng bước hội nhập được như vậy, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền liên quan không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đáp ứng với tiêu chuẩn của quốc tế đặt ra, đặc biệt trong khuôn khổ WTO.

Bên cạnh sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, cho đến nay có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong việc chuyển tải hệ thống pháp luật Việt Nam tương đối hoàn thiện và tương thích với các điều ước quốc tế.

Hiện tại chúng ta đã có 5 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV); Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC); Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (Viettro) và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).

Bên cạnh kết quả bước đầu, trong thực tế áp dụng, hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả còn chưa đủ mạnh, chưa chuyên nghiệp. Trong tổ chức thực hiện còn xảy ra một số bức xúc trong dư luận. Chưa thể hiện được tính công khai, minh bạch, ảnh hưởng phần nào đến uy tín, tinh thầ,  niềm tin của hội viên và các tổ chức khai thác sử dụng tác phẩm. Chính vì thế, những quy định này sẽ tiếp tục  được điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, những khó khăn này không phải chỉ Việt Nam mới gặp mà có ở tất cả các quốc gia khi hình thành tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, khi tiến hành thu tác quyền. Ở đất nước có nền giải trí phát triển như Hàn Quốc cũng cần có thời gian để tháo gỡ những vướng mắc đó để hướng tới sự chuyên nghiệp.

Tôi cho rằng, phải bảo vệ hài hòa 3 lợi ích: quyền của chủ thể sáng tạo (trong đó có nghệ sĩ biểu diễn), những tổ chức khai thác, sử dụng và quyền của công chúng. Ví dụ người biểu diễn có quyền duy nhất, bất di bất dịch với buổi biểu diễn của mình. Trong trường hợp nhà tổ chức là người đầu tư tài chính thì hai bên phải ký với nhau 1 hợp đồng thỏa thuận về bản quyền của chương trình ấy. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng quá trình phát triển, hệ thống pháp luật Việt Nam thường xuyên được sửa đổi để  hơn.

Về nguyên tắc, nghệ sĩ biểu diễn có quyền thu tác quyền. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đều "kêu" với tôi rằng đi đòi quyền này khó quá. Giờ đây, Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam đã ra đời sẽ là điều kiện thuận lợi nhất để các nghệ sĩ biểu diễn đòi công bằng cho mình. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia để có những thể chế khác nhau. Nhưng, chúng tôi có thể khẳng định về quy định, chính sách pháp luật hiện nay đủ để APPA thực thi bảo vệ quyền lợi cho các hội viên

Về việc truyền thông, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với APPA tổ chức các hội nghị ra mắt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các diễn đàn khác để nâng cao nhận thức về bản quyền của người nghệ sĩ. Về việc đào tạo, liên quan đến nhân lực của APPA, để APPA tồn tại và phát triển được thì phải có hội viên, hội viên phải có tài sản là chương trình biểu diễn được khai thác sử dụng. Trong thời gian qua, APPA đã nỗ lực thực hiện được điều này dưới sự chỉ đạo của đơn vị chức năng.

Ngoài ra, chúng tôi đã hoàn thành phần mềm lưu giữ cơ sở dữ liệu quốc gia quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có các chương trình biểu diễn thuộc đối tượng quản lý của APPA. Nếu ứng dụng phần mềm này cùng một số hệ thống khác thì sẽ giải quyết được một sự vướng mắc là sự công khai, minh bạch từ đầu thu đến đầu phân phối.

Ca sĩ Phương Anh: Cần quan tâm tới các nghệ sĩ hoạt động tự do

Là nghệ sĩ biểu diễn, đứng trên sân khấu nhiều năm qua, tôi có nghe nói tới Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên vì khá bận rộn nên chưa có thời gian tìm hiểu kỹ những tiêu chí để có thể trở thành hội viên.

Tôi cho rằng, lâu nay các nghệ sĩ biểu diễn vẫn thường làm việc thông qua uy tín của nhà sản xuất và sự tin tưởng nhau là chính. Chính vì vậy, không thể tránh khỏi những tình trạng nghệ sĩ bị quỵt cát xê hoặc không được trả đúng thời hạn cũng như giá thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Ngày mới vào nghề, tôi cũng đã từng rơi vào tình trạng bị “bùng” cát xê.

Phần lớn khi rơi vào trường hợp đó, nếu đã cố gắng liên lạc mà phía nhà sản xuất, đơn vị cá nhân sử dụng sản phẩm của mình không trả thì cũng đành "ngậm đắng nuốt cay" vì nếu không sẽ mất thời gian vô cùng. Chính vì thế, tôi cho rằng, việc ra đời Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn là việc làm cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi thị trường biểu diễn khá sôi động và có phần lộn xộn. Sự ra đời của Hội sẽ bảo vệ được quyền lợi của các thành viên, đặc biệt là những nghệ sĩ tự do, các nghệ sĩ trẻ mới vào nghề.

Những sản phẩm nghệ thuật, chất xám của các nghệ sĩ cần được trả công xứng đáng, ít nhất là bằng thái độ tôn trọng với chủ nhân của những sản phẩm ấy. Có thể số tiền các nghệ sĩ có được không nhiều nhưng điều đó cho thấy sự công bằng của luật pháp và thái độ ứng xử đúng đắn với bất kỳ sản phẩm nghệ thuật nào.

NSND Thanh Hoa: Bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ một cách chính xác - minh bạch

- Thưa NSND Thanh Hoa, là một nghệ sĩ nhiều năm chỉ quen với việc đứng trên sân khấu, tại sao bà lại quyết định đảm nhiệm một công việc nhọc nhằn và cũng không kém phần phức tạp là bảo vệ quyền lợi của cho nghệ sĩ?

+ Cách đây 17 năm, với mong muốn có một mái nhà chung cho các anh chị em hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc, tôi có đề xuất xin thành lập Hội Ca sĩ Việt Nam nhưng chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Sở dĩ tôi đau đáu với việc đó vì mấy chục năm đứng trên sân khấu, rồi theo dõi đời sống âm nhạc, tôi nhận thấy ca sĩ luôn có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới công chúng. Hình ảnh của nghệ sĩ có tác động rất lớn đến khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Nhưng, tôi rất buồn khi thấy một số ca sĩ trẻ hát hay nhưng khi giao tiếp với khán giả lại hớ hênh, phản cảm... Chính vì thế, tôi muốn thành lập hội là để chia sẻ, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho nghệ sĩ trẻ. Mãi gần đây, khi Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đề nghị phải có Hội Bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ biểu diễn, anh Bùi Nguyên Hùng, khi ấy là Phó Cục trưởng nói với tôi: "Chị Hoa ơi, đã đến lúc hội của chị ra đời rồi đấy". Tôi rất run vì sợ quá sức với mình khi trước đó chỉ ấp ủ ý định thành lập Hội dành riêng cho ca sĩ thôi.

Các con tôi cũng phản đối: "Mẹ ơi, mẹ làm cái gì liên quan đến kinh doanh cũng đều không thành công. Mẹ đi đòi quyền lợi giúp như thế, đã không có tiền, có khi lại còn bị mắng, mẹ bị áp huyết cao nữa, liệu mẹ có chịu được không?.. (cười). Tôi đã từng trả lời là tôi không đi bảo vệ quyền lợi đâu. Nhiều khi đi biểu diễn, tôi còn bị người ta quỵt tiền cơ, làm sao tôi đi bảo vệ quyền cho các nghệ sĩ được.

Nhưng anh Hùng đã động viên tôi rất nhiều. Anh đã nói một câu khiến tôi thay đổi quan điểm: "Nếu chị không làm thì ai đứng ra bảo vệ các nghệ sĩ đây. Chị không chỉ là một tấm gương trong hoạt động nghệ thuật, chị còn là người luôn trăn trở cho các nghệ sĩ. Vậy, chị không làm thì ai làm. Người biểu diễn không có tiếng nói. Bản quyền âm nhạc hiện nay có 2 chân rồi, thêm một chân nữa cho vững vàng". Khi ấy, tôi cảm thấy là danh dự nghệ sĩ trỗi dậy. Tôi quyết định nhận lời.

- Theo con số thống kê, hiện nay có khoảng 15.000 người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc. Tuy nhiên, sau 18 tháng ra mắt, số lượng hội viên mới chỉ xấp xỉ 500 người. Hình như đây là con số chưa được như kỳ vọng?

+ Chúng tôi ra đời tính đến nay mới được 18 tháng, còn rất non trẻ. Thực sự công tác phát triển hội viên còn rất nhiều khó khăn. Cho đến nay, không phải nghệ sĩ biểu diễn nào cũng hiểu hết giá trị khi trở thành hội viên của APPA. Họ cũng chưa hiểu hết, APPA sẽ mang lại quyền lợi gì cho họ. Đặc biệt, khi chúng tôi muốn ký ủy quyền càng khó khăn hơn vì không có biểu giá và cũng chưa rõ ràng trong việc thu phí, những ai sẽ phải trả. Vì thế mà sự phát triển trong 18 tháng qua không nhiều. Lúc đầu, chúng tôi chỉ có hơn 100 người cùng với Ban chấp hành. Hơn một trăm nghệ sĩ đó đi vận động thì đến ngày hôm nay, chúng tôi có hơn 500 anh chị em nghệ sĩ tham gia.

Phải chia sẻ là có được 500 nghệ sĩ ấy là công thuyết phục của anh em trong Ban chấp hành hội. Thực sự, thời gian qua, khi đến bất kỳ một đoàn văn công nào, tôi cũng giới thiệu về APPA. Lãnh đạo các đoàn cũng rất ủng hộ, luôn hỏi tiêu chí nào để trở thành hội viên?  Tôi trả lời rất kỹ rằng tiêu chí của hội viên là tất cả những nghệ sĩ thuộc đoàn văn công, vì họ chắc chắn đang hoạt động trong nghề. Còn ủy quyền là những người có những sản phẩm âm nhạc nhưng hoạt động tự do và sản phẩm của họ có biểu diễn trên tất cả các phương tiện. Chỉ có 2 tiêu chí rõ ràng như vậy. Chúng tôi chỉ bảo vệ quyền lợi cho những thành viên trong hội chứ không phải là người đi "đòi thuê". Và APPA không chỉ bảo vệ tác quyền mà còn bảo vệ hình ảnh, quyền thân nhân của các nghệ sĩ.

- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về hệ thống hoạt động của APPA và theo bà, tại sao APPA chưa có được sức hút với các nghệ sĩ như kỳ vọng?

+ Hiện tại, APPA có 4 trung tâm hoạt động chính là Trung tâm Bảo vệ bản quyền và hình ảnh nghệ sĩ; Trung tâm đào tạo kỹ năng mềm; Trung tâm Tổ chức sự kiện truyền thông và Trung tâm Tổ chức biểu diễn. Các trung tâm này đang bắt đầu hoàn thiện và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đứng đầu các trung tâm sẽ là những người nằm trong Ban chấp hành của APPA, có kinh nghiệm, chuyên môn, đặc biệt là tâm huyết với công tác của Hội.

Sở dĩ APPA chưa được nhiều nghệ sĩ biết đến vì công tác truyền thông, quảng bá của chúng tôi chưa được sâu rộng. Sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch truyền thông bài bản để nhiều nghệ sĩ biết tới ngôi nhà chung này hơn. Năm đối tượng mà chúng tôi được phép bảo vệ quyền lợi là: ca sĩ, đạo diễn, nhạc công, chỉ huy, MC và các chủ thể khác nếu có ủy quyền.

- Từ cảm giác run và quá sức, giờ đây bà thấy tự tin với vai trò của mình chưa?

+ Khi nhận một sứ mệnh quan trọng là bảo vệ những nghệ sĩ biểu diễn, trong đó có quyền lợi của chính tôi, các bậc tiền bối của tôi, các bạn, các em, các cháu thế hệ nghệ sĩ trẻ, tương lai của đất nước thì sự lo lắng trong tôi còn nặng nề hơn khi tôi biểu diễn. Thực sự đó là công việc quan trọng, mới mẻ và đầy khó khăn.

Nhưng, cho đến nay tôi đã đủ can đảm để nhìn thấy con đường phía trước. Chúng tôi thấy tin vào con đường mình đi. Sẽ bảo vệ một cách trong sáng, minh bạch nhất quyền lợi của các nghệ sĩ như khẩu hiệu mà chúng tôi đề ra: "Quang minh, chính xác và minh bạch". Chúng tôi làm đều dựa trên các văn bản luật và có trữ liệu đầy đủ, chính xác. Ví dụ, năm vừa qua, đài truyền hình đã sử dụng tác phẩm của ca sĩ A bao nhiêu lần, vào những khi nào...

Tôi vẫn vừa làm vừa học. Tôi thấy say mê, hy vọng mọi người ủng hộ nhiệt huyết của mình. Giờ đây ngẫm lại, thành công của tôi không phải là hát hay, hay hay hát mà là đủ nghị lực để vượt qua khó khăn trở ngại trong cuộc sống để khám phá chính mình. Điều khiến tôi tin vào con đường mình đi chính là sự lạc quan và vô tư. Chúng tôi làm việc không ngoài mục đích bảo vệ chính những đồng nghiệp của mình, để trong lành môi trường nghệ thuật và nâng cao uy tín cho nghệ sĩ Việt Nam.

- Xin cảm ơn NSND Thanh Hoa. 

Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.
.