Thị trường bất động sản vẫn nhiều bất ổn?

Thứ Ba, 25/10/2022, 07:26

Đây là đánh giá của Bộ Xây dựng trong tổng kết 9 tháng đầu năm về thị trường bất động sản. Trong đó, theo Bộ Xây dựng, nhà giá rẻ và nhà ở xã hội vẫn thiếu trầm trọng.

Một trong những nội dung nữa cũng được Bộ Xây dựng nhấn mạnh là việc thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá" và gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.

Lệch pha cung - cầu

Trong khi đa phần người dân hiện nay là những người có thu nhập trung bình và thấp, thế nhưng sản phẩm chủ yếu trên thị trường lại ở những phân khúc cao hơn, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao.

Thị trường bất động sản vẫn nhiều bất ổn? -0
Nhà ở xã hội và nhà giá rẻ vẫn đang thiếu hụt trầm trọng.

Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lệch pha cung - cầu do thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung "nhà ở có giá phù hợp với thu nhập" và "nhà ở xã hội" chưa đáp ứng được nhu cầu tạo lập nhà ở, thuê nhà ở rất lớn của đa số người dân thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người nhập cư, nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng.

Mặc dù nhiều chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai thời gian qua nhưng đa phần mới chỉ là các dự án thực hiện thủ tục đầu tư, một số nữa mới chỉ đang triển khai. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có khoảng 400 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với tổng quy mô xây dựng hơn 450.000 căn đang triển khai đầu tư.

Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300.000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157.000 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Các địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng gồm: Hà Nội có 38 dự án đang chờ làm thủ tục (gần 33.666 căn hộ), 5 dự án đang xây dựng (hơn 6.600 căn hộ); TP.HCM có 11 dự án đang chờ hoàn thành thủ tục (gần 9.000 căn hộ), 38 dự án đang xây dựng (hơn 45.000 căn hộ).

Tỉnh Bình Dương có 42 dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục (hơn 66.000 căn hộ), 6 dự án đang xây dựng (hơn 26.000 căn hộ); Đồng Nai có 12 dự án chờ hoàn thiện thủ tục (gần 4.000 căn hộ), 14 dự án đang xây dựng (hơn 14.000 căn hộ); TP Đà Nẵng có 2 dự án đang chờ làm thủ tục (hơn 1.000 căn hộ), 3 dự án đang xây dựng (gần 2.700 căn hộ). Tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp, với quy mô gần 156.000 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng gần 8 triệu m2.

Gây khó cho người mua nhà ở thực

Một vấn đề nhức nhối được Bộ Xây dựng đề cập là thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá" và gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực. Theo Bộ Xây dựng, đến nay hầu hết các sàn giao dịch bất động sản đã trở lại hoạt động, đồng thời nhiều sàn giao dịch cũng được thành lập mới.

Tuy nhiên, việc quy định không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, điều kiện thành lập và điều hành sàn còn đơn giản, chưa quy định cụ thể mô hình, quy trình giao dịch dẫn đến hoạt động của các sàn mang tính tự phát, thiếu ổn định, chưa bảo đảm kiểm soát được thông tin giao dịch bất động sản.

Theo quy định pháp luật, cá nhân muốn hành nghề môi giới phải được đào tạo, thi sát hạch và được cơ quan quản lý nhà ở và thị trường bất động sản địa phương cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, cá nhân hành nghề môi giới có thể hoạt động độc lập không theo tổ chức, yêu cầu về đào tạo, thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới còn đơn giản...

Điều này dẫn đến một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế. Bên cạnh đó, còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề "môi giới" trung gian mua, bán bất động sản tự do. Số lượng và hoạt động của các cá nhân này thiếu ổn định và khó kiểm soát, trong đó có tình trạng làm ăn "chụp giật", không tự giác kê khai nộp thuế theo quy định pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, 3 tháng cuối năm, các đơn vị cần tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương. Cùng với đó, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bên cạnh sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để tạo khung pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Đồng thời, tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật, để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

Phan Hoạt
.
.
.