Hài hòa lợi ích các bên khi ban hành giá đất mới tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 12/09/2024, 07:12

TP Hồ Chí Minh thuộc trường hợp cần thiết phải ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Tuy nhiên, việc xây dựng Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh với mức giá quá cao đã khiến người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục về đất đai sau ngày 1/8 không khỏi “sốc” bởi lo ngại tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí liên quan sẽ tăng mạnh so với những người đã làm hồ sơ về đất đai từ cuối tháng 7 trở về trước.

Hài hòa lợi ích các bên khi ban hành giá đất mới tại TP Hồ Chí Minh -0
Ảnh minh hoạ.

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng có Kết luận về việc xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thành phố từ ngày 1/8 đến ngày 31/12/2025.

Trong đó, xác định việc xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh là rất cần thiết, cấp bách nhưng phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất của Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP để xây dựng các mức giá đất theo khu vực, vị trí cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trong đó phải đánh giá tác động của Bảng giá đất điều chỉnh với đối tượng chịu tác động cũng như tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý, nhất là từ các đối tượng chịu tác động để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tại cuộc họp để phối hợp xử lý vướng mắc của TP Hồ Chí Minh trong áp dụng bảng giá đất điều chỉnh do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tổ chức ngày 10/9 có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng một số bộ ngành liên quan, nhiều đại biểu đã khẳng định: Theo quy định của Luật Đất đai 2024, TP Hồ Chí Minh có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm xây dựng bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn. Thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng cho 11 trường hợp quy định trong Luật Đất đai 2024 để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Góp ý về vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đề nghị khi xây dựng dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, Sở TNMT cần lấy giá bồi thường thực tế tại các tuyến đường thuộc các quận, huyện, TP Thủ Đức đã được UBND thành phố phê duyệt tại những quyết định cá biệt để làm chuẩn.

Ngoài ra cần áp dụng cả phương pháp so sánh để điều chỉnh, xác định giá đất của các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực hoặc giữa các khu vực trên địa bàn từng quận, huyện và TP Thủ Đức. Việc này sẽ bảo đảm cho các cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024 đến ngày 31/12/2025 với mức tương đương, không chênh lệch quá nhiều so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất trong 7 tháng đầu năm nay.

Theo Hiệp hội BĐS thành phố, việc sử dụng cách tính bảng giá đất điều chỉnh có dải biên độ rộng, trong đó có một số quận, huyện có dải biên độ về mức giá đất rất rộng như quận 8 tăng từ 4,3 đến 18,3 lần, quận 12 tăng từ 2,6 đến 33,4 lần, huyện Bình Chánh tăng từ 1,9 đến 36 lần và huyện Hóc Môn tăng từ 3,6 đến 50,7 lần… để xây dựng dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sẽ sát với giá đất tại các khu vực của từng quận, huyện và TP Thủ Đức.

Sở TNMT không nên lấy bảng giá đất theo quyết định năm 2020 của UBND thành phố nhân với hệ số K để tính giá đất đồng loạt với tất cả các tuyến đường như dự kiến áp dụng với quận 1, quận 4 và quận 5 vì không phù hợp với nguyên tắc Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí thông qua việc điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về giá đất. Cách tính này cũng không nên áp dụng với quận 10 với 67 tuyến đường và quận Phú Nhuận với 65 tuyến đường sau đó chia thành 2-3 nhóm tuyến đường để dự kiến tính giá đất, bởi không phù hợp với nguyên tắc trên...

Bảo Sơn 
.
.
.