Interpol tổ chức Hội nghị chống tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm

Thứ Hai, 15/12/2014, 07:49
Trong hai ngày 19 và 20 /11, tại thành phố Dublin (Ailen), Interpol tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác chống tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm. Đại diện cảnh sát các quốc gia thành viên Interpol và các hiệp hội dược phẩm, công ty dược phẩm trên thế giới sẽ tham dự.

Theo đánh giá của Interpol, trong 10 năm qua, tình hình tội phạm liên quan đến dược phẩm trên toàn cầu diễn biến khá phức tạp, mang lại siêu lợi nhuận cho các tổ chức tội phạm (chỉ đứng sau buôn bán ma túy và vũ khí). Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để hoạt động phạm tội số vụ và tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng.

Mỗi quốc gia cấp phép lưu hành cho khoảng 20.000 loại thuốc các loại. đây là số lượng rất lớn nên các đối tượng triệt để lợi dụng sơ hở trong chính sách pháp luật, công tác hành pháp và quản lý của các nước để sản xuất, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ trái phép các sản phẩm dược kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhái nhãn mác, hàng giả… Các đối tượng thường làm giả các loại thuốc đắt tiền như thuốc chống ung thư, các loại thuốc hỗ trợ làm đẹp…

Theo một cuộc khảo sát phối hợp giữa Interpol và cảnh sát 81 nước thành viên, chỉ trong một tuần đã phát hiện hơn 200 loại thuốc giả tại các quốc gia này với số lượng lên đến hàng chục tấn. Do siêu lợi nhuận, nhiều tổ chức tội phạm nguy hiểm trong các lĩnh vực khác cũng tìm cách tham gia, chiếm lĩnh thị trường hoặc liên kết làm ăn với tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm.

Hành vi của tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm đã gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh và thiệt hại hàng tỷ USD cho các hãng dược phẩm chân chính. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Đã hình thành tội phạm có tổ chức và xuất hiện sự liên kết xuyên quốc gia của tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm, tạo nên những đường dây tiêu thụ dược phẩm bất hợp pháp quốc tế.

Tiêu thụ trái phép dược phẩm mang lại siêu lợi nhuận cho các tổ chức tội phạm.

Các đối tượng sử dụng những máy móc, phương tiện rất hiện đại để thành lập phòng thí nghiệm và sản xuất dược phẩm. Ngoài ra, trong lĩnh vực dược phẩm cũng xuất hiện nhiều hành vi câu kết giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ trong việc làm giả hóa đơn, nâng khống giá thuốc, hối lộ để tiêu thụ thuốc hoặc giành các hợp đồng béo bở… Interpol đã cảnh báo về việc các tổ chức tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm đã và đang tìm cách lôi kéo, mua chuộc các quan chức trong bộ máy chính quyền, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý dược của các nước để "bảo kê", bao che, dung túng hoặc cộng tác làm ăn với chúng.

Cũng từ đó, tổ chức này có thể thao túng và điều phối thị trường dược phẩm của địa bàn đó. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng không cần buôn lậu vẫn có thể được nhập chính thống vào một quốc gia nào đó với sự bao che của quan chức y tế, hải quan… Đứng đằng sau các đường dây tội phạm dược phẩm có thể là những đường dây tham nhũng có quyền lực lớn.

Dược phẩm là sản phẩm dễ bị làm giả.

Trong những năm qua, lực lượng chức năng, trong đó đi đầu là lực lượng cảnh sát các nước đã tích cực đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm, phá nhiều vụ án, bắt giữ hàng ngàn đối tượng, thu giữ số lượng lớn các loại thuốc bất hợp pháp và nhiều tài sản có giá trị cao, góp phần giữ ổn định thị trường dược phẩm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp.

Do vậy, trong hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ ra các bài học, cơ hội và hạn chế, những thách thức trong cuộc chiến chống tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm, từ đó đưa ra các khuyến nghị và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này với mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn cho hệ thống cung cấp các sản phẩm y tế và dược phẩm.

Nguyễn Hoàng
.
.
.