Europol triệt phá nhiều đường dây buôn người

Thứ Hai, 18/01/2016, 11:00
Ngày 11-1, Viện Công tố vùng Đông Flanders của Bỉ thông báo, cảnh sát Bỉ đã hợp tác với cảnh sát Anh phá vỡ một đường dây từng đưa hàng nghìn người di cư Trung Đông vào Anh một cách bất hợp pháp.

Đây là đường dây buôn người xuyên quốc gia lớn nhất từ trước tới nay và cảnh sát mới bắt giữ 10 đối tượng. Những kẻ bị bắt là người Kurd có tuổi đời từ 26-41 tuổi, và 2 trong số đó đã làm thủ tục xin tị nạn tại Bỉ. Trước đó (7-1), 2 kẻ cầm đầu đường dây này đã bị bắt tại Anh và cơ quan chức năng Bỉ đang yêu cầu London dẫn độ chúng để xét xử.

Cảnh sát Bỉ cũng cho biết, hoạt động của mạng lưới buôn người diễn ra hằng ngày thông qua các trạm dừng chân trên đường cao tốc. Và trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người được chở trên các xe container và xe tải dọc tuyến cao tốc E40 và E17 từ Bỉ sang Anh với giá 2.000 euro/người. Và cho đến nay đã có hơn 3.000 người vào Anh theo con đường này.

Cảnh sát châu Âu (Europol) ước tính, trong năm 2015 có khoảng 30.000 người có dính líu tới hoạt động đưa người di cư và tị nạn vào châu Âu và ngành kinh doanh này có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Trước đó (4-11-2015), hơn 570 cảnh sát Đức đã đồng loạt ra quân tại 24 thành phố (với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương cùng lực lượng đặc nhiệm) để tham gia chiến dịch truy quét đường dây buôn người quốc tế hoạt động tại 3 bang Nordrhein-Westfalen, Niedersachsen và Baden-Wurttemberg.

Khoảng 5 tháng trước, cảnh sát Italia cũng từng bắt 5 người (3 người gốc Libya và 2 người gốc Algeria) được cho là những kẻ cầm đầu một đường dây buôn người và tổ chức cho người di cư dùng tàu vượt biển Địa Trung Hải sang châu Âu.

Dòng người tỵ nạn đổ về châu Âu.

Cảnh sát Italia cho rằng, việc tổ chức các đường dây đưa người vượt biển sang châu Âu đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu euro mỗi năm cho bọn buôn người. Ngày 27-5-2015, cảnh sát Tây Ban Nha và cảnh sát Anh đã bắt 24 người trong chiến dịch nhằm vào một đường dây buôn người Afghanistan sang châu Âu.Gần 3 năm trước (31-1-2013), Europol từng phá một đường dây buôn người quy mô lớn, sau khi bất ngờ đột kích nhà và nơi ở của các nghi can tại 10 quốc gia (Croatia, Cộng hòa Czech, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo), bắt 103 đối tượng. Các đối tượng bị bắt tại 10 quốc gia kể trên đều bị cáo buộc buôn người bằng đường thủy, đường sắt và đường bộ, bằng cách nhét nạn nhân vào các ngăn bí mật dưới sàn xe buýt, xe tải…

Ngày 12-1, tờ Krone của Áo dẫn tuyên bố của Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết, sẽ mạnh tay trong việc trục xuất những người di cư vì lý do kinh tế nhằm giảm bớt số người di cư tràn vào nước này. 

Đồng thời nhấn mạnh, Áo sẽ phối hợp với Đức trong vấn đề này nhằm giảm số người nhập cư. Bộ Nội vụ Áo cho biết, hàng trăm nghìn người đã tới Áo trong năm 2015, tăng gấp nhiều lần so với năm 2014. 

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner từng cho biết, giới chức nước này đã phát hiện và bắt giữ 5 đối tượng buôn người trong một chiến dịch được triển khai ở các khu vực dọc biên giới nước này. 

Gần 8 tháng trước (26-5-2015), Văn phòng công tố bang Korneuburg của Áo cho biết, 13 nhân viên bảo vệ (được hãng hàng không AUA của Áo thuê kiểm tra thủ tục hộ chiếu và kiểm soát vé) đã bị cáo buộc với tội danh âm mưu đưa ít nhất 10 người tị nạn lên các chuyến bay từ sân bay Vienna tới Anh và Mỹ. Những người tị nạn phải trả từ 7.600-10.000 USD/người để được sử dụng dịch vụ này.

Những chiếc xe được sử dụng để chở người nhập cư trái phép.

Ngày 11-1, Cơ quan Kiểm soát nhập cư Na Uy cho biết, trong năm 2015 đã trục xuất 7.825 người trong tổng số 31.145 người di cư tới nước này, tăng 8% so với năm trước. Giới chức hàng đầu châu Âu cảnh báo, EU không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng hiện nay nếu số người tị nạn vào liên minh này không giảm mạnh cho tới giữa năm nay.

Bộ Nội vụ Đức nhận định, trong năm nay sẽ có khoảng 1 triệu người tị nạn tìm cách qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu. Trước đó (2-11-2015), Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đã ký một thỏa thuận, theo đó lực lượng cảnh sát 2 nước sẽ tăng cường hợp tác trong việc triệt phá các mạng lưới buôn người và chống tình trạng di cư trái phép. Theo ước tính của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), hơn 1 triệu người di cư và tị nạn (gấp 4 lần năm 2014) đã tới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015.

Và các nhóm buôn người đã kiếm được hơn 1 tỷ USD. Bởi theo Giám đốc IOM - William Lacy Swing, mỗi gia đình người di cư và tị nạn khi tìm đường đến châu Âu đều phải chi cho bọn buôn người từ 2.000-6.000 USD. Và nếu tính từ năm 2000 đến nay, bọn buôn người đã kiếm được khoảng 10 tỷ USD.

Thiện Lân
.
.
.