Vay nặng lãi, mất cả đất lẫn nhà?

Thứ Ba, 28/10/2014, 15:30
Trong lúc cần tiền gấp, nhiều hộ dân đã vay tiền lãi suất cao và kí tên vào hợp đồng chuyển nhượng để làm tin. Nhưng từ đó, chủ nợ đã "hô biến", làm thủ tục sang tên sở hữu quyền sử dụng đất, chiếm đoạt tài sản của người vay. Đó là nội dung được trình báo trong đơn thư của một số hộ dân đang sinh sống trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) với lời lẽ khẩn thiết, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra vụ việc…

Vay lãi mất nhà

Theo như nội dung đơn thư được gửi tới Báo CAND, phóng viên CSTC đã tìm đến gia đình bà Đỗ Thị Lan (tổ 6, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ), để tìm hiểu về vụ việc. Bà Lan cho biết, từ năm 2009, do cần nên bà Lan có vay tiền của anh Phạm Văn T. Để làm tin, bà Lan đã đưa sổ đỏ mảnh đất rộng 254m2 gia đình bà đang sinh sống cho anh T. giữ.

Việc vay tiền kéo dài đến tháng 8/2011 với tổng số tiền vay cả gốc, lãi lên tới 24 tỷ 800 triệu đồng, bà Lan đã thanh toán được cho anh T.  hơn 17 tỷ gốc và lãi. Đến cuối năm 2011, bà Lan còn nợ cả gốc lẫn lãi hơn 9 tỷ đồng. Do chưa trả được nên anh T. đã yêu cầu bà Lan cùng chồng là ông Thu phải kí vào một bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để thế chấp cho anh T.

"Anh T. có nói là chị cứ kí vào cái này làm tin với em thôi, để đảm bảo chị không bán mảnh đất này cho ai khác rồi xù nợ của em và có trách nhiệm trả nợ cho em. Sau mấy năm làm ăn với nhau nên tôi cũng tin tưởng anh T. Nhưng đến tháng 3/2012, T. lại dùng bản hợp đồng đó để làm thủ tục chuyển sổ đỏ mất mảnh đất 254m2 và nhà ở đang đứng tên vợ chồng tôi sang cho T. mà không hề thông báo cho vợ chồng tôi biết sự việc này…".

Sau khi sự việc xảy ra, bà Lan mới biết, khi vợ chồng bà kí vào bản hợp đồng nói trên, anh T. đã tự mang đến UBND thị trấn Xuân Mai chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất, rồi anh T. đã tự nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký nhà đất huyện Chương Mỹ để sang tên sổ đỏ mảnh đất của gia đình bà cho anh T.

Ngôi nhà của anh Vương nay đã đứng tên người khác.

Sau khi hai bên phát sinh mâu thuẫn, anh T. mới thông báo cho bà việc này và kiện gia đình bà Lan ra TAND huyện Chương Mỹ về việc "Tranh chấp hợp đồng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất". Sau nhiều phiên xét xử, tòa án đã cưỡng chế thi hành án với gia đình bà Lan và bàn giao lô đất cho anh T.

Cũng giống như trường hợp của bà Lan, gia đình anh Lê Xuân Vương và chị Phạm Thị Phượng (Xuân Linh, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) cũng vay lãi của gia đình anh T. với số tiền 1,1 tỷ đồng. Anh Vương cho biết, anh T. cũng yêu cầu hai vợ chồng anh kí vào hợp đồng chuyển nhượng đất. "Khi đó tôi cần tiền quá nên vay gấp, anh T. bảo là cứ kí đi chỉ là để làm tin thôi chứ anh chị có lấy nhà của chú đâu mà lo… Vậy mà sau khi có bản hợp đồng chuyển nhượng có chữ kí của hai vợ chồng tôi, anh T. tiếp tục làm thủ tục sang tên đổi chủ như với lô đất của bà Lan. Sau khi biết sự việc, tôi đã chạy đôn chạy đáo để vay được 1,3 tỷ đồng để trả cho anh T. và lấy lại giấy tờ nhưng không được".

Trao đổi với PV, chị Phượng nói trong nước mắt: "Khi có tiền rồi thì họ lại không nhận dù tôi còn hứa sẽ trả thêm 200 triệu nữa. Lúc đó, tài sản của vợ chồng tôi trị giá hàng chục tỷ đồng, thì làm sao lại bán với giá 1,1 tỷ được? Riêng căn nhà vợ chồng tôi xây trên thửa đất này cũng hơn 1,8 tỷ đồng rồi". Cho đến nay, anh Vương, chị Phượng vẫn sống trên ngôi nhà, mảnh đất của mình nhưng thực ra lại là "ở nhờ" vì giấy tờ đã sang tên người khác.

Theo (Bà Lan, chị Phượng) có rất nhiều hộ dân ở huyện Chương Mỹ vay tiền cũng rơi vào tình cảnh như họ nhưng không dám tố cáo hành vi lừa đảo này. Chỉ có gia đình bà Lan, chị Phượng vì quá uất ức trước thủ đoạn chiếm đoạt tài sản này nên đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều nơi nhưng chưa được xem xét, giải quyết.

Những nghi vấn trong quy trình cấp sổ đỏ

Qua tìm hiểu vụ việc trên, chúng tôi được các bị hại cho biết có nhiều điểm nghi vấn trong quy đình thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, liệu rằng có sự thiếu trách nhiệm hay có sự tiếp tay để anh T. có thể hợp pháp hóa giấy tờ nhà đất của những người vay tiền sang tên mình.

Trong buổi gặp mặt với PV, bà Lan cho biết: Việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cần có mặt đại diện bên bán là vợ chồng bà, bên mua là anh T. và cán bộ chứng thực của thị trấn Xuân Mai. Các bên mua bán cũng phải ký vào ít nhất 3 bản hợp đồng, trong đó thị trấn Xuân Mai phải lưu một bản chính, một bản chính khác được nộp cho Văn phòng đăng ký nhà đất huyện để làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Nhưng bà Lan khẳng định vợ chồng bà chỉ ký vào một bản hợp đồng duy nhất ở nhà anh T., bà không hề có mặt ở thị trấn, gặp cán bộ chứng thực để kí thêm bản hợp đồng nào. Tuy nhiên kết quả chứng thực tại UBND thị trấn Xuân Mai thì hợp đồng chuyển nhượng được lập thành ba bản, có đầy đủ chữ kí các bên. Bà Lan chưa nhìn thấy 2 bản kia bao giờ, không hiểu hai bản kia anh T. đã lấy ở đâu?

"Hai vợ chồng tôi chỉ kí có một bản đó, nghĩ là kí để làm tin thôi, tôi cũng hiểu ký một bản này mà chúng tôi không ra chứng thực thì cũng không giải quyết được gì. Không biết tại sao lại được chứng thực thành 3 bản ở UBND thị trấn Xuân Mai và được sang tên sổ đỏ cho anh T. Chúng tôi cũng biết, để chứng thực hợp đồng chuyển nhượng được thì trên từng trang của hợp đồng phải có chữ ký của các bên nhưng trong hợp đồng của chúng tôi thì không hề có các chữ ký này, không hiểu sao UBND thị trấn Xuân Mai "quên" việc này mà vẫn chứng thực vào hợp đồng…", bà Lan bức xúc.

Ông Đỗ Xuân Tình - Phó phòng TN&MT huyện Chương Mỹ.

Đối với trường hợp nhà chị Phượng, chị cho biết vợ chồng chị cũng không cùng với anh T ra làm thủ tục chứng thực hợp đồng, do chỉ ký với anh T để làm tin nên anh chị cũng không kí vào từng trang của hợp đồng, vậy mà UBND thị trấn vẫn chứng thực cho các hợp đồng này.

Chính quyền nói gì?

Đem những bức xúc và thắc mắc của gia đình bà Lan lên UBND thị trấn Xuân Mai để nhận lời giải đáp, chúng tôi được một cán bộ ở đây cho biết dù đã tìm nhưng hiện vẫn chưa thấy hồ sơ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của gia đình bà Lan với anh T. lưu tại UBND thị trấn.

Cán bộ này cũng cho biết thêm: Về nguyên tắc, khi chứng thực vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì việc các bên ký vào từng trang hợp đồng là thủ tục bắt buộc, nhưng thời điểm đó các hợp đồng chuyển nhượng đất được chứng thực tại UBND thị trấn Xuân Mai đều không có chữ kí của các bên vào từng trang của hợp đồng. Còn việc các bên mua bán cùng có mặt ở UBND để chứng thực hay không thì anh không rõ vì thời điểm đó anh không làm việc này.

Bà Đỗ Thị Lan trình bày về vụ việc.

Phóng viên CSTC đã có một buổi làm việc với ông Đỗ Xuân Tình, Phó phòng TN&MT cùng bà Đặng Thị Nam, Phó Chánh văn phòng huyện Chương Mỹ để tìm lời giải đáp. Về việc bà Lan cho rằng không có mặt tại thị trấn Xuân Mai để chứng thực hợp đồng, ông Tình cho biết: "Về nguyên tắc chứng thực, tôi không được phép trả lời vì tôi không có thẩm quyền. Cơ quan có trách nhiệm làm việc này là UBND cấp xã, cơ quan phán xét hợp đồng này có hợp pháp hay không là toà án. Tôi không dám khẳng định là hợp đồng này hợp pháp hay không, nhưng có một điều thế này, hợp đồng thì có mẫu, khi anh ký vào trang cuối thì anh phải xem trang đầu, các thông tin ghi trong hợp đồng là đầy đủ. Vậy anh lại nói rằng tôi không kí vào các trang hợp đồng để lật lại vụ việc thì đấy là biện luận của người ta thôi. Chỉ có điều là trong tác nghiệp của người thực thi công vụ có thể là không hiểu biết hoặc thế nào đó".

Ông Vương đang trình bày sự việc.

Khi được hỏi về quy trình chứng thực theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP và theo Luật Công chứng đã quy định rõ nhưng trong hợp đồng này không thực hiện đúng, vậy tại sao Văn phòng đăng ký nhà đất huyện Chương Mỹ vẫn tiếp nhận hồ sơ xử lý mà không yêu cầu làm lại cho đúng, ông Tình cho biết: "Chúng tôi chỉ biết rằng bên có thẩm quyền là UBND thị trấn Xuân Mai đã chứng thực, buộc chúng tôi phải làm, đủ hồ sơ là chúng tôi phải giải quyết. Chúng tôi không có thẩm quyền để chỉ ra việc chứng thực sai mà nó thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp. Vì thời gian ngắn, thẩm quyền không cho phép chúng tôi thẩm định kiểm tra lại, và cũng không có lí do để chúng tôi lại đi điều tra lại một cơ quan nhà nước ở đây là cấp xã, cấp thị trấn. Họ được nhà nước trao quyền thì phải chịu trách nhiệm, nếu họ có sơ suất thì tòa án sẽ phán xét. Trong lúc này nhân dân đang đánh giá sự hài lòng với cơ quan hành chính. Hồ sơ có chữ ký chủ tịch UBND, có dấu Quốc huy, mà không làm cho họ thì họ sẽ bảo là hách dịch. Ở đây các anh chị hiểu theo tính pháp lý, nhưng người dân lại cho rằng chúng tôi nhiêu khê".

Phóng viên CSTC sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc trên

Nhóm PV
.
.
.