Phá đường dây lắp đặt hệ thống viễn thông quốc tế trái phép

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:21
Các đối tượng sử dụng thiết bị đặc chủng, công nghệ mới, tiên tiến nhất; kết hợp với ứng dụng di động, cố định, mạng Internet và sim ảo rồi lợi dụng sơ hở về quản lý thuê bao trả trước để thiết lập trái phép hệ thống viễn thông quốc tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn thông tin và thiệt hại về kinh tế.


Đường dây do một nhóm đối tượng người nước ngoài đứng đằng sau chỉ đạo, thiết lập trái phép. Các đối tượng sử dụng thiết bị đặc chủng, công nghệ mới, tiên tiến nhất; kết hợp với ứng dụng di động, cố định, mạng Internet và sim ảo rồi lợi dụng sơ hở trong quy định về quản lý thuê bao trả trước để thiết lập trái phép hệ thống viễn thông quốc tế, chuyển lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn thông tin và thiệt hại về kinh tế.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau gần một năm dày công trinh sát cuối tháng 11-2016, Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông (A87) phối hợp với Cục An ninh điều tra (A92), Tổng cục An ninh, Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành Công an đã phá án.

Tang vật vụ án.

Những năm gần đây, tội phạm trên lĩnh vực viễn thông ngày càng gia tăng hoạt động, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai và TP Hồ Chí Minh.

Phương thức của chúng sử dụng các loại thiết bị công nghệ cao, đặc chủng, tiên tiến nhất, kết hợp với ứng dụng di động cố định, mạng máy tính ảo, mạng Internet và lợi dụng kẽ hở trong quy định về quản lý thuê bao trả trước để thiết lập trái phép hệ thống viễn thông quốc tế nhằm chuyển lưu lượng điện thoại quốc tế về Việt Nam qua mạng di động và quá giang đến nước thứ ba để trộm cắp cước viễn thông quốc tế... đe dọa nghiêm trọng đến an ninh thông tin và gây thiệt hại lớn về kinh tế, cũng như khó khăn cho công tác điều tra, xử lý của lực lượng Công an.

Trong 4 năm, Cục A87 đã lập kế hoạch trinh sát, xác minh và phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh tổ chức xác minh, truy xét và khám phá thành công hoạt động chuyển trái phép lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam...

Đã làm rõ 2 vụ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khởi tố 5 đối tượng (trong đó có 2 đối tượng người nước ngoài) góp phần đảm bảo an ninh thông tin, làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; hạn chế hậu quả, thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước cũng như thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực viễn thông; đặc biệt là công tác quản lý thuê bao di động trả trước và đề xuất giải pháp khắc phục.

Từ năm 2015 đến 2016, Cục A87 đã phối hợp với các nhà mạng viễn thông, sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn triệt để ở vùng biên giới các địa phương, tập trung ở khu vực Hà Nội.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, những tháng đầu năm 2016, Cục A87 và một số nhà cung cấp dịch vụ mạng trong nước, phát hiện nhiều cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam nhưng lại hiện đầu số của các nhà mạng trong nước...

Lưu lượng chuyển cuộc gọi quốc tế qua sim trong nước ngày càng lớn, có ngày lên tới cả nghìn cuộc. Để trả lời những thắc mắc trên, các trinh sát Cục A87 phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng bí mật nắm bắt thông tin.

Trong vụ án này, đối tượng sử dụng công nghệ rất mới, chúng sử dụng đường truyền Internet cáp quang để chuyển tiếp lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam, sever đặt ở nước ngoài, sim Data để ở nước ngoài... khiến việc phát hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Vào thời điểm đó, các trinh sát của Cục A87 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an làm việc không có ngày nghỉ, sử dụng đồng bộ các biện pháp để nắm bắt thông tin... 

Gần một năm theo dõi, vất vả của lực lượng trinh sát đã được đền đáp: Cục A87 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện có một đường Internet cáp quang kết nối với máy chủ ở Hồng Kông (Trung Quốc) tại Hà Nội có nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Kiên trì nắm bắt thông tin, đơn vị xác định Nguyễn Văn Trịnh (SN 1983, trú tại phường Văn Quán) đã lắp đặt 2 hệ thống cáp quang, một tại nhà riêng và một tại cửa hàng của vợ Trịnh tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Với sự hỗ trợ của các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông, Cục A87 đồng thời đã phát hiện thêm một số địa điểm lắp đặt hệ thống cáp quang khác của Nguyễn Văn Tuấn (SN 1982) và Trần Thị Tâm (SN 1986) cùng ở TP Hà Nội.

Trong quá trình dựng chân dung các đối tượng trong ổ nhóm, lực lượng trinh sát xác định trong đường dây có đối tượng tên là Toàn. Toàn chính là đối tượng chủ mưu, cầm đầu toàn bộ đường dây. Nhưng để xác định Toàn là ai, đối tượng này đang sinh sống ở đâu thì không dễ dàng.

Kể lại quá trình dựng nhân thân Toàn (kẻ chủ mưu trong vụ án), một trinh sát Cục A87 chia sẻ: vào thời điểm đó, một mũi công tác được cử xuống Móng Cái (Quảng Ninh) bí mật dựng chân dung đối tượng nghi vấn nhưng mọi thông tin về Toàn như mò kim đáy bể. Thuê bao đối tượng Toàn sử dụng không đứng tên mình do đó việc tìm người đàn ông đứng tên thuê bao thì lực lượng trinh sát chưa xác định được.

Vậy là lực lượng trinh sát phải lần tìm từ các mối quan hệ của đối tượng này và từ các tài liệu thu được đã phát hiện Toàn, còn có tên thật Phạm Ngọc Anh. Vì cùng lúc sử dụng hai tên nên việc phát hiện của lực lượng trinh sát gặp rất nhiều khó khăn.

Ngay khi xác định được Toàn là Phạm Ngọc Anh, Cục A87 đã dựng nhân thân của đối tượng này. Sau khi học hết phổ thông, Toàn làm nghề thu gom cá đông lạnh từ Móng Cái sang chợ Mới (Đông Hưng, Trung Quốc). Anh ta thường xuất cảnh sang Trung Quốc, có mối quan hệ với các đối tượng ở bên kia biên giới...

Đối tượng Toàn và Trịnh.

Đến lúc này, toàn bộ đường dây đã được dựng lên: Toàn là đầu mối trong nước, móc nối với các đối tượng trong nước để tổ chức lắp đặt hệ thống thiết bị; Nguyễn Văn Trịnh, Giám đốc Công ty TNHH viễn thông Phú Thịnh, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Thị Tâm, là các mắt xích trung gian, các đối tượng đã chuyển hàng nghìn sim điện thoại trả trước cho Toàn để chuyển sang Trung Quốc.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, các đối tượng đã kết nối hệ thống thu phát sóng tại Việt Nam với hệ thống máy chủ tại Hồng Kông và Trung Quốc, thường xuyên thay đổi các sim ảo kết nối với các hệ thống thu phát sóng khác nhau ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Đồng thời, chúng còn lợi dụng chính sách khuyến mại của nhà mạng với sim trả trước để sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí và có lợi nhuận cao để trộm cước viễn thông quốc tế. Thông tin về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đã được báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục An ninh xin chủ trương phá án.

Ngày 17-11, Cục A87, A92 phối với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền Thông quyết định phá án. Sáng cùng ngày, lực lượng trinh sát đã khống chế đối tượng Toàn tại Móng Cái.

Cùng thời điểm này, 6 mũi trinh sát còn lại thực hiện lệnh khám xét đồng loạt các địa điểm tại Văn Quán, Phú Lương (Hà Đông); Lương Thế Vinh (Nam Từ Liêm); Định Công (Hoàng Mai), Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) đã phát hiện 8 hệ thống viễn thông chuyên dụng đang hoạt động bất hợp pháp các cuộc điện thoại quốc tế về Việt Nam.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng trực tiếp tham gia việc lắp đặt và vận hành hệ thống gồm Ngọc Anh (Toàn), Trịnh, Tuấn và Tâm.

Quá trình khám xét đã thu giữ 12 thiết bị do Trung Quốc sản xuất, tương đương với một hệ thống trên 300 kênh liên lạc quốc tế và nhiều tài liệu, tang vật liên quan. Các trinh sát cùng một số chuyên gia về công nghệ thông tin đã xác định đây là hoạt động chuyển lưu lượng quốc tế trái phép.

Đây là mạng viễn thông quốc tế IP ảo được thiết lập trái phép gồm hệ thống thu phát sóng được kết nối với máy chủ, điều khiển hệ thống đặt tại Hồng Kông, máy chủ lưu dữ liệu sim ảo đặt tại Trung Quốc và các hệ thống máy chủ tại Mỹ, Hàn Quốc...

Với các thông tin thu thập được đã có căn cứ xác định đây là một trong những vụ án thiết lập trái phép hệ thống viễn thông quốc tế lớn để chuyển lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Xuân Mai
.
.
.