Chuyện về ba chàng trai ở Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư

Thứ Ba, 27/04/2021, 08:33
Chỉ cách bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) khoảng 3 hải lý nhưng cuộc sống trên đảo Hòn Ngư lại như một thế giới khác. Không điện lưới, không giếng nước ngọt, không có người dân sinh sống. Hòn Ngư luôn chìm trong không khí tịch mịch. Âm thanh huyên náo nhất là tiếng bọn khỉ chí choé mò từ rừng về rình mò trộm đồ ăn của bộ đội và của Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư.

Trên hòn đảo ấy, nhiều năm nay vẫn luôn có những con người thầm lặng cần mẫn với công việc đo mưa – nắng, giông - bão bất kể ngày đêm. Từ cầu cảng lên Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư chỉ khoảng 2,5km nhưng con đường đó không bằng phẳng mà là trèo lên núi. Trạm có 3 người, chia nhau luân phiên đi trực. Hoàng Huy, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư chia sẻ với chúng tôi, mỗi ngày các anh sẽ có 4 lần đi lấy số liệu, trong đó có ca 1h sáng. Một ca trực luôn có hai người, một người sẽ leo lên đồi lấy số liệu quan trắc khí tượng như mưa, gió, nắng, độ bốc hơi, tầm nhìn…

Công việc ghi số liệu hằng ngày được thực hiện đều đặn 4 lần, muộn nhất là 1h sáng. Ảnh: Trung Kiên.

Người còn lại sẽ đi xuống biển lấy số liệu mực nước biển cũng như các yếu tố sóng biển. Các số liệu quan trắc hằng ngày sẽ được các anh gửi về Đài Khí tượng Thuỷ văn Bắc Trung Bộ, sau đó chuyển về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia. Khi hai người trực, người thứ ba còn lại sẽ có nhiệm vụ cơm nước phục vụ. Trên hòn đảo đẹp như một bức tranh này, ngoài Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư còn có đơn vị Đại đội 33 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đóng quân. Và cách duy nhất về đất liền của ba chàng trai của Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư là đi nhờ tàu của đơn vị bộ đội này. Chính vì khó khăn trong việc đi lại nên dù đảo nằm gần đất liền nhưng mỗi tháng, chỉ có một người của Trạm được nghỉ 3 ngày về đất liền.

“Nếu nghỉ cả 3 người thì lấy ai đo và ghi chép số liệu nên bọn em mỗi tháng chỉ một người được nghỉ thôi. Tính ra cứ ba tháng mới được về đất liền một lần”, Huy cười. Chỉ nửa ngày trên đảo, chúng tôi đã cảm thấy buồn tẻ, thế mà có người như Nguyễn Ngọc Sơn đã ở trên Trạm hơn 10 năm. Ở lâu đến mức, mọi người ở Trạm đều dùng từ “nhà” khi nói về Trạm của mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trạm trưởng Hoàng Huy luôn miệng nói: “Nhà em không có giếng nước ngọt”, “quanh nhà em nhiều rắn lắm”…

Cuộc sống trên đảo rất khó khăn, nguồn nước ngọt duy nhất để anh em trong Trạm sử dụng là ba bể nước mưa. Nhưng mùa hè năm 2020, hạn hán kéo dài đã khiến tất cả các bể gần như cạn kiệt. “Bể nhà em lẫn bể của bộ đội gần như hết sạch nước. Ba anh em phải nhịn tắm. Quần áo thay ra mang xuống biển giặt bằng nước biển và phơi khô, khổ lắm chị ạ”, Huy kể.

Mỗi ngày, Trạm sẽ bật máy phát điện khoảng 2 tiếng đồng hồ đủ để sạc điện thoại và tranh thủ làm những công việc cần đến điện. Đồ ăn dự trữ trên đảo hầu như toàn đồ khô như lạc rang, cá khô. Tôi nhìn quanh, trước mặt ngôi nhà cấp 4, nơi anh em Trạm ăn ở có một vườn rau nhỏ và chuồng nuôi vài con gà tăng gia. Thế mà trồng được mấy quả bầu, đu đủ, hay su su thì chỉ sểnh ra là bọn khỉ trên núi về bẻ trộm. Thậm chí, Huy kể, có con khỉ mắt chột đầu đàn còn tham lam, hai tay ôm hai quả su su, mồm ngậm một quả, cứ chạy một đoạn nó lại quay mặt lại nhìn như trêu ngươi.

Tranh thủ trồng rau cải thiện cho bữa cơm chủ yếu là cá khô và lạc rang.

“Nói vất vả thì ở mãi cũng quen chị ạ. Ở đảo lo nhất là gió bão. Năm 2018, nhà để thiết bị đo mặt nước biển của bọn em bị bão thổi bay mất mái. Đúng lúc ở đó có đồng chí trực vào ca ghi số liệu. Đồng chí ấy phải ngồi hứng mưa cả đêm trong căn nhà không mái đó, không dám mở cửa chạy tìm chỗ ẩn nấp vì chỉ cần mở cửa, gió sẽ cuốn cả người, cả máy móc thiết bị. Chờ đến tận sáng, bão tan mới dám về”, Huy kể với giọng rất bình thản nhưng cho đến tận lúc chia tay anh em của Trạm, tôi vẫn luôn ám ảnh trong đầu cảnh tượng giữa đêm mưa giông, trong căn nhà không còn mái, giữa sấm chớp, gió thét gào, con người bé nhỏ trong ngôi nhà có thể bị bão quật đổ mới thấy sự tàn khốc của thiên tai.

Trên con đường lên trạm đo khí tượng, chúng tôi tiếp tục trò chuyện với Sơn, người đã gắn bó với đảo Hòn Ngư 10 năm. Ngày thường ca trực 4 lần đi đi lại lại trèo núi, nhưng những ngày mưa bão, tần suất ghi số liệu là 30 phút. Với Sơn, ký ức đáng nhớ nhất ở đảo là mùa mưa bão năm 2017, khi mà dồn dập 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ vào biển Đông, một con số kỷ lục chưa từng thấy của ngành quan trắc kể từ năm 1964.

Sơn nhớ lại: “Hôm đó, buổi tối từ trên vườn khí tượng đi xuống, trên trời sấm sét loé sáng như pháo hoa, mình cứ cúi mặt mà đi. Xuống đến chân núi thì trạm tan hoang cả, một chút đồ ăn cũng không còn”. Với nhân viên Trạm Khí tượng, vào những lúc khó khăn nhất, chẳng ai nghĩ đến an nguy của bản thân, chỉ lo ghi số liệu sao cho thật chuẩn xác, kịp thời gửi về bởi chỉ cần dữ liệu chậm chạp hay sai sót, sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. Đó là dự báo lệch đường đi và sức mạnh của bão.

“Ở mãi rồi cũng quen, nhưng cứ mỗi buổi chiều muộn, sẩm tối, không điện, không quạt, ngắm biển và cuộc sống đất liền mờ ảo phía xa kia, lại nhớ nhà, nhớ vợ con lắm”, Sơn bộc bạch. Sơn kể, có những lúc, vợ gọi ra báo con ốm mà không về kịp, cũng chỉ biết động viên vợ chứ “làm răng được”.

“Sao Sơn không kể về trận nằm viện “nhớ đời”, chúng tôi đùa. Nếu ở đất liền, cấp cứu cơn đau cấp do sỏi niệu quản không có gì nguy hiểm nhưng ở đảo, đau quằn quại mà phải nhờ anh em dìu từng bậc từ trên lưng chừng núi xuống, chờ tàu chở về đất liền quả là những giây phút căng thẳng tột cùng. Vậy mà, sau 15 ngày nằm viện, Sơn không xin về nhà nghỉ mà ra thẳng đảo vì sốt ruột.

“Ở đảo chỉ có 3 anh em, mình nghỉ còn lại 2 người vất vả lắm”, chàng trai quê huyện Đô Lương cười trừ. Có lẽ, tình yêu nghề đã lớn hơn mọi gian khổ nơi đảo vắng, khiến mọi cám dỗ vật chất, mọi phù phiếm đời thường không “chạm” được đến 3 chàng trai của Trạm. Không một ai có ý định tìm kiếm một công việc khác nhàn hạ hơn hoặc được chuyển về gần nhà, gần vợ con, chấp nhận mức lương của ngành Khí tượng Thuỷ văn luôn ở mức rất khiêm tốn.

Tâm sự trước lúc chia tay, Trạm trưởng Hoàng Huy chân thành: “Khó khăn thật nhưng nghề đã chọn mình rồi thì mình phải cố gắng. Thiên tai vẫn còn, thì chúng tôi sẽ vẫn ở lại đảo này, góp phần đưa đến những bản tin dự báo chính xác nhất”.

Ngọc Yến
.
.
.