Thị trường cho dân sành điệu

Thứ Bảy, 10/07/2010, 10:20
Một đồng nghiệp của tôi định nghĩa: Chốn của dân "sành điệu" là những nơi tụ tập rất nhiều người trẻ ăn mặc đắt tiền, đi xe sang, đến chỉ nhìn nhau trừng trừng và uống rượu ngoại. Nếu có đứa nào trông sang hơn mình một chút thì rất hậm hực, tức tối.

Dịch vụ xa xỉ không thiếu

Để có tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã phải làm những người sành điệu bất đắc dĩ, "lượn" qua một số cửa hàng chuyên bán "đồ hiệu" trên địa bàn thành phố, những trung tâm mua bán hiện đại như Plaza, Sofitel, Deawoo, Hilton Opera, Shop Thanh Hằng, Shop Tracy… nơi mà không phải người dân nào ở thành phố cũng có thể vào với mục đích khiêm tốn chỉ để… ngắm.

Thật vậy, một cô bạn của tôi đã rất "ngây thơ" khi hỏi nhân viên bán hàng ở Shop Milano trên đường Thái Hà, nơi bán những đồ hiệu cao cấp như Versace, Moschino, Gucci… "Đắt thế này ai mua nhỉ?" - Cô bạn đang cầm trên tay chiếc áo đầm ngủ có giá 700 USD. Cô bán hàng mỉm cười nhưng khuôn mặt vẫn lạnh băng: "Vẫn có người mua đấy. Đầm ngủ này chỉ "duy" nhất có một chiếc thôi, mặc không sợ đụng hàng!.”

Tỏ vẻ là dân rất sành điệu, tôi rút luôn chiếc thẻ VISA - ACB nói với cô bán hàng là tôi "chỉ mua" nếu có 2 chiếc cùng loại, để mặc và để tặng cho cô bạn cùng đi. Thấy gặp được khách "sộp" và cũng biết mình nói hớ, cô bán hàng nhanh trí đáp lại: "Đây là hàng độc, nếu chị nhất thiết phải mua hai chiếc thì xin vui lòng đặt cọc, để lại địa chỉ, tôi sẽ điện sang "hãng" gửi qua, ngày mai là có hàng ngay!".

Ở shop này, những đồ "phụ tùng" của chị em phụ nữ cũng có những cái giá rất "độc", 200 USD một chiếc quần "nhỏ" và cũng ngần ấy tiền cho một chiếc áo chỉ để che đôi nhũ hoa. Còn các loại đầm dài, ngắn, thì cứ tính bằng hàng ngàn Mỹ kim.

Nhìn những đồ "phụ tùng" có giá trời ơi đất hỡi này, chạnh lòng tôi lại nhớ tới những người phụ nữ "cửu vạn" tôi đã gặp tại chợ đêm Đồng Xuân, họ gánh vác những bao hàng còn nặng hơn cả thân thể của mình, từ chập tối tới chạng vạng sáng cũng chỉ được mươi, mười lăm ngàn là cùng.

Tôi cũng chẳng dám làm phép so sánh, song những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có được 200 USD đấy, quy tròn khoảng 3,8 triệu VND thì chắc cũng phải làm cả năm, tằn tiện mới mong có được, vậy là tôi kéo vội cô bạn "chạy đứt dép" sang hàng túi xách "đồ hiệu".

Không phải tự nhiên mà Louis Vuitton, một trong những hãng thời trang túi xách nổi tiếng của Pháp đã mở một cửa hàng chuyên bán và giới thiệu sản phẩm tại khách sạn Sofitel Plaza, vì hãng này đã có tiếng là rất "kiêu" và không bao giờ bán hàng ngoài hệ thống cửa hàng riêng do chính hãng mở.

Nếu bạn mua túi sách Louis Vuitton ở một cửa hàng không phải của hãng thì chắc chắn là hàng nhái. Vấn đề đáng nói là đồ Louis Vuitton giá "trên trời", nhưng kể từ khi mở tại Sofitel Plaza thì hàng bán cũng rất chạy. Điều đó được khẳng định bởi cô nhân viên bán hàng ở đây.

Chỉ trong một tiếng đồng hồ đóng vai khách hàng "sành điệu", chúng tôi đã chứng kiến 5 khách hàng, trong đó có một cô nghe nói là người mẫu "chưa nổi" nhưng được cái chân dài mặt lạnh vào mua một cái túi khoác da cá sấu với chiếc ví cùng loại với giá 3.600 USD, nhưng người trả tiền lại là một "đại gia" da tái, môi thâm. Chắc là người lắm tiền nên khi thanh toán "bằng thẻ" vị "đại gia" này mặt lạnh băng cứ như là mua một mớ rau muống vậy. Giới có tiền ở Hà Nội bây giờ nhiều người chi tiêu rất xả láng, họ không ngần ngại mua sắm cho mình những loại hàng hiệu có giá từ vài trăm USD trở lên.

Chị Bình - một doanh nhân đang rất thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh đồ hiệu: "Đồng hồ thật" ở 77 Hàng Đào và ngành hàng ăn uống tại nhà hàng Cây Cau 15 Trần Hưng Đạo nhận xét: "Hiện nay ở Hà Nội, cứ mở ra loại hình kinh doanh gì mà tạo được điều kiện cho dân sành điệu thể hiện mình thì sẽ thành công".

Chị Thu Hà, diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội, người đã tiên phong trong phong trào thể dục thẩm mỹ với trung tâm EVA, từ lâu đã không có khái niệm mua đồ Việt Nam, chị và 2 cô con gái xài toàn đồ hiệu. Thỉnh thoảng chị lại "bay" sang Hồng Kông hay Singapore để sắm đồ, còn khi mua đồ hiệu ở tại "nhà" thì chị sẵn sàng trả 350 USD cho một chiếc áo chỉ vì nó là hiệu Moschino. Nhưng chị cũng không phải là người duy nhất chơi đồ hiệu.--PageBreak--

Ở trên đường Trần Hưng Đạo có một phòng bán vé máy bay rất đông khách, trực thuộc Công ty Sông Hằng, Giám đốc là một phụ nữ trẻ rất hiện đại, đó là chị Hằng. Ngoài công việc và con cái ra, chị còn có một thú đam mê rất phụ nữ, đó là tập thể dục thẩm mỹ và sưu tầm "đồ độc". Trang phục của chị toàn hàng hiệu đắt giá nhưng cũng rất "độc" và sang trọng.

Và một điều chắc chắn, những người này sẽ không bao giờ mua nhầm và "đụng hàng", bởi họ thường mua tại nước ngoài hoặc chính hãng. Nhưng cũng có không ít người cố học đòi "sành điệu", sắm bằng được cho mình những bộ "đồ hiệu" thì lại hay bị "ăn quả lừa" một cách ngọt ngào.

Những cửa hiệu đã có "thương hiệu" về bán đồ hiệu, thường hay trông mặt khách hàng "hát giá", nếu vớ phải chú "vịt" lớ ngớ là họ đưa ngay "hàng hiệu" nhưng được gia công tại Việt Nam kiểu hàng "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn" giá thấp hơn so với hàng chính hiệu một chút. Nhiều chiếc áo bị lỗi hoặc nhàu nát nhưng chỉ cần chủ tiệm "phun châu nhả ngọc" và "hát" rằng, đây là "hiệu Old Navy hoặc Guess" là các cô chiêu, cậu ấm xúm xít giành nhau mua cho bằng được. Cách đây vài năm người ta vẫn kháo nhau câu cửa miệng "ăn Bắc, mặc Nam".

Câu nói đó giờ đã lỗi thời vì người Hà Nội bây giờ cũng đã "diện" ghê lắm. Buổi tối đi ra đường nhìn các "nam thanh, nữ tú" chở nhau trên những con xe bét nhất cũng SH, Dylan, mặc đẹp và sang trọng như đi trẩy hội, cũng đủ thấy người Hà Nội bây giờ… đã khác xưa.

Các hãng điện thoại di động cũng phất lên một phần nhờ giới này. Trong khi ở châu Âu và Mỹ, thị trường điện thoại di động đang dần bão hòa thì ở Việt Nam, các công ty điện thoại di động vẫn chưa phải lo lắng nhiều, vì trong khi nhiều người đang mơ ước được sở hữu một cái, thì bên cạnh đó những người sành điệu lại sẵn sàng thay đổi điện thoại di động giống như thay kiểu thời trang.

Ngoài hàng hóa tiêu dùng, thị trường Hà Nội cũng rất nhanh nhạy với loại dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, massage, cắt tóc… Một số cửa hàng thời trang tóc trong thành phố đã nhanh chóng trở thành chỗ tiêu tiền của những người "sành điệu". Chẳng hạn giá nhuộm một mái tóc là 500 ngàn đồng được coi là khá bình thường với những người sành điệu nhưng ngẫm ra cũng bằng nửa tháng lương công chức.

Chị Thu, quản trị viên một công ty nước ngoài kể, nhân viên gội đầu ở một salon tóc nổi tiếng ở ngay phố C.N đã nhún vai từ chối 20 ngàn tiền boa của chị, vì cho rằng quá ít so với số mà cô thường nhận từ những vị khách "sộp" khác.

"Một số người kiếm tiền theo cách quá dễ dàng không bao giờ hiểu được giá trị của nó" chị nhận xét như vậy và từ đó chị cũng "cạch" luôn, chỉ đến gội ở những hiệu bình dân, vẫn những thao tác như vậy, rất sạch mà giá lại chỉ có 15 ngàn đồng.

Những chốn ăn chơi mọc ra như nấm

Cô Lisa, người Philippine, Tổng Giám đốc một công ty nước ngoài tại Việt Nam nhận xét: "Tôi đã tới vũ trường và một số quán bar ở Hà Nội và rất ngạc nhiên trước cách tiêu tiền của một số người, chủ yếu là lớp trẻ ở đây, họ uống toàn rượu mạnh, đắt tiền. Cô còn cho biết ở đất nước cô giới trẻ chỉ dùng toàn bia.

Chúng tôi đã mục kích một đêm tại một vũ trường trên đường Trần Hưng Đạo thì thấy rất nhiều các quý bà "sồn sồn" cùng các quý cô trẻ, đẹp trên bàn của họ toàn thấy rượu ngoại và thuốc lá ngoại, họ tiêu tiền thì đến "tây" nhìn thấy cũng phải choáng. Ngắm nhìn không gian vũ trường chỉ thấy tiếng nhạc inh tai và khói thuốc đậm đặc, những cô gái trẻ ăn mặc cực kỳ mát mẻ khêu gợi, cùng những "chị già" thừa tiền mua son phấn song lại thiếu tiền mua vải, nên váy áo của họ cứ ngắn cũn cỡn chả giống ai.

Trong khi đó, mấy "cháu" thanh niên cứ ngây dại mà ngắm. Nhìn theo đích ngắm và ánh mắt của họ, chúng tôi biết là họ đang ngắm những cái cổ nần nẫn nặng trĩu những kim loại óng ánh thì đúng hơn.

Tương tự những cô gái trẻ 18 - 20 tuổi lại đang "đánh mắt" với mấy cụ tóc "muối nhiều hơn tiêu", thì ra đây là nơi giao lưu hẹn hò, đã có nơi, có chốn… Chúng tôi "mấy chị tẩm nhà quê" đi vào vũ trường với một bộ mặt không tô trát, rồi lại còn đóng bộ quần bò áo sơ mi nên một số ánh mắt nhìn chúng tôi không mấy thiện cảm. Chỉ chịu đựng được đến vậy, chúng tôi đành vọt thẳng ra hồ Gươm, thở lấy thở để cái không khí trong lành của hương thu Hà Nội về đêm. Dĩ nhiên vũ trường và quán bar không phải là nơi duy nhất tập trung dân sành điệu.

Một đồng nghiệp của tôi định nghĩa: Chốn của dân "sành điệu" là những nơi tụ tập rất nhiều người trẻ ăn mặc đắt tiền, đi xe sang, đến chỉ nhìn nhau trừng trừng và uống rượu ngoại. Nếu có đứa nào trông sang hơn mình một chút thì rất hậm hực, tức tối.

Đa số dân sành điệu là những người trẻ. Một phần nhỏ trong số đó là giới doanh nhân, nhân viên các công ty nước ngoài, những người mới thành đạt có thu nhập cao và bắt đầu tiêu xài thỏa thích. Một phần lớn hơn là những người chưa có khả năng kiếm tiền và đang tiêu tiền của cha mẹ, những người này tiêu bạo hơn cả và luôn sợ "kém phân". Số khác làm nghề người mẫu, ca sĩ, diễn viên.

Cuối cùng nhưng cũng không phải không đáng kể là các cô gái sống bằng tiền "bao" của các "đại gia". Đó là lớp người tiêu dùng mới mà các công ty kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xa xỉ rất thích

Lê Phương Dung
.
.
.