Bức tử cây xanh: Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý

Thứ Tư, 24/11/2010, 14:29
Không phải đợi đến khi cây bồ đề cổ thụ ở đường 19-12 bị người ta ngang nhiên dùng cần cẩu, cẩu bật gốc rồi hô biến, không phải đợi đến khi cơ quan chức năng, nhân dân phát hiện và yêu cầu kẻ nhổ cây phải trồng lại, ở Hà Nội mới xảy ra việc "bức tử" cây xanh bằng mọi thủ đoạn.

Chỉ trong một quý của năm 2010, có 36 vụ xâm hại cây xanh bằng đủ các mánh khóe thâm độc như cạo vỏ cây, trát xi măng vào phần gốc cây, hun hói, đổ axit… Tuy nhiên, phải đến vụ xâm hại cây bồ đề thì công luận và dư luận mới thực sự sửng sốt trước quyết tâm tận diệt cây xanh khi nó án ngữ mặt tiền...

1. "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề", là đúc kết của ông cha ta mà chẳng ai biết rõ, nó ra đời từ bao giờ. Câu ca nhắc nhở chúng ta một điều rằng, cây cối không phải là vật vô tri. Chẳng thế mà trong văn hóa của người Việt, có tục thờ thần cây đấy thôi. Đi trên đường làng, trên cánh đồng và cả trên đường phố, chúng ta vẫn thường bắt gặp những bát nhang đặt ở gốc cây. Ngày rằm, mồng một đều có người đặt hương hoa kính lễ. Cây giúp chúng ta được hít thở không khí trong lành. Cây tỏa bóng mát những trưa hè. Cây giữ nước, giữ đất hạn chế gây lũ quét, lũ ống… Cây là Mộc, một trong 5 yếu tố của thuyết ngũ hành. Cây quan trọng với đời sống là thế đấy.

Hà Nội được coi là thành phố xanh, với hệ thống khoảng 30.000 cây xanh với hơn 70 loài cây. Đây là hệ thống cây bóng mát được thành phố đưa vào danh sách bảo tồn, là tài sản của Nhà nước. Việc chăm sóc, bảo tồn cây bóng mát được thành phố giao hẳn cho một công ty Nhà nước chuyên trách - đó là  Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh (gọi tắt là Công ty Cây xanh). Công ty này có đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân chuyên chăm sóc, cắt tỉa, trồng mới cây xanh và có hẳn một vườn ươm, chuyên ươm, trồng những giống cây, giống hoa đặc dụng cho đô thị.

Cây bồ đề nằm chỏng chơ được phát hiện ngày 5/11.

Thành phố cũng ban hành riêng một quyết định (Quyết định 19/2010/QĐ-UB) về việc bảo vệ, xử lý vi phạm về cây xanh. Theo quyết định này, việc chặt tỉa cành, di dời… đều phải có giấy phép của Sở Xây dựng. Quy định chặt chẽ này cho thấy, việc bảo tồn cây xanh được thành phố được vinh danh "Thành phố vì hòa bình" đặc biệt coi trọng. Đừng tưởng, thấy một  cành khô, một thân cây bị sâu ăn rỗng thì được phép chặt hạ. Phải lập tờ trình, phải xin thẩm định, phải được phê duyệt và được cấp phép, Công ty Cây xanh mới được phép chặt một phần hoặc chặt cả cây. Mà khi cây chặt đi rồi, tại ví trí (hoặc trong khu vực) cây vừa bị chặt hạ phải bố trí trồng một cây mới thích hợp. Cây trồng rồi, phải được chăm sóc chu đáo để cây sống và tỏa bóng mát.

Nhờ cái quy trình ấy mà đến giờ, Hà Nội mới hệ thống khoảng 30.000 cây bóng mát, mới có những phố cây đặc trưng như Phan Đình Phùng với sấu; Lò Đúc với sao; Lý Thường Kiệt với phượng; Nguyễn Du với hoa sữa… Và từ những con phố cây đặc trưng ấy, có một nữ văn sỹ đã kỳ công đếm được trên phố Thợ Nhuộm cụ thể bao nhiêu cây bằng lăng để được vào truyện ngắn của mình. Người đọc ở địa phương khác, có thể chưa từng biết đến cây bằng lăng, đến sắc tím sậm giữa nắng hè nhưng chắc chắn, họ sẽ biết rằng, ở Hà Nội có một con phố toàn bằng lăng.

Thế mà, khi cuộc sống ngày càng khấm khá. Khi người ta ngày một chú trọng đời sống tinh thần, đến môi trường sống thì lại có những cá nhân, tổ chức vì lợi ích cá nhân của mình mà triệt hạ cây xanh một cách tàn độc theo kiểu tận diệt. Thử nhìn lại vụ việc "xử" cây sấu trên phố Phan Đình Phùng đủ thấy, "ý chí" hạ gục cây của bọn “mộc tặc”. Sự việc xảy ra khoảng giữa năm 2009, cây sấu cả trăm tuổi trên hè đường Phan Đình Phùng ngày một héo úa rồi chết khô.

Sự việc được người dân thông báo cho chính quyền địa phương và Công ty Công viên Cây xanh. Nguyên nhân cây sấu cổ thụ bỗng dưng... chết được xác định do gần đó có công trình xây dựng. Cũng trên con phố này, một cây sấu lão làng khác cũng bị chết do một công trình xây dựng khác. Gián tiếp hoặc trực tiếp, người ta triệt hạ cây xanh trước cửa nhà mình để mặt tiền thông thoáng. Nếu bất kỳ gia chủ, tổ chức nào ở mặt phố đều có dã tâm tận diệt cây xanh thì trên mọi con phố đều trơ trọi trước nắng, gió, bụi đô thị chứ sao có được khoảng không gian xanh mát trước nhà.

Vụ cây bàng trước cửa số nhà 92 phố Lý Thường Kiệt bị phun hóa chất khiến lá rụng, ngọn héo gây bất bình cho người dân sở tại. Cây giàng giàng gần 100 tuổi ở khu vực đền Voi Phục bị triệt hạ, cây xà cừ ở trước nhà B4 khu tập thể Kim Liên bị những người thi công hệ thống ngầm vô ý làm bật gốc, cây gạo cổ thụ trước đền Ngọc Sơn bị những người dân vô ý thức biến thành nhà vệ sinh công cộng khiến cây không chịu nổi phải gục ngã... Có trăm ngàn lý do khiến cây trăm tuổi phải gục ngã, nó khiến nhiều người bất bình.

Theo quy định hiện hành, Thanh tra Xây dựng mới có chức năng xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh. Tuy nhiên mức xử phạt cao nhất mới là 15 triệu đồng. Vụ xâm phạm cây bồ đề ở đường 19-12 là một điển hình trong việc vi phạm và xử lý vi phạm đối với những hành vi xâm phạm cây xanh ở Hà Nội.--PageBreak--

2. Đêm 31/10, ông Trương Đình Khoát, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm phát hiện, người bên công trình Trung tâm Thương mại 19-12 (gọi tắt là TTTM) đang dùng cần cẩu, cẩu cây bồ đề cổ thụ mọc ở vỉa hè, sát công trình. Ngay trong đêm, cây bồ đề được người ta cho lên xe tải, chở đi đâu không ai rõ. Sáng 1/11, trước đại diện chính quyền địa phương, Thanh tra xây dựng, Công ty Cây xanh, ông Nguyễn Anh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thủ đô II (gọi tắt là Công ty Thủ đô), chủ đầu tư công trình TTTM cho biết, không rõ cây bồ đề hiện chuyển đi đâu.

Để truy tìm tang vật vụ xâm hại cây xanh đặc biệt này, cơ quan Công an phải vào cuộc. Còn lực lượng Thanh tra Xây dựng với chức năng của mình đã lập biên bản vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, buộc ông Cường phải ký vào biên bản. Ngay sau đó, Thanh tra Xây dựng cũng ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu Công ty Thủ đô nộp phạt 12.500.000 đ. Tuy nhiên, công ty này cũng không cho người lên nhận quyết định và nộp phạt ngay theo yêu cầu của Thanh tra Xây dựng.

Cây bồ đề xanh tốt chỉ còn trong ký ức.

Việc triệt hạ cây bồ đề 100 tuổi ngang nhiên, thách thức pháp luật chỉ bị xử phạt hành chính, với mức xử phạt 12.500.000đ? Ông Vũ Văn Mấm, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: "Theo Quyết định 19/2010/QĐ - UB, hành vi xâm hại cây xanh bị xử phạt hành chính cao nhất ở mức từ 10 - 15 triệu đồng, việc xử phạt Công ty Thủ đô 12.500.000đ là mức ở giữa. Cũng theo quy định hiện hành, ngoài bị xử phạt hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải khôi phục nguyên trạng".

Rạng sáng ngày 5/11, cây bồ đề sau 5 ngày mất tích được phát hiện có người vận chuyển đến một nhà vườn ở ngõ 310 phố Nghi Tàm, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo người chủ vườn, trước đó có người tự xưng là Công an muốn thuê anh trồng lại cây bồ đề. Sáng 5/11, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy cây bồ đề thương tích đầy mình nằm chỏng gọng ven đường. Cành, lá bị chặt trụi, trên thân vẫn còn hiển hiện vết cưa sâu. Phần gốc, những cái rễ chùm bị chặt đứt cụt lủn. Chiều ngày 5/11, cây bồ đề được trồng lại ở vị trí cũ, trên vỉa hè đường 19-12. Việc cây bồ đề có hồi sinh được hay không đang là dấu hỏi lớn. Ông Phạm Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cây xanh cho biết, ngoài việc đắp bùn, đắp bèo, cây còn được phun thuốc kích thích sinh trưởng. Mong rằng, cây bồ đề sẽ hồi sinh.

Tại sao chủ đầu tư công trình TTTM lại muốn cây bồ đề biến mất khỏi vỉa hè đường 19-12? Theo chúng tôi được biết, trước đây Công ty Thủ đô từng được giao thực hiện dự án TTTM trên nền chợ tạm (còn gọi là chợ Âm Phủ), khu vực có hai mặt tiền ở phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, dư luận không đồng tình vì cho rằng, đây là nơi từng là nấm mồ chung của nhân dân, liệt sỹ ngã xuống trong ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) và việc xây dựng hai khối nhà cao tầng sẽ phá vỡ không gian kiến trúc của khu vực. Thành phố Hà Nội sau đó đặt giá trị tinh thần lên cao khi quyết định xây dựng tại đây con đường không số nhà (không cho hộ dân, cơ quan mở cửa ra mặt đường để giữ sự tôn nghiêm) mang tên 19-12 với bồn hoa, tiểu cảnh.

Công ty Thủ đô sau đó được thành phố giao khu đất ở số 41 Hai Bà Trưng để xây dựng TTTM. Trong phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt và giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp, công trình TTTM được phép mở mặt tiền ra đường 19-12. Vì thế, Công ty Thủ đô có công văn đề nghị di dời bồn hoa, cây bồ đề ở đoạn vỉa hè đường 19-12 (48,3m), sát công trình. Cây bồ đề vốn án ngữ ở vị trí sát số nhà 41 với vỉa hè đường 19-12, đúng đoạn vỉa hè mà Công ty Thủ đô được phép phê duyệt mở mặt tiền. Có lẽ vì thế mà chủ đầu tư mới bằng mọi cách để hô biến cây bồ đề khỏi vị trí nó mọc.

Lý giải về việc xâm hại cây bồ đề, ông Nguyễn Anh Cường, Giám đốc Công ty Thủ đô cho rằng, vì cây nghiêng, sắp đổ nên mới nhổ đi. Việc xử lý hành vi xâm hại cây bồ đề chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, nhổ đi thì trồng lại? Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, nếu đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Trước đó, cơ quan điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hình sự những đối tượng chặt cây sưa, một loài cây có giá trị kinh tế cao. Cây bồ đề không có giá trị kinh tế như cây sưa nhưng lại mang trong mình giá trị tinh thần to lớn, nếu cơ quan có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với hành vi xâm hại cây bồ đề  sẽ có  tác dụng răn đe với những ai có ý định bức tử cây xanh.

Để ngăn chặn triệt để các vi phạm về bảo vệ cây xanh, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật nghiêm để răn đe. Đây là giải pháp cấp bách trước tình trạng, nhiều cây cổ thụ bị những cá nhân, tổ chức vì lợi ích cá nhân của mình không từ bất cứ thủ đoạn nào để phá hoại.

Ông Phạm Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công ty Cây xanh:

Theo thẩm quyền, Công ty Cây xanh chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo tồn chứ không có chức năng xử phạt hành vi xâm phạm cây xanh. Để hệ thống cây bóng mát, vườn hoa của thành phố được chăm sóc, bảo vệ tốt, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.

Ông Vũ Văn Mấm, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng Kỹ thuật Hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội:

 Theo quyết định 19/2010/QĐ - UB của UBND thành phố Hà Nội, hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh bị xử phạt từ 10.000.000 - 15.000.000đ và buộc khôi phục nguyên trạng. Với chức năng của mình, chúng tôi có quyền lập biên bản vi phạm và ra quyết định hành chính. Hiện tại chưa có chế tài xử phạt khác đối với hành vi xâm hại cây xanh đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Gia, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội:

Tôi không biết cây bồ đề được vận chuyển về đây (cuối ngõ 310, Nghi Tàm) được đào lên từ đâu. Tuy nhiên, tôi thấy rõ việc cứu cây bồ đề cần phải nhanh chóng triển khai vì cây bị chặt cành, bật gốc, đứt rễ. Cây bồ đề không có giá trị sử dụng (do gỗ bồ đề không nằm trong nhóm gỗ quý hiếm) nhưng có giá trị tinh thần cao. Việc xâm hại cây bồ đề cần sớm xử lý nghiêm để răn đe.

Cao Hồng
.
.
.