Kết nối và tạo cơ hội để phim tài liệu tiếp cận khán giả
Sau 12 lần tổ chức thành công, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam trở thành điểm đến quen thuộc của những người làm phim và khán giả yêu thích phim tài liệu – thể loại được mặc định kén khán giả lâu nay. Trong lần tổ chức thứ 13 năm 2023, với 19 tác phẩm của Việt Nam và quốc tế, Liên hoan tiếp tục trở thành “đại tiệc” đặc biệt, tạo cầu nối tích cực cho người yêu thích phim tài liệu.
Theo kế hoạch dự kiến, Liên hoan sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 22 – 28/9. Dịp này, khán giả có dịp xem 12 phim tài liệu của Việt Nam và 7 phim quốc tế. Đặc biệt, phần lớn các tác phẩm đều phản ánh các vấn đề đang hoặc mới xảy ra, các câu chuyện được quan tâm của đời sống xã hội đương đại. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao, giành giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế và Việt Nam.
Khán giả có dịp xem lại “Mắt bão” - bộ phim tài liệu của Hãng phim tài liệu Khoa học Trung ương về tâm dịch TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng nổ, thời gian từ tháng 7 - 10/2021. Đây là đợt dịch kéo dài, gây thiệt hại nặng nề nhất cho cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Nhưng vượt lên tất cả, cùng với sự đoàn kết, hỗ trợ của cả nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua đại dịch và từng bước hồi phục kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân… Bộ phim “Mắt bão” đã mang về Giải Quay phim xuất sắc nhất Giải thưởng Giải Cánh diều Vàng 2023.
Cũng tại Liên hoan, người xem có dịp gặp lại đạo diễn Hà Lệ Diễm với tác phẩm “Những đứa trẻ trong sương” – bộ phim tài liệu tạo được nhiều sự chú ý khi khai thác tục “kéo vợ” ở miền núi phía Bắc. Trước khi đến với Liên hoan này, bộ phim đã được Ban tổ chức Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) 2021 vinh danh với Giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Giải đặc biệt; lọt top 20 phim Tài liệu hay nhất của năm 2022 do Tạp chí Paste Magazine (Mỹ) bình chọn. Tại Giải Oscar 2023, “Những đứa trẻ trong sương” vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc nhất.
Có khá nhiều tác phẩm của Việt Nam và nước ngoài phản ánh các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và những hệ lụy, bảo vệ động vật hoang dã, rác thải. Trong đó, câu chuyện về thảm họa núi lửa và những cộng đồng dân cư phức tạp vẫn tiếp tục sống cuộc sống thường nhật, học cách sống chung với thảm họa, bất chấp những cảnh báo về hậu quả bi thảm của một vụ phun trào có thể xảy ra.
Cá biệt, vấn đề rác thải có đến 2 bộ phim của 2 quốc gia cùng khai thác. Trong đó, phim “Ô nhiễm trắng” của đạo diễn Dương Văn Huy nói về những thói quen hàng ngày khi sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần một cách tràn lan, vô ý thức, vô tình đã tạo ra hiểm họa đối với môi trường, cuộc sống của chính thế hệ mình và thế hệ tương lai. Bộ phim cũng đưa ra các phân tích của các nhà khoa học nhằm có cái nhìn sâu hơn về tác hại của ô nhiễm trắng với sức khỏe con người. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp đã và đang thực hiện với quyết tâm kiểm soát ô nhiễm trắng, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xanh, sạch, đẹp. “Ô nhiễm trắng” từng mang về giải Quay phim xuất sắc nhất của Liên hoan phim quốc gia năm 2021, Giải A Đạo diễn tại Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 8 năm 2022. Trong khi đó, “Rác ơi về đâu” của đạo diễn đến từ Australia – Tnikolaus Geyrhalter là câu chuyện về rác thải do con người tạo ra mọi lúc mọi nơi. Bằng ngôn ngữ hình ảnh độc đáo của các cảnh quay với bố cục tỉ mỉ, đạo diễn Geyrhalter đã lần theo dấu vết của lượng rác thải khổng lồ trên khắp hành tinh. Trong hành trình của mình, Geyrhalter đã minh họa cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của con người nhằm kiểm soát lượng rác thải khổng lồ do chúng ta thải ra mỗi ngày. Thu gom, nghiền nhỏ, đốt, chôn lấp - một nhiệm vụ không có hồi kết song chỉ giải quyết bề ngoài của vấn đề trong khi lượng rác toàn cầu vẫn đang ngấm ngầm gia tăng.
Chia sẻ về Liên hoan phim lần này, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cho biết, Liên hoan do EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu) phối hợp với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức. Đây là dịp quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế và là dịp để các nước giới thiệu với khán giả Việt Nam về đất nước, con người, văn hóa của họ thông qua các bộ phim. Đây cũng là cơ hội để khán giả hiểu biết hơn xã hội chúng ta đang sống, khám phá các vùng đất, tìm hiểu các vấn đề đương đại.
Cũng theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng, qua các kỳ liên hoan và thực tế hiện nay cho thấy, quan niệm rằng khán giả của phim tài liệu thường có tuổi, chấp nhận được cách kể rề rà, chậm chạp đã không hẳn chính xác. Nhiều khán giả trẻ thích xem phim tài liệu vì họ tìm được những cái rất thật, trung thực và gần gũi với họ. Không chỉ có các bạn trẻ được đào tạo bài bản mà nhiều bạn trẻ khác cũng rất thích làm phim tài liệu. Liên hoan là cơ hội để các bạn trẻ này - những người làm phim độc lập giao lưu, học hỏi. Với người làm phim chuyên nghiệp, đây còn là dịp để tự nhìn nhận, đánh giá thế mạnh, hạn chế của bản thân, học hỏi từ đồng nghiệp trong và ngoài nước.
Liên hoan năm nay, Ban tổ chức lựa chọn, giới thiệu các bộ phim có nội dung gần gũi, có sự tương đồng trong quan điểm nào đó, dễ tiếp cận. Có những bộ phim khai thác về cùng đề tài nhưng cách kể chuyện, triển khai, nhìn nhận vấn đề ở các đất nước khác nhau nên người làm phim có thể học hỏi thêm lẫn nhau. Hơn nữa, phim của Việt Nam chủ yếu là tuyên truyền nên cái tôi hạn chế một phần. Phim nước ngoài, nhà đầu tư xác định làm phim kinh doanh nên sẽ chọn những đề tài hấp dẫn, tác giả có uy tín, phim có thời lượng dài, từ 80 phút đến trên 100 phút. Phim của Việt Nam ngắn hơn, từ 25 – 45 phút, nhẹ nhàng, dễ xem, dù có thể cùng khai thác đề tài với nước bạn.