Tân Thủ tướng Anh và sứ mệnh “giải phóng nền kinh tế”

Thứ Năm, 25/07/2024, 11:38

Nói thì luôn dễ hơn làm. Dù sao, sau khi đạt được một thắng lợi lịch sử, chấm dứt kỷ nguyên 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ, tân Thủ tướng Keir Starmer (thuộc Công đảng Anh) cũng đã đưa ra chương trình hành động của chính phủ mới do ông lãnh đạo. Theo đó, ổn định và tiến tới giải phóng tiềm năng phát triển, dỡ bỏ mọi rào cản đối với nền kinh tế Anh quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu.

12 tháng và 35 dự luật

Những điểm nhấn trong chương trình hành động của chính phủ mới đã được đích thân Vua Charles III chỉ ra, trong bài phát biểu do chính phủ chuẩn bị và đệ trình.

Ông chú trọng đến con số 35 dự luật mà chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer đề xuất, để thực hiện trong vòng 12 tháng tới. Phần quan trọng nhất của những dự luật ấy sẽ bao gồm các biện pháp thực thi những quy tắc chi tiêu công, cũng như phương thức đánh giá độc lập về ngân sách trong tương lai. Những động thái này nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn nguy cơ tái diễn các cuộc khủng hoảng ngân sách quy mô nhỏ, như điều từng xảy ra hồi năm 2022 (dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss), từng làm suy sụp nền kinh tế Anh.

Tân Thủ tướng Anh và sứ mệnh “giải phóng nền kinh tế”  -0
Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Quá trình suy thoái ấy chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc đảng Bảo thủ bị đánh bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Ngược lại, khi đưa ra cam kết ngăn chặn và khắc phục đà suy thoái đó trong cương lĩnh tranh cử, Công đảng của Thủ tướng Keir Starmer đã không những thành công vang dội, mà còn nhận được sự đồng thuận quan trọng từ Vua Charles III - người trị vì nước Anh như một biểu tượng truyền thống. Nói một cách ngắn gọn, trong bài phát biểu, có thể xem như nhà vua đã “giao nhiệm vụ” cho chính phủ Công đảng thông qua việc nhấn mạnh những ưu tiên hàng đầu: Xây dựng các dự luật về quyền của người lao động, tái quốc hữu hóa đường sắt, xử lý tình trạng nhập cư bất hợp pháp, giải quyết nhu cầu nhà ở và quy hoạch, cũng như lên kế hoạch cải cách Thượng viện.

Đó chính là những thách thức lớn nhất đối với tân Thủ tướng Starmer. Và, để thực hiện những lời cam kết, trong thời gian trước mắt, chính phủ do ông thành lập sẽ tập trung xây dựng 12 dự luật chính, bao gồm: Điều chỉnh các quy tắc quy hoạch để thúc đẩy xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà mới trong vòng 5 năm; Ban hành lệnh cấm hút thuốc theo từng giai đoạn (dự kiến đối với những người sinh sau ngày 1/1/2009); Áp thuế VAT đối với học phí trường tư để tạo nguồn thu đảm bảo chi trả lương cho 6.500 giáo viên tuyển mới; Trao thêm quyền cho chính quyền địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Chính phủ Anh cũng dự kiến sẽ tiến hành quốc hữu hóa các công ty đường sắt; Tăng cường quyền hạn của cơ quan điều tiết nước để cải thiện chất lượng nước; Thành lập Bộ Tư lệnh an ninh biên giới để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp; Quy định chặt chẽ việc chuyển đổi giới tính; luật hóa việc trả lương để đảm bảo người lao động nhận được mức lương công bằng cho các vị trí việc làm tương tự. Trong số này, cũng có cả những kế hoạch còn dang dở (được để lại từ người tiền nhiệm Rishi Sunak) sẽ tiếp tục được triển khai.

Không chỉ vậy, cần phải nhấn mạnh: Để tạo sức bật cho nền kinh tế, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là phải giải quyết được dứt điểm những tồn tại trong mối quan hệ Anh - Liên minh châu Âu (EU), nghĩa là các mâu thuẫn hậu Brexit còn tồn đọng. Xét cho cùng, trong thế giới đang mỗi lúc một phẳng đi này, nước Anh sẽ không thể tiếp tục tách biệt khỏi thị trường gần gũi truyền thống như EU và đó chính là lý do để ngày 18/7, tân Thủ tướng Keir Starmer vẫn khẳng định: Ông cam kết tái củng cố mối quan hệ giữa nước Anh với các đồng minh EU, mà Hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) được tổ chức ngay tại cung điện Blenheim nước Anh sẽ là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, với cách tiếp cận mới.

Không ai có thể đứng một mình

Song, nỗ lực tái kết nối và thắt chặt lại những mối quan hệ truyền thống với châu Âu không chỉ là để phục vụ mục tiêu kinh tế, mà bên cạnh đó, còn là cách để nước Anh tìm cách tái định vị chính mình, cũng như khắc phục các vấn đề xã hội nội tại. Thực tế, quãng thời gian đại dịch COVID-19 toàn cầu làm tê liệt mọi guồng máy đã cho thấy: Nếu châu Âu hồi phục nhanh hơn nhờ có được sự bổ sung các nguồn cung nhu yếu phẩm, chia sẻ bởi một cộng đồng rộng lớn, thì đảo quốc lại tỏ ra khá chật vật và trơ trọi.

Tân Thủ tướng Anh và sứ mệnh “giải phóng nền kinh tế”  -0
Người nhập cư bất hợp pháp đang là vấn đề khiến nước Anh “đau đầu”.

Sau chiến thắng vang dội ở cuộc bầu cử, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer chỉ rõ: Cần phải củng cố lại mối quan hệ của Anh với các đồng minh EU nhằm giải quyết các thách thức cấp bách, chẳng hạn như việc hỗ trợ Ukraine hay đối phó với nạn buôn người.

Nạn buôn người cũng như các hình thức tội phạm liên quan đang là vấn đề vô cùng nóng bỏng, đối với nước Anh và láng giềng Pháp bên kia eo biển Manche. Hôm 16/7, trong cuộc họp nội các, Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper đánh giá: Tình trạng người di cư vượt biên bất hợp pháp qua eo biển Manche đang ở mức cao kỷ lục, trong nửa đầu năm 2024. Trước đó, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington (Mỹ), Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng thừa nhận: Cuộc khủng hoảng di cư bằng thuyền nhỏ có thể diễn biến theo hướng xấu hơn.

Chỉ tính từ ngày 4/7, nghĩa là ngày Công đảng giành chiến thắng trước đảng Bảo thủ, theo số liệu Bộ Nội vụ Anh, đã có tới hơn 1.000 người di cư trái phép đặt chân đến Vương quốc Anh. Theo dữ liệu phân tích của Chính phủ Anh, tổng số người di cư tới Anh tính từ đầu năm đến nay đã cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023 (13.200) và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022 (14.554).

Chừng nào còn chưa giải quyết được triệt để vấn đề nhức nhối này, sự ổn định trong tâm trạng xã hội Anh vẫn còn bị đe dọa. Cuộc bạo loạn tại thành phố Leeds ngày 18/7, với các hiện tượng đập phá xe cảnh sát cũng như đốt xe buýt, là hồi chuông cảnh báo gay gắt.

Phát biểu trước nội các, bà Cooper nhận định: Việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp là một phần quan trọng trong kế hoạch của Công đảng, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước châu Âu khác và các cơ quan thực thi pháp luật để chống nạn buôn lậu người. Hiện, Công đảng có kế hoạch tuyển dụng thêm hàng trăm điều tra viên và sĩ quan cho Cơ quan Tội phạm quốc gia, lực lượng Biên phòng và Cơ quan An ninh MI5 để triển khai khắp châu Âu, phối hợp với cảnh sát và các sĩ quan biên giới nhằm ngăn chặn tàu thuyền, thiết bị và người di cư đến bờ biển phía Bắc nước Pháp - tuyến đường mà người di cư sử dụng để lên thuyền nhỏ vượt eo biển Manche tới Anh.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh nhấn mạnh thêm: Nước Anh sẽ đảm nhận vai trò quốc tế tích cực hơn và sẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối tác thực chất. Ông khẳng định: An ninh biên giới sẽ là trọng tâm kế hoạch củng cố quan hệ với EU. Trên cơ sở đó, ông đề cập đến khả năng đàm phán hiệp định an ninh mới với EU, cũng như thỏa thuận nới lỏng kiểm soát biên giới dành cho nông sản. Và, hoàn toàn có thể, sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương Anh - EU tích cực hơn, so với thỏa thuận Brexit cũ.

Không chỉ kết nối trực tiếp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh còn gặp gỡ người đồng cấp Ireland - Thủ tướng Simon Harris. Hai nhà lãnh đạo khẳng định đây là thời điểm thích hợp để xây dựng lại quan hệ đối tác, đánh dấu sự thay đổi sau vài năm gia tăng căng thẳng giữa Dublin và London, liên quan đến vấn đề Bắc Ireland (nơi biên giới Ireland - Bắc Ireland cũng chính là cửa khẩu hải quan đường bộ Liên hiệp Anh - EU).  Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thường niên giữa hai nước láng giềng, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.

Và, sau tất cả, khi cam kết xích lại gần châu Âu, có thể thấy là đường lối đối ngoại của tân Thủ tướng Anh vẫn sẽ trung thành với lập trường chung của phương Tây, EU cũng như NATO, nhằm duy trì trật tự thế giới cũ và bảo đảm cho nước Anh một vị trí quan trọng hàng đầu trong trật tự đó.

Nhưng, dĩ nhiên, đầu tiên và cuối cùng, thách thức lớn nhất vẫn là thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế...

Thiên Thư
.
.
.