Ngôn ngữ văn bản

Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:16

LTS: Nếu dành thời gian để đọc lại tất cả những văn bản dưới luật ở Việt Nam hiện nay, rất có khả năng chúng ta rơi vào một ma trận thực sự bởi ngôn ngữ văn bản quá chung chung, thiếu cụ thể, không đủ hướng dẫn chi tiết và nhiều khi còn mập mờ…

Tranh cãi đi sau

Vào năm 1985, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thụ lý vụ án của Charles Carney, người bị buộc tội buôn bán cần sa từ một ngôi nhà di động (loại xe có nội thất như một ngôi nhà) đậu ở trung tâm thành phố San Diego. Cảnh sát đã đột kích vào "căn nhà" này mà không cần lệnh khám xét, tìm thấy một lượng lớn cần sa và một cái cân trong đó.

Tòa án lúc này đối mặt với tình huống phức tạp, đòi hỏi cân bằng hai nguyên tắc: một mặt, Carney có quyền riêng tư của cá nhân trong nhà của mình; mặt khác, khi lo ngại bằng chứng có thể bị tiêu hủy, cảnh sát có quyền ập vào và thu giữ nó mà không cần lệnh khám nhà. Bút lục của vụ án đã ghi lại cuộc tranh luận giữa thẩm phán và luật sư của chính quyền bang California về khúc mắc "tinh tế" này, rằng liệu nhà di động là một phương tiện, hay là nơi cư trú, nơi công dân có quyền riêng tư bất khả xâm phạm. Luật sư muốn chứng minh rằng nhà có động cơ là một phương tiện, không đủ để định nghĩa một ngôi nhà:

Ngôn ngữ văn bản -0
Ảnh: L.G

Thẩm phán (TP): Bạn sẽ làm gì với một chiếc nhà thuyền?

Luật sư (LS): Nhà thuyền? Tôi nghĩ là nó có mái che, và tôi cho rằng…

TP: Nó có bánh xe không?

LS: Không, đó là một con tàu, và cùng được áp dụng theo một quy tắc (giống với nhà di động).

TP: À tôi muốn nói rõ hơn. Cái nhà thuyền được gắn vào một cái đế và hoàn toàn không có động cơ. Nó chỉ nằm ở đó. Và nó được kết nối với ống xả thải, đường điện v.v... và nằm ngay cạnh một ngôi nhà. Ngôi nhà có mái che, còn chiếc nhà thuyền thì không?

LS: Đúng vậy. Nó giống như một chiếc ô tô đậu cạnh ngôi nhà thôi. Ô tô không có mái che, còn ngôi nhà thì có.

TP: Nhưng ô tô có một động cơ trong đó mà.

LS: Đúng thế.

TP: Còn nhà thuyền thì không.

LS: Không. Có thể dùng mái chèo. Có thể có một số cách để di chuyển nó từ nơi này sang nơi khác.

TP: Có thể. Tôi cũng thấy nhiều ngôi nhà được chuyển đi rồi.

LS: Một lần nữa, dấu hiệu khách quan của khả năng di chuyển sẽ là những gì mà các sĩ quan đang tìm kiếm. Có thể trong ví dụ của quý tòa, họ sẽ xem xét liệu có người chèo thuyền ở đó không. Rồi không có động cơ. Không có cách nào để di chuyển thứ đó.

TP: Thôi để tôi bổ sung thêm một chi tiết: nó đã được gắn chặt ở đó trong 36 năm qua.

(Cả phòng cười rộ)

LS: Nếu các sĩ quan cảnh sát không biết điều đó, tôi không hiểu tại sao anh ta lại bị gọi đến vì không biết chi tiết cụ thể này. Điều anh ta rõ là cách thức xử lý với một ngôi nhà.

TP: Nguyên tắc là, người ta không sống trong một cái nhà thuyền.

Cuộc đối thoại giàu màu sắc tưởng tượng này là một mắt xích quan trọng trong quy trình lập pháp của Mỹ nói riêng và các quốc gia theo thông luật (common law) nói chung: thẩm phán và luật sư tham gia một cuộc đối đáp giả định phức tạp, khám phá hậu quả của các phán quyết khác nhau trong nhiều tình huống cụ thể, thậm chí đôi khi không thể xảy ra, để tất cả có thể mổ xẻ và cùng nhau góp phần vào phán quyết cuối cùng.

Phán quyết này đóng góp vào quá trình tích lũy các án lệ, vốn được xem như một phương thức hiệu quả để pháp luật có thể bám thật sát những diễn biến phát sinh quá phức tạp của đời sống. Nhưng nó chỉ sinh ra nếu các chủ thể chịu "thai nghén" nó: người buôn cần sa cảm thấy anh ta vẫn bị… vi phạm riêng tư cư trú, để kiện chính quyền bang; thẩm phán và luật sư dùng trí tưởng tượng để trao đổi các khả năng có thể xảy ra, chứ không mặc nhiên tước đi quyền khiếu nại của nghi phạm.

Bạn có thể thấy đối đáp xem "thế nào là cái nhà" như trên rất quen: ta dễ dàng bắt gặp chúng trong bất kỳ cuộc thảo luận nào trên… mạng về mọi sự kiện đang xảy ra. Như là một bộ phim bị cấm vì "khỏa thân phản cảm", hay "bánh mì không phải là thiết yếu". Như là cơ quan chức năng có thể xộc vào nhà một người và bắt họ đi xét nghiệm vì người áp dụng cảm thấy "có nguy cơ". Các cuộc thảo luận thi nhau mọc lên trên báo đài và mạng xã hội, trong một cuộc xét lại tập thể vụ việc đã bị áp dụng các quy định cứng một cách máy móc và thậm chí là lạm dụng.

Nhưng cuối cùng thì chẳng ai kiện ai cả, dù cuộc tranh luận xã hội có thể sôi nổi đến đâu. Nhà làm phim cho rằng Cục Điện ảnh đã kiểm duyệt và cấm phim của họ thái quá, nhưng vẫn không kiện. Công dân có thể bị xâm phạm cư trú mười mươi, nhưng cũng không kiện. Tất nhiên là tòa án không có cơ hội để làm việc, đồng nghĩa với việc sẽ không tạo ra thêm nhiều những án lệ để chúng ta không còn phải bám vào các quy định chung chung trong tài phán.

Giả định rằng các nhà làm phim, trong một ngày đẹp trời, sẽ kiện Cục Điện ảnh, tôi thử đi tìm một án lệ có thể giải quyết vụ kiện này, và nhanh chóng rơi vào bế tắc. Năm 2019, Tòa án Nhân dân Tối cao bắt đầu công bố các án lệ chính thức, và cho đến nay, chúng ta mới ghi nhận 43 án lệ có hiệu lực, với các lĩnh vực hình sự (6), hành chính (2), dân sự (24), hôn nhân và gia đình (1), kinh doanh và thương mại (9), lao động (1). Gần như không ai trong làng giải trí kiện ai hay tổ chức nào cả, dù vấn đề kiểm duyệt được nhắc trên các kênh truyền thông hàng ngày hàng giờ.

Tất nhiên là khi không có án lệ phù hợp, thẩm phán sẽ bám theo các quy định, vốn vẫn rất chung chung, đang có. Chúng ta không có "nguyên liệu đầu vào" cho kho án lệ. Các cuộc thảo luận vận dụng trí tưởng tượng bùng nổ ngoài xã hội đáng ra phải được diễn ra trong tòa án trước, bởi các thẩm phán và luật sư, để có thể trở thành một căn cứ pháp luật có giá trị. Sức ép dư luận là rất lớn, đến nỗi ai cũng lạm dụng nó, nhưng không ai dám trở thành chủ thể cho một quy trình lập pháp có thể tạo ra lợi thế cho những người đi sau.

Sự thiếu cụ thể và áp dụng luật bừa bãi theo trí tưởng tượng cơ bản đến từ sự rụt rè này: trí tưởng tượng cần được dùng trong các cuộc tranh cãi ở tòa án, để nó có thể tạo ra một án lệ định tính phù hợp. Thay vì trở thành một chủ đề bị mổ xẻ một cách vô bổ, với những tranh luận có thể rất hay ho, nhưng chẳng giúp pháp quyền đi xa thêm một mi-li-mét nào.

Phạm An

Quy định mơ hồ

Năm 2016, thành phố Cần Thơ tiến hành một loạt hoạt động nhằm "tăng cường tác động của cải cách hành chính". Trong đó có việc phát ra một bộ tài liệu Bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý phụ trách cải cách hành chính.

Dòng đầu tiên trong bộ tài liệu dành cho cán bộ lãnh đạo này nêu định nghĩa "cải cách hành chính" là gì. Tất nhiên, đó là điều đầu tiên cần làm. Văn bản viết: "Cải" là từ Hán-Việt có nghĩa là thay đổi, "cách" là phương pháp, hình thức hành động. Cải cách là thay đổi phương pháp, hành động của một công việc, hoặc một hoạt động cụ thể để đạt mục tiêu tốt hơn (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Wikipedia? Đó là một từ điển mở mà bất kỳ ai trên mạng cũng có thể chỉnh sửa, thêm bớt nội dung. Việc sử dụng sức mạnh cộng đồng làm nên tầm ảnh hưởng của website này, và nó đã trở thành nơi tham khảo cho hơn một thế hệ người đọc Internet. Nhưng việc nó là "từ điển mở", khiến cho Wikipedia chắc chắn không thể được chấp nhận như một nguồn trích dẫn học thuật.

Ngôn ngữ văn bản -0
Ảnh: L.G

Nhưng tỉnh Cần Thơ đã quyết định dùng Wikipedia cho phần quan trọng nhất của giáo trình (định nghĩa) dành cho lực lượng quan trọng nhất (cán bộ quản lý) trong một sứ mệnh quan trọng cũng bậc nhất của họ (cải cách hành chính).

Nói nôm na, việc này cũng giống như bác sĩ phẫu thuật não cho bạn, thay vì giở y văn ra xem, lại "tra Google" và tham khảo kết quả bất kỳ hiện ra trước khi bước vào phòng giải phẫu. Một khung cảnh không hứa hẹn.

Và Cần Thơ không phải là nơi duy nhất có những văn bản quan trọng lấy nguồn Wikipedia. Năm đó, Công ty đường Biên Hòa thuê một số nhân công cày đất, tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cục thuế Đồng Nai gửi công văn cho Tổng cục Thuế đề nghị hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động này. Ngày 16-12-2016, Tổng cục Thuế gửi văn bản trả lời. Trong văn bản - thứ sẽ quyết định chính sách thuế với nhiều lao động này - Tổng cục không ngần ngại trích dẫn Wikipedia.

"Khái niệm kinh doanh theo Wikipedia Tiếng Việt: Kinh doanh là một hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức nhằm mục đích đạt lợi nhuận", văn bản viết. Vậy là chính sách áp lên người dân được đưa ra trên định nghĩa lấy "trên mạng".

Bạn có thể tìm thêm các công văn của nhiều cơ quan, tạo ra những quyết sách ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời, lấy nguồn Wikipedia. Và vấn đề không chỉ dừng lại ở việc họ trích dẫn Wikipedia. Tệ hơn: họ không ngần ngại ghi rõ nguồn trích. Tức là các cán bộ (gồm người soạn thảo và người ký) không hề nhận thức được rằng họ đang làm một việc chưa chuẩn. Chính sách, đơn giản là không thể được đưa ra từ một "từ điển mở" trên Internet.

Và đó chỉ là một biểu hiện cực đoan của việc hệ thống văn bản dưới luật tại Việt Nam, đặc biệt là các quy định cấp địa phương, có rất nhiều quyết sách định tính. Và rộng hơn, là nhiều bộ phận của nền hành chính nước ta vẫn đang được vận hành bằng tư duy định tính. Để một quyết sách có cơ sở khoa học, thì đầu tiên nó phải được đưa ra bằng một tư duy khoa học. Nhưng có những quy định trao quyền lực "định tính" cho người chấp pháp - tức là một thứ quyền lực vô biên chỉ phụ thuộc vào sức tưởng tượng của anh tới đâu.

Nghị quyết 170/2015 của tỉnh Nghệ An quy định việc xử lý các trường hợp sinh con thứ 3 (vi phạm chính sách dân số) là "theo quy định của pháp luật; theo bản cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và quy ước, hương ước của địa phương, tổ chức đoàn thể ở cơ sở".

Nhưng quy ước, hương ước của địa phương, đoàn thể ở cơ sở thì làm gì có ai giám sát cho nổi. Đoàn thể cơ sở phát huy trí tưởng tượng ngay: năm 2016, phường Vinh Tân, thành phố Vinh đề xuất một "quy ước" trong đó người sinh con thứ 3 sẽ "tự nguyện" đóng 2 triệu đồng cho Ban Dân số phường. Một số người dân phản ánh rằng nếu không "tự nguyện" nộp 2 triệu này thì họ sẽ không thể lấy được giấy chứng sinh cho con. Từ "tự nguyện" vốn đã vô cùng nhạy cảm, và hẳn là độc giả đã có cách diễn giải riêng của mình.

Chuyện cán bộ chấp pháp - vốn chỉ được làm những gì giấy trắng mực đen quy định - lại có quyền phát huy sức sáng tạo, tự ý diễn giải luật, không mới tại Việt Nam. Khi các quy định vẫn còn được xây dựng với nhiều định tính và các cấp cao sẵn sàng công khai… tham khảo Wikipedia khi ra quyết sách, thì người dân còn gặp nhiều chuyện ngang trái.

Một trong những hướng giải quyết đang được xã hội lựa chọn, là… tranh luận với cán bộ. Trong lĩnh vực văn hóa, khi có rất nhiều quy định định tính (về thẩm mỹ, về thuần phong mỹ tục, về "phản cảm"), giới nghệ sĩ và bầu show thường xuyên lên báo tranh cãi với các nhà quản lý. Vì khi đó, các cán bộ quản lý lại là người tự có quyền đưa ra quyết định, cấp phép cái này, đóng cửa cái kia, và luật pháp không đủ để xác định họ có được phép làm thế hay không. Rốt cục, thượng tôn pháp luật lại thành chuyện tranh cãi tay bo giữa các cá nhân. Anh nghĩ thế này là hở hang, tôi thấy thế là đủ kín đáo. Anh rút giấy phép của tôi vì "phản cảm" nhưng đấy là cảm của anh, một cá nhân, chắc gì đã là cảm của xã hội.

Và nghĩ lại, một quy định về thuần phong mỹ tục và một quy định về hương ước, quy ước của địa phương - như cách diễn giải của phường Vinh Tân ở Nghệ An năm nọ - thì cũng chẳng khác gì nhau, đằng nào cũng do cán bộ hành pháp ở địa phương nghĩ ra.

Phải chăng giải pháp tối hậu là trước tất cả những quy định mơ hồ như vậy, người dân nên "tự nguyện" đóng tiền cho êm?

Đức Hoàng

Khả năng diễn giải…

Ở giai đoạn đầu áp dụng Chỉ thị 16, có một câu chuyện đã trở thành trò châm biếm trên mạng xã hội là chuyện "Giấy ra đường". Tất cả những châm biếm đều xoay quanh cái "con gà - quả trứng" của việc muốn ra đường phải có giấy, muốn xin giấy phải lên phường, muốn lên phường thì phải ra đường, muốn ra đường thì phải có giấy. Tất nhiên, chuyện ấy cũng qua rất nhanh, gần như không có ai bị phạt vì chuyện lên phường xin giấy ra đường cả nhưng nó đủ để đọng lại một suy nghĩ. Đó là chính văn bản quy định và hướng dẫn quy định đã làm khó thêm cho chính quyền, làm rối thêm tình hình chỉ vì tính mập mờ, thiếu chi tiết của nó.

Những ai thường phải xin các chứng nhận giấy tờ ở UBND phường chắc quá hiểu đã vài năm nay rồi, thủ tục gọn nhẹ đi rất nhiều, và công dân hoàn toàn có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Vậy thì trở lại câu chuyện "con gà - quả trứng" ở trên. Sẽ không có châm biếm, không có tranh cãi vô bổ nếu văn bản quy định thêm một câu "Việc cấp giấy đi đường được tiến hành qua thủ tục nộp đơn trực tuyến, UBND phường đặt hẹn trả kết quả trực tuyến và lịch hẹn này được dùng như chứng nhận tạm thời trong việc công dân di chuyển từ nhà lên UBND phường nhận giấy chứng nhận chính thức".

Ngôn ngữ văn bản -0
Ảnh: L.G

Một việc trong tầm tay nhưng lại để nó vọt ra ngoài tầm tay. Và ở trong trường hợp này, người tham mưu cho lãnh đạo ra văn bản quy định đã vô tình đẩy lãnh đạo vào thế khó, như một trò chơi "đố dân biết tôi đang nghĩ gì" đủ gây ra những xao động không cần thiết.

Gần đây, giới làm điện ảnh lại rộ lên những trao đổi xoay quanh Dự thảo Luật Điện ảnh. Tổng thể cả dự thảo này nói chung đều rất ổn, chỉ trừ đúng một điểm và điểm này lại là điểm từ xưa đến nay các văn bản hay sử dụng nhất. Khoản 1, điều 4 của dự thảo có toàn văn như sau "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân". Vâng, đây là câu mang tính một nhiệm vụ, hướng đi, kế hoạch phát triển dài hạn thì phù hợp hơn là một câu thuộc về lĩnh vực pháp luật. Cơ bản, nó sử dụng những từ ngữ rất chung chung, không thể lượng hóa được và do đó, người thực hiện không thể nhận thấy ranh giới đúng hay sai để biết đường mà tuân thủ.

Chưa một ai có thể định nghĩa cụ thể và chi tiết được thế nào là tiên tiến, thế nào là đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta có thể sử dụng những cụm từ này cho các dạng văn bản khác, ví dụ như một bài luận, một định hướng phát triển chứ không nên sử dụng chúng cho văn bản pháp quy. Cơ bản, pháp luật không chỉ để phân xử mà còn để diễn giải. Chính khả năng có thể được diễn giải này của pháp luật mới là thứ khiến cho người dân có thêm năng lực tôn trọng pháp luật. Khi người dân hiểu luật, họ sẽ biết giới hạn hành động của mình sẽ phải như thế nào. Nó mạch lạc y như quy định rõ ràng "Dừng di chuyển tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ" vậy. Không ai nói rằng "Dừng di chuyển, tham gia giao thông khi gặp đèn có màu không phải là màu xanh" cả. Đỏ là đỏ, xanh là xanh, vàng là vàng. Khi các quy định càng rõ ràng, người dân càng dễ thực hiện. Hơn nữa, mặt bằng dân trí luôn là không đồng đều nhau nên cách diễn giải nào càng dễ tiếp nhận nhất thì sẽ càng lý tưởng nhất.

Nhân nói đến điện ảnh, cũng phải nói thêm là cả một dự thảo luật không chỗ nào đụng đến vấn đề dễ gây tranh cãi nhất là “khỏa thân trong phim”. Khỏa thân đến mức độ nào thì có thể được chấp nhận, được duyệt? Thực tế, văn bản luật cần một quy định mạch lạc và rõ ràng như vậy thay vì để nó vào khoảng mập mờ. Ở vào khoảng mập mờ này, việc tranh cãi nhau "có phải nghệ thuật hay chỉ là dung tục" sẽ không bao giờ đi được đến tận cùng. Trong khi đó, các thứ như thời lượng, góc máy, cơ quan trên cơ thể… hoàn toàn là những thứ có thể định lượng được. Vậy thì lý do gì mà dự thảo luật lại bỏ quên một yếu tố quan trọng đến vậy dù thừa biết việc bỏ quên này có thể gây ra các hệ lụy sau này?

Hoặc câu chuyện hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội cũng là câu chuyện cần phải nhắc đến. Quy định thế nào là thiết yếu hoàn toàn không có. Từ việc không có các định nghĩa rạch ròi, văn bản pháp luật ở Việt Nam đã mất đi tính lý giải cần có của mình. Kết quả là việc xử phạt cũng không khiến đối tượng tâm phục khẩu phục và ngay cả bản thân những người thực thi pháp luật cũng cảm thấy loay hoay khi cần ứng dụng luật.

Thực tế, trong lịch sử loài người, tất cả các dạng điều ước cơ bản nhất của một cộng đồng đều xuất xứ từ mục đích "làm sao để không ai vi phạm" chứ không phải để "xét xử một kẻ vi phạm nào đó". Từ khát vọng đặt ra các rào cản, các khung cho hành vi, luật pháp, quy định, các văn bản pháp quy mới hình thành. Nó là thứ giúp xây dựng nên trật tự cho xã hội chứ không chỉ là một công cụ để thiết lập lại trật tự trước nguy cơ bị vài cá nhân nào đó xâm phạm. Muốn xây dựng được trật tự ấy, đối tượng hướng tới của các loại văn bản này trước tiên phải hiểu được nội dung của văn bản cái đã. Có nắm bắt, có hiểu rõ, việc tuân thủ sẽ tự nguyện hơn, mang tính sẵn sàng hơn.

Muốn vậy, có lẽ, trước khi quyết định ban hành một văn bản, người chịu trách nhiệm phải đặt từng câu hỏi nhỏ để chất vấn chính thứ mà mình sẽ ban hành, đặc biệt là các tình huống giả định có thể phát sinh. Chỉ có đặt mình vào tư thế của một công dân bình thường thì mới có thể nắm rõ được liệu văn bản ra đời có đánh đố hay không chứ không thể tiếp tục mặc định rằng "dân cần phải hiểu theo hướng này, hướng kia"…

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.
.