Đông – Tây và những cánh cửa đóng

Thứ Năm, 28/10/2021, 10:22

Từng có một "bức màn sắt" vô hình sập xuống trong quá khứ, chia thế giới thành hai nửa Đông - Tây trong quãng thời gian hơn 4 thập niên mang cái tên Chiến tranh Lạnh. Và, hiện tại, sau hơn 30 năm, dáng dấp của sự chia cách ấy lại một lần nữa hiện lên, qua đợt gia tăng căng thẳng mới nhất giữa nước Nga với NATO.

"Báo động đỏ" trên Biển Đen

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa thực hiện chuyến công du đến Ukraine. Và dĩ nhiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc không ngại ngần công khai mục đích cũng như chương trình nghị sự của mình tại Kiev: Thảo luận với các quan chức quân sự nước chủ nhà về cách thức tăng cường mối quan hệ đối tác khu vực Biển Đen, nhằm đối phó các hành động của Nga.

Khi được hỏi về khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Lloyd Austin nhấn mạnh: "Không nước thứ ba nào có quyền phủ quyết đối với các quyết định thành viên của NATO. Ukraine có quyền quyết định chính sách đối ngoại trong tương lai của mình và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ có thể làm điều đó mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài".

Đông – Tây và những cánh cửa đóng -0
Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến 3 nước Đông Âu đi kèm những động thái khiến căng thẳng gia tăng.

Trong thời gian gần đây, bầu trời Biển Đen, biển Baltic và biển Bering giáp giới với Nga trở nên "nhộn nhịp" một cách bất thường, khi liên tục xuất hiện những "cánh chim lạ" phương Tây, từ các chuyến bay do thám đến cả những máy bay ném bom chiến lược Mỹ B-1B Lancer, bất chấp việc bị chiến đấu cơ Mig-31 của Nga áp sát.

Vấn đề là, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây từ bỏ những hành động như vậy nhưng không nhận được phản hồi nào. Cũng như vậy, trên mặt biển, tháng 6-2021, tàu khu trục HMS Defender của Anh bị cáo buộc cố tình xâm phạm lãnh hải Nga. Song, dường như những lời phản đối từ phía Nga chỉ vọng đến những cánh cửa đóng.

Đóng cửa chính, mở cửa sổ

Dù với bất cứ lý do nào, những động thái gia tăng sức ép từ phía Mỹ, phương Tây và NATO cũng là điều rất khó chấp nhận đối với một cường quốc - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Nga. Do đó, cách mà Moskva đẩy tình hình đến một "điểm sôi" mới là hoàn toàn dễ hiểu.

Ngày 18-10, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: Phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1-11 và mọi thông tin trao đổi giữa hai bên sẽ được thực hiện thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ. Động thái này nhằm trả đũa việc NATO đã quyết định giảm một nửa số nhân viên ngoại giao trong phái đoàn thường trực Nga tại liên minh quân sự này (từ 20 người xuống 10 người), trục xuất 8 nhân viên trong phái đoàn hiện tại và hủy bỏ 2 vị trí còn trống.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lên án gay gắt các động thái của phương Tây. Theo ông, "Nga chưa bao giờ khơi mào cho việc làm xấu đi quan hệ với NATO hay Liên minh châu Âu (EU) hoặc với bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây hay bất kỳ khu vực nào khác". Ông cáo buộc NATO "chôn vùi" Hội đồng Nga -  NATO, nơi có thể triệu tập khẩn cấp để tham vấn lẫn nhau trong các trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ông cũng cáo buộc hành động của NATO đi ngược lại những tuyên bố về nỗ lực đối thoại với Moskva trước đó, đồng thời lưu ý rằng hai bên đã không liên lạc với nhau trong một thời gian dài.

Ngày 19-10, nối tiếp diễn biến này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Petskov cũng khẳng định: "Chẳng ai có thể nhảy điệu tango một mình và Nga cũng không định làm điều đó". Do đó, hành động từ phía Nga là sự thừa nhận thực tế rằng, Moskva "không hề có quan hệ nào và cũng không có đối thoại" với NATO - tổ chức đã công bố ý định kiềm chế Nga bằng mọi cách có thể" và "củng cố phát ngôn của mình bằng hành động cụ thể", mà việc trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga là "giọt nước tràn ly".

Tuy vậy, vẫn có một cánh cửa sổ được mở hé, từ cuộc họp Ủy ban thứ nhất Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Theo Phó đại diện thường trực Nga Andrey Belousov, Moskva vẫn đề xuất nhất trí các biện pháp giảm leo thang với NATO, bao gồm việc cùng nhau giảm hoạt động quân sự dọc biên giới Nga và các nước thuộc liên minh quân sự trên, bởi dĩ nhiên, luôn cần có các biện pháp để cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, đáp lại, kênh phát ngôn chính thức của NATO chỉ phát biểu chung chung: "Chúng tôi đã ghi nhận phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov với giới truyền thông, song chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc chính thức nào về vấn đề được nêu".

Đông – Tây và những cánh cửa đóng -0
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov: "NATO phải là phía có những bước đi mở đường cải thiện quan hệ trước!".

Nước Mỹ, với mục đích chuyến thăm Ukraine, Romania và Gruzia của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, không có lý do gì để lên tiếng quá nhiều. Trả lời họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ nói ngắn gọn: "Chính sách của NATO đối với Nga vẫn không đổi. Đó là đáp trả trước những động thái gây hấn của Nga, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đối thoại có ý nghĩa".

 Trong khi đó, trục Pháp - Đức lãnh đạo EU đều chỉ "lấy làm tiếc". Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá hành động từ phía Nga là "không hợp lý" và có thể "khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn". Bộ Ngoại giao Pháp thì nhấn mạnh: "Kể từ năm 2014, Pháp đã nhất quán chủ trương cần duy trì các kênh đối thoại giữa NATO và Nga, đặc biệt là thông qua Hội đồng NATO-Nga". Dù sao, đó cũng là những nỗ lực "hé cửa", khi EU từng lâm vào tình thế khó khăn khi bị "kẹt giữa hai làn đạn", những quãng thời gian căng thẳng Nga - Mỹ được đẩy lên cao nhất và được cụ thể hóa bởi những lệnh trừng phạt kinh tế trong thập niên trước.

Cuộc chơi cân não

Đây chưa phải đợt căng thẳng đầu tiên giữa Nga với NATO trong hơn 10 năm qua và hẳn cũng chưa phải là lần cuối. Lần ngược lại những điểm nhấn chính kể từ nửa cuối nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến tận lúc này, khi Nhà Trắng đã thay chủ mới, quả thực, NATO (mà Mỹ là quốc gia lãnh đạo) vẫn duy trì một quan điểm nhất quán, trong mối quan hệ đầy trắc trở với Moskva.

Nói một cách chính xác, với tiềm lực khổng lồ của mình trên lĩnh vực quân sự, nước Nga vẫn đã, đang và sẽ là "kình địch" đáng gờm nhất đối với sức mạnh quân sự phương Tây, mà NATO là điểm kết tụ.

Có điều, trong thời gian gần đây, chính NATO cũng đang phải đối diện với những nguy cơ rạn nứt nội bộ, minh chứng là việc căng thẳng xoay quanh chuyện cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi các đồng minh châu Âu đóng góp nhiều hơn vào ngân sách phòng thủ chung, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục nhắc đến ý tưởng thành lập "Quân đội châu Âu" độc lập một cách nghiêm túc.

Chính vì thế, bên cạnh nhu cầu liên tục bành trướng để phát triển một cách tất yếu, NATO nói chung và nước Mỹ nói riêng lại càng cần một "kẻ thù" như đối tượng tái xác nhận mục đích tồn tại của mình, cũng như cần các cơ hội thể hiện sức mạnh răn đe (bao gồm cả các cuộc tập trận có yếu tố vũ khí hạt nhân), nhằm ngăn ngừa khả năng tự phân rã. Trong khi đó, với vị thế của mình, đương nhiên nước Nga không thể chấp nhận thỏa hiệp quá mức.

Moskva đã đề đạt duy trì các đường dây liên lạc, kể cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rằng mối quan hệ Nga - phương Tây "rơi xuống mức thấp chưa từng có", kể cả sau khi Moskva thông báo "không còn mối quan hệ hợp tác nào với NATO, về quân sự lẫn dân sự" (tháng 4-2019) và kể cả sau khi Nga - Mỹ ký kết Hiệp ước kiểm soát vũ khí New START. Song, các nhà lãnh đạo nước Nga vẫn thấy những "mũi đao" liên tục chĩa vào sườn mình, khi NATO không ngừng mở rộng thành viên ở Đông Âu.

Việc đáp trả một cách cứng rắn và tương xứng từ phía Moskva, do đó, là không có gì bất ngờ. Thực ra, chuyện dừng hoạt động phái bộ ngoại giao Nga tại NATO cũng chỉ là sự xác nhận rõ ràng một thực tế.

Vấn đề là, vì hòa bình và ổn định toàn cầu, cho dù có những mâu thuẫn lớn đến đâu, các đại cường cũng cần để ngỏ những lối thoát, hay ít nhất là duy trì các kênh đối thoại cần thiết. Thế giới đã quá mệt mỏi với những hệ lụy khủng khiếp của biến đổi khí hậu hay đại dịch COVID-19 và những cuộc ganh đua quân sự sẽ chỉ tô lên bức tranh toàn cảnh thêm nhiều vệt xám.

Thế giới mở hiện đại thực sự không còn phù hợp với những cánh cửa đóng, dù là với lý do nào...

Đông Phong
.
.
.