Bầu cử Đức và nỗi lo lắng của EU

Thứ Tư, 27/10/2021, 21:43

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức đã đem đến kết quả bất ngờ, với sự "xuống đài" của chính đảng cầm quyền suốt 16 năm qua. Một chính phủ mới chắc chắn sẽ đem đến nhiều thay đổi cho nước Đức, và dĩ nhiên, cả châu Âu trong thời gian tới.

Cuộc đua sít sao

Cho đến lúc này, sau khi được Tòa án Hiến pháp Berlin công nhận kết quả, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã chính thức giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khóa 20 của nước Đức với 25,7% số phiếu ủng hộ. Với kết quả này, SPD đã đánh bại đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel (chỉ nhận được 24,1% số phiếu) để trở thành đảng chiếm nhiều ghế nhất trong quốc hội khóa tới. Như vậy, nước Đức sẽ có một chính phủ mới do SPD đứng đầu và người ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Đức trong nhiệm kỳ 4 năm tới là ông Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng của đảng này.

Giành chiến thắng lần đầu tiên sau 16 năm nhưng SPD cũng không có đủ đa số phiếu cần thiết. Họ sẽ phải liên minh với hai đảng về thứ 3 và thứ 4 trong cuộc bầu cử này là đảng Xanh (có 14,8% số phiếu) và đảng Dân chủ tự do FDP (có 11,5% số phiếu) để thành lập chính phủ mới. Dẫu vậy, đây vẫn là sự thay đổi mạnh mẽ trên chính trường Đức sau 16 năm liên minh trung hữu kiểm soát.

Bầu cử Đức và nỗi lo lắng của EU -0
Ông Olaf Scholz, tân Thủ tướng của nước Đức trong 4 năm tới.

Cuộc bầu cử đã kết thúc với chiến thắng của một chính đảng lớn nhưng nó lại phản ánh những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Đức, khi số phiếu bầu tản mát cho nhiều đảng nhỏ. Ngoại trừ SPD và đảng Xanh, không một chính đảng lớn nào giành được nhiều hơn số phiếu so với cuộc bầu cử 4 năm trước.

Đảng CDU/CSU thất cử khi mất hơn 10% tỷ lệ ủng hộ so với năm 2017 và hứng chịu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử. Trong khi đó, chiến thắng của SPD cũng là chiến thắng kém thuyết phục nhất trong lịch sử bầu cử Đức, với số phiếu chênh lệch rất nhỏ. Ngoài 4 đảng dẫn đầu, chỉ còn đảng Sự lựa chọn thay thế (AfD) có đủ trên 5% số phiếu để có chân trong Quốc hội Đức nhiệm kỳ tới. Đảng cánh tả (die Linke), một đảng lâu đời của nước Đức chỉ đạt 4,9% phiếu bầu nên bị loại khỏi liên minh cầm quyền. Điều này dẫn đến việc khối thiên tả trong Quốc hội Đức cũng không hội tụ đủ số phiếu để thành lập chính phủ.

Do đảng CDU/CSU thất cử quyết định rút khỏi chính phủ hiện tại với SPD để giữ ở thế đối lập nên SPD và đảng Xanh buộc phải chọn liên minh với FDP, một đảng cánh hữu theo đuổi chính sách tự do. Điều này sẽ khiến nước Đức có một chính phủ liên minh Đỏ - Xanh - Vàng (là những màu đại diện cho 3 chính đảng) với nhiều ý tưởng đối lập.

Cho đến lúc này, tiến trình thành lập Chính phủ Đức diễn ra khá nhanh, một phần là do có quá ít sự lựa chọn. Nếu không có gì thay đổi, ngay đầu tháng 11, chính phủ mới sẽ được ra mắt, mở ra một giai đoạn mới trên chính trường nước Đức.

Nhiều câu hỏi lớn

Với một chính phủ liên minh giữa SPD, đảng Xanh và đảng FDP, tương lai của nước Đức được cho là rất khó dự đoán.

Về mặt điều hành kinh tế, SPD và đảng Xanh ngay từ lúc tranh cử đã đặt ra mục tiêu tăng thuế thu nhập lên tới 50%. Mặc dù mức thuế thu nhập cá nhân của nước Đức hiện nay đã cao so với mặt bằng EU nhưng sức ép từ phe cánh tả thắng thế trong cuộc bầu cử vẫn muốn đẩy những con số này lên tiếp, đồng thời với việc gia tăng đầu tư công, tăng các gói an sinh xã hội. Điều này tạo áp lực lớn lên giới kinh doanh. Một làn sóng chuyển tài sản khỏi nước Đức đã bùng lên ngay khi những kết quả bỏ phiếu đầu tiên được công bố, với chiến thắng dự báo nghiêng về phe cánh tả.

Đảng Xanh, đảng lớn thứ hai trong chính phủ mới thì luôn chống lại những dự án công nghiệp lớn vì lý do bảo vệ môi trường. Họ chính là những người phản đối mạnh mẽ nhất dự án Dòng chảy phương Bắc kết nối năng lượng từ Nga sang Đức được thông qua mới đây. Sản lượng khí đốt theo Dòng chảy phương Bắc có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới, thậm chí có khả năng tiến độ khai thác dự án Dòng chảy 2 cũng sẽ bị xem xét lại. Ở thời điểm này, giá năng lượng của Đức lại đang tăng cao do nguồn cung không ổn định. Đây sẽ là khó khăn lớn cho tân chính phủ, khi họ cần một động lực để kéo nền kinh tế Đức trở lại quỹ đạo, sau 2 năm lao đao vì đại dịch COVID.

Ở lĩnh vực kinh tế nói chung, các đảng cánh tả giữ chủ trương tăng thuế, yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp xã hội nhiều hơn, trong khi đó FDP, đảng mới được mời vào liên minh thì muốn giảm thuế, giảm trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp. Tương tự là sự khác biệt về quan điểm giữa các đảng trong chính phủ mới về các vấn đề khác như an ninh, người nhập cư, chính sách xã hội...

Trong một khoảng thời gian dài, bà Merkel bằng sự khôn khéo, mềm mỏng và uy tín cá nhân đã lèo lái thành công một chính phủ liên minh. Trong thời gian bà Merkel nắm quyền, kỳ tích kinh tế của nước Đức được cho là đến từ sự điều hành chính sách linh hoạt về thuế và tiết kiệm đầu tư công. Chính phủ mới có lẽ sẽ không dễ dàng tìm được tiếng nói chung như vậy với một liên minh "đa màu sắc" hiện nay.

Bầu cử Đức và nỗi lo lắng của EU -0
Một liên minh 3 màu dẫn dắt nước Đức trong 4 năm tới sẽ ảnh hưởng tới những kế hoạch của EU.

Về mặt đối ngoại, chính sách của nước Đức dự báo cũng sẽ có thay đổi. Các đảng SPD và đảng Xanh vốn có quan điểm trái ngược với chính quyền đương nhiệm của bà Merkel. Mối quan hệ giữa đảng SPD thiên tả với nước Nga được đánh giá là "thân thiết". Dưới thời ông Schroeder cầm quyền trước đây, nước Đức đã nhiều lần đi ngược lại các chính sách của Mỹ, đồng minh lớn nhất của họ. Đảng Xanh thì công khai phản đối Trung Quốc vì những dự án mà họ gọi là "thảm họa môi trường".

Bối cảnh hiện nay cũng rất phức tạp. Ông Olaf Scholz, người sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng trong thời gian tới lại không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, điều này sẽ khiến cho chính sách "cân bằng" mà bà Merkel áp dụng trong suốt 16 năm qua càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, ngược lại với những lãnh đạo của CDU luôn nhiệt thành với ý tưởng kết nối EU, các lãnh đạo của SPD tỏ ra thờ ơ với ý tưởng này.

Điều đó cũng đặt EU trước thử thách mới.

EU rúng động

Chiến thắng của phe đối lập tại chính trường Đức trong cuộc bầu cử hôm 26-9 đã phát đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ với EU. Là nước chiếm 1/4 tổng GDP của toàn khối, đang lãnh trách nhiệm dẫn dắt EU, mỗi sự thay đổi nhỏ nhất trên chính trường Đức đều tác động đến EU. Nếu kinh tế Đức không thể phục hồi nhanh chóng, cả nền kinh tế EU cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn, sự thay đổi lãnh đạo tại nước Đức có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn và sự thống nhất của EU.

Trong bối cảnh hiện nay, việc một Chính phủ Đức không mặn mà với EU sẽ là một thảm họa đích thực. Những lãnh đạo tiền nhiệm tại CDU của bà Merkel như các cựu Thủ tướng Helmut Kohl và Konrad Adenauer đều rất nhiệt thành với lý tưởng EU, có những đóng góp lớn cho sự hình thành và phát triển của khối. Còn trong hơn một thập niên qua, bà Angela Merkel được nhìn nhận như là một "thủ tướng EU", người dẫn dắt liên minh này đi qua bao sóng gió, người giữ vị trí trung tâm trong việc kết nối các quốc gia với niềm tin sắt đá vào sự thống nhất của liên minh. Sự ra đi của bà khiến cho EU mất đi một biểu tượng và chuyện người kế nhiệm bà không cùng quan điểm về EU có nguy cơ tạo nên khủng hoảng.

Không xa nữa, tháng 4-2022, bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ở Pháp. Sự trỗi dậy của các lực lượng chống EU tại đây sẽ ảnh hưởng tới khả năng tái đắc cử của ông Emmanuel Macron, một người cũng theo đường lối trung dung như bà Merkel. EU đang trong giai đoạn cần đoàn kết hơn bao giờ hết, vậy mà ngay tại "trái tim của châu Âu" đã hiện hữu quá nhiều hoài nghi.

Vì thế, sau những lời chúc mừng tán tụng, là rất nhièu nín thở đợi chờ từ khắp cựu lục địa, về quan điểm đối ngoại mới của nước Đức.

Tử Uyên
.
.
.