Xây dựng lòng tin để hóa giải xung đột

Thứ Bảy, 15/01/2022, 10:18

Mặc dù cuộc họp Hội đồng Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc mà không có đột phá nào sau 4 giờ thảo luận. Song, việc hai bên tiến hành đàm phán đã là tín hiệu đáng mừng, tránh những mối nguy hại trực tiếp đến an ninh quốc tế.

“Không có gì thay đổi. Tất cả vẫn trong sự mờ mịt giống như màn sương mù dày đặc bất ngờ bao trùm trụ sở của liên minh quân sự. Mọi người cùng xoay tròn và ở trong những quỹ đạo khác nhau”, một nguồn tin ngoại giao phương Tây cho biết, “tuy nhiên, các đồng minh cũng hài lòng vì thà nói chuyện với nhau còn hơn đối đầu”. Điều này cũng phần nào được thể hiện trong phát biểu mà Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trước báo giới sau khi kết thúc cuộc họp. Ông cho biết, cuộc thảo luận không dễ dàng nhưng hữu ích, đồng thời tuyên bố, các nước thành viên NATO tin tưởng vào đối thoại với Nga, bất chấp những bất đồng nghiêm trọng về tình hình Ukraine và các vấn đề an ninh châu Âu.

Ông cho biết thêm rằng, NATO đã đề xuất với Nga, họ tổ chức một loạt cuộc tham vấn để thảo luận chi tiết về các vấn đề và bất đồng, bao gồm cả việc đồng ý về các hạn chế chung và có thể kiểm chứng đối với vũ khí tên lửa ở châu Âu. NATO cũng đã tuyên bố rõ ràng với Nga mong muốn mở lại phái bộ của liên minh tại Moscow và phái bộ của Nga tại Brussels. Tuy nhiên, cả Tổng Thư ký NATO và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Mỹ Wendy Sherman cho biết, liên minh quân sự này từ chối thỏa hiệp về việc kết nạp một số quốc gia, bao gồm Ukraine vào liên minh.

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Tất cả các đồng minh đều thống nhất theo nguyên tắc chính của liên minh: Mỗi quốc gia được tự do lựa chọn con đường riêng của mình. Chỉ Ukraine và 30 thành viên NATO mới có thể quyết định khi nào Kiev sẵn sàng trở thành thành viên của liên minh. Nga không có quyền phủ quyết về việc Ukraine có tham gia tổ chức hay không. Các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ Kiev trên con đường trở thành thành viên NATO”.

8-1.jpg -0
Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO. Ảnh: Ria Novosti.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO là hoàn toàn cần thiết, nó giúp hiểu rõ hơn lập trường của các bên. Theo ông, cuộc hội đàm diễn ra khá thẳng thắn, trực tiếp, sâu sắc, phong phú, nhưng đồng thời cũng bộc lộ một số lượng lớn khác biệt về các vấn đề cơ bản”. Và một trong những vấn đề chính là NATO hiểu nguyên tắc bất khả phân chia của an ninh một cách có chọn lọc.

“Trong mắt NATO, họ chỉ tồn tại đối với các thành viên của liên minh và NATO sẽ không tính đến lợi ích an ninh của những người khác trong các hoạt động thực tế của mình”, đồng thời nhấn mạnh, nếu các nước NATO thực sự muốn hợp tác với Nga, họ phải tính đến vai trò rất quan trọng của nước này với tư cách là quốc gia đảm bảo hòa bình trong không gian Châu Âu-Đại Tây Dương rộng lớn, đóng góp tuyệt đối vào việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực này”, Thứ trưởng Alexander Grushko lưu ý.

Bình luận về cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO ở Brussels, nhà khoa học chính trị người Đức Alexander Rahr lưu ý: “Không thể mong đợi những cảm giác, những thay đổi quan trọng ở quan điểm của bên này hay bên kia. Có những yêu cầu của Nga, chúng ở trên bàn, chúng được đưa ra một cách sắc bén và cứng rắn”. Theo ông, “dường như NATO hiểu chúng, nhận thức được sự nghiêm túc về lập trường của Nga, nhưng không thể mất mặt và rút lui khỏi các nguyên tắc của mình”. Vì vậy, về bản chất, xung đột về việc Ukraine gia nhập NATO vẫn còn. Nhưng có rất nhiều ngữ điệu đã thay đổi, giọng điệu ở các cuộc đối thoại cả ở Brussels và ở Geneva không còn mang tính cáo buộc, đã trở nên thực dụng.

Giới phân tích chính trị tin rằng, việc Nga và Mỹ/NATO tiến hành đàm phán đã là tín hiệu đáng mừng, tránh những mối nguy hại trực tiếp đến an ninh quốc tế. Như đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sau cuộc đàm phán, hai bên đã hiểu rõ hơn về các mối quan tâm và ưu tiên của nhau, từ đó Washington sẽ đánh giá hoạt động ngoại giao trước khi quyết định hướng đi trong tương lai của các cuộc đàm phán sắp tới. Phía Nga cũng đánh giá cuộc đánh giá cuộc đàm phán an ninh với Mỹ là “bước khởi đầu tích cực” để hai bên duy trì đối thoại trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan vấn đề Ukraine.

Trong khi đó, cả Nga và NATO đều nhất trí cần tiếp tục đối thoại, cụ thể là, sau cuộc gặp tại Brussels hôm 12/1, sẽ là 2 cuộc tham vấn an ninh tại Geneva và Vienna vào trung tuần tháng 1 này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phối hợp và xây dựng lòng tin để có thể hóa giải lò lửa xung đột đang chờ bùng phát trong quan hệ Nga/NATO.

Cơ hội đối thoại vẫn để ngỏ

Cuộc họp giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Austria) hôm 13/1 (giờ địa phương) đã kết thúc theo hướng mà cả hai bên đều bày tỏ thất vọng. Trưởng phái bộ Nga tại OSCE, Đại sứ Alexander Lukashevich cho biết, Moscow đã không nhận được phản hồi thỏa đáng từ các đối tác cho các đề xuất của mình và Nga có thể sẽ buộc phải đưa ra kết luận phù hợp và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo cân bằng chiến lược và loại bỏ các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, chính quyền Nga đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua ngoại giao, nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ trong trường hợp tình hình miền Đông Ukraine leo thang. Theo ông Ryabkov, các chuyên gia quân sự đã đưa ra và tiếp tục đưa ra các phương án cho Tổng thống Putin trong trường hợp tình hình Ukraine xấu đi, nhưng “chúng ta cần trao cho ngoại giao cơ hội”.

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau bày tỏ bi quan sau cuộc họp và cho biết các cuộc đối thoại đã không có bước đột phá nào. Ông Zbigniew Rau cảnh báo an ninh khu vực đang ở mức căng thẳng nhất trong hơn 3 thập niên qua. “Tôi chắc chắn rằng OSCE là nền tảng tốt nhất có thể để thảo luận về vấn đề này bởi chúng ta có 57 quốc gia và tất cả những người tham gia cuộc họp đều được trao quyền. Tuy nhiên, các bên có sự khác biệt về tầm nhìn an ninh chung, có nghĩa là có khác biệt về mức độ cam kết. Vì vậy, tôi phải nói rằng, căng thẳng luôn hiện diện tại khu vực  OSCE do sự bất đồng về việc nhìn nhận an ninh châu Âu”, ông Zbigniew Rau nói.

Mặc dù tuyên bố phải chuẩn bị cho trường hợp có thể leo thang căng thẳng với Nga song phía Mỹ vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao và đối thoại với Nga. Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng: “Chúng tôi tin rằng ngoại giao và hiểu biết ngoại giao có thể đạt được giữa Mỹ, các đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi và Nga, có thể đóng góp vào sự ổn định ở châu Âu; có thể đạt được tiến bộ về những vấn đề như tên lửa và tập trận. Điều đó có thể giảm rủi ro và quản lý xung đột làm cho tình hình an ninh chung ở châu Âu ổn định hơn. Điều đó chắc chắn khả thi nếu Nga sẵn sàng tham gia”.

Mặc dù kết quả các cuộc đàm phán  cho thấy những bất đồng sâu sắc và tình trạng thiếu niềm tin chiến lược lẫn nhau giữa Nga và các nước Phương Tây, nhưng cơ hội đối thoại vẫn được các bên để ngỏ. Đây được cho là điểm tích cực hiếm hoi của các cuộc đàm phán vừa qua giữa Mỹ và các nước phương Tây, chí ít cũng ngăn cản các bên đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa trong những ngày đầu năm mới này.

Minh Hải

Khổng Hà
.
.
.