Vị thế của Nga tiếp tục được củng cố

Thứ Tư, 25/09/2024, 08:00

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 22-24/10 tới tại vùng Kazan của Nga và do Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin chủ trì.

Việc sự kiện này thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, cho thấy BRICS đang trở thành một điểm tựa chiến lược quan trọng đối với khu vực. Bên cạnh đó, điều này còn củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu đầy biến động.

Một lựa chọn hấp dẫn

Chuyên gia Alexander Popov từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, BRICS là một công cụ quan trọng để Nga thúc đẩy lợi ích chính trị và kinh tế của mình trong khu vực. Sự tương tác với các nước Đông Nam Á thông qua BRICS sẽ giúp Nga vượt qua các hạn chế do phương Tây áp đặt và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Do đó, BRICS không chỉ là một nền tảng hợp tác đa phương mà còn là cơ hội để Nga phát triển mạng lưới kinh tế và chính trị với các quốc gia nằm ở vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Pavel Shaternikov tới từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, nhấn mạnh rằng, việc tăng cường hợp tác giữa BRICS và Đông Nam Á sẽ giúp thúc đẩy phát triển hậu cần, cơ sở hạ tầng và thương mại trong toàn khu vực châu Á. Đối với Nga, điều này đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường mục tiêu và củng cố chuỗi giá trị, tạo ra những cơ hội kinh tế mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Có thể nói, BRICS không chỉ được biết đến như một tổ chức mở mà còn đại diện cho các nguyên tắc công bằng, bình đẳng và minh bạch, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác đa phương. Tại diễn đàn Quốc hội BRICS lần thứ 10 vào tháng 7/2024, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, những nguyên tắc này là nền tảng đoàn kết các quốc gia BRICS. Đây là lý do quan trọng khiến các nước Đông Nam Á coi BRICS là một lựa chọn hấp dẫn thay thế cho áp lực từ phương Tây.

BRICS hiện đang nổi lên như một tổ chức quốc tế mở, tạo điều kiện cho sự tham gia của các quốc gia bên ngoài nhóm. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á không chỉ nhìn nhận nhóm này như một nền tảng hợp tác kinh tế mà còn là cơ hội để giảm bớt sự phụ thuộc vào các cấu trúc tài chính và chính trị phương Tây. Với sự hiện diện của Trung Quốc, đối tác chiến lược quan trọng của nhiều nước Đông Nam Á, BRICS mang lại một giải pháp thay thế hấp dẫn cho sự thống trị của phương Tây. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển của khu vực, vốn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ các thành viên BRICS như Trung Quốc và Nga.

Từ góc độ chiến lược, tiềm năng tăng cường hợp tác giữa BRICS và Đông Nam Á là vô cùng lớn. Khu vực Đông Nam Á nằm ở vị trí địa lý chiến lược giữa hai cường quốc lớn của BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các hành lang kinh tế, cơ sở hạ tầng và mạng lưới hậu cần kết nối toàn khu vực châu Á. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố vai trò của BRICS như một trung tâm hợp tác toàn cầu.

Các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng nhận thấy giá trị của việc tham gia vào BRICS để tìm kiếm những giải pháp thay thế trong bối cảnh sự cạnh tranh và xung đột địa chính trị ngày càng leo thang. Đối với Nga, việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á thông qua BRICS không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn củng cố vị thế chính trị của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.

thuongdinhbrics.jpg -0
Ngoại trưởng các nước thành viên BRICS tại cuộc họp hồi tháng 6/2024 ở Nga.

BRICS sẽ không sử dụng đồng USD

Hiện Nga cùng với các ngân hàng trung ương của các nước BRICS đang nỗ lực tạo ra một cơ sở hạ tầng thanh toán và thanh toán mới cho phép thanh toán bằng các loại tiền tệ quốc gia, bao gồm cả tiền kỹ thuật số. Một nền tảng thanh toán và thanh toán kỹ thuật số đa phương được gọi là “BRICS Bridge” (Cầu BRICS) có thể kết nối các thị trường tài chính của các thành viên BRICS hiện đang được tổ chức này xem xét. Việc phát triển một hệ thống miễn nhiễm với áp lực chính trị, lạm dụng và sự can thiệp của các lệnh trừng phạt bên ngoài đã diễn ra kể từ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2023 tại Nam Phi.

Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko, vấn đề về một nền tảng kỹ thuật số đa phương độc lập có thể sẽ là trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10 tới. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, bà Valentina Matviyenko từng cho biết, việc xây dựng một hệ thống thanh toán độc lập, “miễn nhiễm với áp lực chính trị, lạm dụng và can thiệp trừng phạt từ bên ngoài”, đang được tiến hành như một bước tiếp theo sau các quyết định được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm ngoái ở Nam Phi. Nếu hệ thống này được tạo ra, nó có thể sử dụng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương BRICS và tỷ giá hối đoái của chúng sẽ được gắn với giá trị của các loại tiền tệ quốc gia.

Chủ tịch Thượng viện Nga nêu rõ: “Ngoài ra, nền tảng thanh toán và thanh toán kỹ thuật số này sẽ được phân cấp, tức là không có bên tham gia nào có thể hạn chế hoạt động của bên khác. Nếu sáng kiến ##do Nga đề xuất được chấp thuận, các nước BRICS sẽ phải tiến hành công tác lập pháp phối hợp để đưa một loại tiền kỹ thuật số quốc gia vào lưu thông và sử dụng nó trong các giao dịch xuyên biên giới”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 16/9 đã xác nhận, BRICS đang nỗ lực thiết lập một hệ thống thanh toán mới. Hệ thống này sẽ không chỉ được sử dụng để giải quyết các giao dịch xuyên biên giới mà còn hoạt động như một cơ chế tài chính hoàn chỉnh. Khi được triển khai, hệ thống này có thể thu hút các nền kinh tế mới nổi chuyển hướng khỏi đồng USD. Hệ thống thanh toán BRICS mới có thể dẫn đến sự thay đổi mô hình trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Ngoại trưởng Nga tiết lộ rằng, hệ thống thanh toán BRICS mới sẽ cho phép thực hiện các giao dịch, đầu tư và các hoạt động kinh tế khác mà không cần phụ thuộc vào đồng USD và đồng euro. Động thái này sẽ khiến nỗ lực phi USD hóa nền kinh tế của BRICS mạnh mẽ hơn nhiều.

Ông Sergei Lavrov cũng chỉ trích châu Âu và một số nước vì đã gây sức ép trừng phạt các quốc gia mà họ không ưa. Ông nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt là nguyên nhân dẫn đến quyết định của BRICS về việc triển khai hệ thống thanh toán mới. Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng thừa nhận, việc Nhà Trắng trừng phạt các quốc gia đang phát triển đã góp phần dẫn đến xu hướng phi USD hóa.

Ngoại trưởng Nga cho hay, các quốc gia đang phát triển sẽ đổ xô đến hệ thống thanh toán BRICS vì sợ lệnh trừng phạt của Mỹ. “Mọi người đều hiểu rằng, bất kỳ ai cũng có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc các lệnh trừng phạt của những nước phương Tây khác”, ông nhấn mạnh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.